Thoái hóa khớp háng: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng nhận biết

Tình trạng thoái hóa khớp háng thường xuất hiện ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh gây đau đớn và biến đổi cấu trúc của khớp, dẫn đến tình trạng tàn phế nghiêm trọng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng đắn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Quang Minh - Trưởng Đơn Nguyên Khoa Ngoại Tổng Hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hoá khớp háng là kết quả của tuổi già và quá trình mài mòn khớp kéo dài. Người mắc bệnh thường phải chịu đựng các cơn đau, biến đổi cấu trúc khớp và thậm chí là tàn phế. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cũng như gây thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển chậm lại, giảm triệu chứng đau đớn và cải thiện sức khỏe, từ đó giảm nguy cơ tàn phế.

2. Phân loại bệnh

  • Thoái hóa khớp háng nguyên phát chiếm 50% tổng số trường hợp, thường xuất hiện ở những người trên 60 tuổi.

Thoái hóa khớp háng thứ phát được phân loại thành các dạng nhỏ sau:

  • Thoái hóa khớp háng sau chấn thương, bao gồm các trường hợp như gãy cổ xương đùi, trật khớp háng, hoặc vỡ ổ cối.
  • Thoái hóa khớp háng do biến dạng bởi coxa plana hoặc sau khi xảy ra tình trạng hoạt tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
  • Thoái hóa khớp háng trên nền dị dạng cũ như trật khớp háng hoặc sự thiểu sản khớp háng. 
Tình trạng thoái hóa khớp háng là bệnh lý chủ yếu gặp ở người lớn tuổi
Tình trạng thoái hóa khớp háng là bệnh lý chủ yếu gặp ở người lớn tuổi

3. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân nguyên phát (chiếm tỉ lệ cao nhất, phổ biến ở người cao tuổi) và nguyên nhân thứ phát. Các nguyên nhân thứ phát bao gồm:

  • Tiền sử viêm khớp háng do các bệnh như thấp khớp, viêm khớp, viêm cột sống dính khớp, hoặc viêm khớp do lao.
  • Chấn thương khớp háng khi lao động, tập thể dục, thể thao, hoặc tai nạn như ngã khi leo cầu thang,...
  • Hoại tử vô khuẩn ở chỏm xương đùi không được điều trị triệt để, dẫn đến rủi ro mắc bệnh cao hơn khi bước vào tuổi trung niên.
  • Thoái hóa khớp háng do cấu tạo không bình thường của khớp háng hoặc chi dưới từ khi sinh ra.
  • Biến chứng của các bệnh khác như gút, đái tháo đường, hay bệnh huyết sắc tố cũng có thể gây bệnh.

4. Triệu chứng nhận biết bệnh

  • Bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc di chuyển, bước đi không ổn định do trọng lực cơ thể gây áp lực lớn lên khớp háng.
  • Người bệnh thường có cảm giác đau ở vùng bẹn, đùi, và đôi khi có thể lan ra khớp gối, phía sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi; cơn đau tăng lên khi người bệnh di chuyển hoặc đứng lâu.
  • Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi và có cảm giác tê cứng khi di chuyển hoặc co duỗi khớp háng.
  • Giảm sức mạnh và phạm vi chuyển động của khớp háng, gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày như ngồi xổm, đi vệ sinh, hoặc buộc dây giày.
  • Cơn đau xuất hiện mỗi khi người bệnh xoay người, cúi người, hoặc mở rộng khớp háng và thường dần dần giảm đi khi người bệnh nghỉ ngơi.
  • Vào giai đoạn sau, cơn đau thường trở nên trầm trọng hơn vào buổi sáng khi người bệnh mới thức dậy và trở nên đau mỏi hơn vào chiều tối. Đau càng nặng khi người bệnh thực hiện các hành động như thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc di chuyển. Đau có thể tồn tại ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. 
Khi bị thoái hóa khớp háng, người bệnh bị đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi
Khi bị thoái hóa khớp háng, người bệnh bị đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi

5. Biến chứng của thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không?

Nếu bệnh không được điều trị kịp thời từ đầu, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Mọc gai xương: Đây là hậu quả của tình trạng thoái hóa kéo dài của khớp háng. Nếu cảm thấy đau đớn và khó chịu khi di chuyển khớp háng, đây có thể là dấu hiệu của gai xương đã hình thành.
  • Lệch trục khớp: Trong quá trình thoái hóa, khớp háng dễ bị lệch khỏi vị trí ban đầu do tình trạng mòn của lớp sụn, đẩy phần xương sang một bên và gây lệch trục.
  • Thoát vị hoạt dịch: Thoái hóa khớp háng có thể dẫn đến thoát chất dịch ở vị trí này. Tình trạng này gây ra cảm giác đau đớn nghiêm trọng khi hai đầu xương không có chất dịch bôi trơn cho các cử động.
  • Hạn chế khả năng vận động: Ở mức độ nặng, bệnh làm biến dạng chỏm xương đùi và ổ cối, gai xương bám đầy quanh khớp và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như hạn chế khả năng vận động và di chuyển.

6. Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Thoái hóa của khớp háng thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng điển hình và thông tin từ tiền sử bệnh.

Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm giúp xác định chính xác bệnh, bao gồm:

  • Chụp X-quang có tác dụng phát hiện các dấu hiệu như hẹp khe khớp, mọc gai xương, đặc xương dưới sụn hoặc khuyết xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc CT scan giúp đánh giá tình trạng thay đổi cấu trúc xương, như khuyết tật sụn khu trú và tổn thương tủy xương ở xương dưới sụn.
  • Xạ hình xương đánh giá tình trạng của mô mềm và xương hông.
  • Xét nghiệm máu giúp xác định có kháng thể liên quan đến các bệnh viêm khớp không. 
Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc CT scan giúp đánh giá tình trạng thay đổi cấu trúc xương
Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc CT scan giúp đánh giá tình trạng thay đổi cấu trúc xương

7. Biện pháp phòng ngừa bệnh

Nếu gặp phải tình trạng viêm, chấn thương hoặc tật bẩm sinh ở khớp háng, người bệnh nên bắt đầu điều trị tích cực ngay từ khi phát hiện, nhằm giảm thiểu nguy cơ thoái hóa khớp khi già đi.

Các biện pháp phòng ngừa và giảm đau cho những người đã bị thoái hóa khớp háng bao gồm quá trình các bài tập nhẹ nhàng hàng ngày, ăn uống giàu canxi bằng thực phẩm như sữa, tôm, ốc, cua, dầu cá,... Đồng thời, người bệnh cần duy trì tâm trạng thoải mái, ngủ đủ giấc và thức dậy đúng giờ. 

Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi để phòng ngừa thoái hóa khớp háng
Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi để phòng ngừa thoái hóa khớp háng

Ngoài ra, người bệnh cần tiến hành liệu pháp mạnh mẽ để điều trị các bệnh có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng thoái hóa khớp háng như bệnh gout,...

Tình trạng thoái hóa của khớp háng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ thoái hóa khớp háng, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và đề xuất phương pháp điều trị hiệu quả. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe