Tập luyện thường xuyên có thể làm giảm bớt giãn tĩnh mạch và đồng thời làm giảm một số triệu chứng và phòng ngừa biến chứng do giãn tĩnh mạch gây ra. Dưới đây là hướng dẫn các bài tập điều trị phục hồi chức năng suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới
Các động tác tập cần thực hiện đều đặn, nhẹ nhàng, hết tầm vận động; không vội vàng, không nín thở trong khi tập.
1. Các bài tập ở tư thế nằm
1.1. Gấp và duỗi khớp cổ chân
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập duỗi khớp cổ chân, rồi gấp khớp cổ chân đến mức tối đa từ 10 đến 15 lần. Đưa chân trái về tư thế ban đầu, tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần.
1.2. Xoay khớp cổ chân
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập xoay khớp cổ chân từ phải qua trái rồi từ trái qua phải 10 đến 15 lần. Đưa chân trái trở về vị trí ban đầu rồi tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần.
1.3. Bắt chéo chân
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, sau đó nâng hai chân lên khỏi mặt giường rồi tập bắt chéo chân trái qua chân phải rồi chân phải qua chân trái luân phiên từ 10 đến 15 lần. sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
1.4. Đạp xe đạp
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, nâng hai chân lên khỏi mặt giường, gấp khớp háng và khớp gối sau đó tập như là đạp xe đạp với cả hai chân từ 10 đến 15 lần. Sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
2. Các bài tập ở tư thế ngồi trên ghế
2.1. Nâng cẳng chân
Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai mông và hai chân. Sau đó tập luân phiên nâng bàn chân phải lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân phải, rồi đưa chân phải về vị trí ban đầu, tập tương tự với chân trái, mỗi chân từ 10 đến 15 lần, sau đó tập với cả hai chân như vậy. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
2.2. Nhón gót chân
Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp như bài tập ở trên sau đó thực hiện tập nhón gót chân (nâng chân lên cho đến khi khớp cổ chân duỗi thẳng chỉ còn các đầu ngón chân sát sàn nhà rồi đưa trở lại vị trí bắt đầu) luân phiên chân trái rồi chân phải, sau đó là cả hai chân cùng một lúc, tập từ 10 đến 15 lần như vậy. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
2.3. Gấp và duỗi khớp cổ chân
Người tập ngồi trên ghế như trên sau đó nâng chân trái lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng rồi tập gấp và duỗi khớp cổ chân trái đến mức tối đa (hết tầm vận động) từ 10 đến 15 lần sau đó đưa chân trái về vị trí ban đầu, tập tiếp như vậy đối với chân phải từ 10 đến 15 lần. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
2.4. Xoay khớp cổ chân
Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà cách nhau khoảng 20cm, sau đó nâng mũi bàn chân phải lên khỏi sàn nhà chỉ có gót chân sát trên sàn nhà rồi tập xoay khớp cổ chân vào trong, ra ngoài từ 10 đến 15 lần, rồi tập tương tự như vậy đối với chân trái và cả hai chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà, sau đó tập bước chân trái lên phía trước đặt gót chân trái trên sàn nhà, rồi nâng chân phải lên để mũi chân phải sát sàn nhà, sau đó chuyển chân trái ra sau đặt mũi chân trái sát sàn nhà, bước chân phải lên trước, gót chân phải sát sàn nhà luân phiên như vậy từ 10 đến 15 lần cho mỗi chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
2.6. Gấp, duỗi luân phiên hai chân
Người tập ngồi trên ghế sau đó luân phiên nhấc từng chân lên khỏi sàn nhà, gấp khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng rồi duỗi thẳng chân đó ra, đưa trở lại vị trí ban đầu, tiếp tục tập như vậy 10 đến 15 lần, tập tương tự như vậy với chân còn lại. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
3. Các bài tập ở tư thế đứng
3.1. Gấp và duỗi khớp cổ chân
Bệnh nhân đứng, nhấc một chân lên khỏi sàn nhà rồi tập gấp, duỗi khớp cổ chân đến mức tối đa từ 10 đến 15 lần. Đứng trở lại tư thế ban đầu, nhấc chân kia lên khỏi sàn nhà và thực hiện các bài tập như với chân đã làm. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần.
3.2. Xoay khớp cổ chân
Bệnh nhân đứng, nhấc một chân lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân đó rồi tập xoay khớp cổ chân từ trong ra ngoài rồi từ ngoài vào trong 10 đến 15 lần, sau đó đưa chân về vị trí ban đầu trên sàn nhà và tiếp tục tập như vậy đối với chân còn lại. Mỗi tuần tập từ 2 đến 3 lần.
3.3. Nhấc cao chân bước tại chỗ
Bệnh nhân đứng sau đó tập bước tại chỗ 15 đến 20 bước bằng cách tạo các bước chân cao hơn so với bước đi thông thường. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần.
3.4. Ngồi xuống và đứng lên nhón gót chân
Bệnh nhân đứng thẳng có thể vịn vào một vật gì đó bên cạnh để đỡ nếu cần, sau đó ngồi xuống giống như ngồi xổm được khoảng một nửa thì lại đứng thẳng lên, rồi nhón gót để đứng trên đầu các ngón chân, rồi sau đó ngồi xuống, làm lại từ 10 đến 15 lần. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
3.5. Bước đi bằng mũi bàn chân
Bệnh nhân đứng thẳng sau đó nâng hai gót chân lên để đứng bằng mũi bàn chân, rồi bước đi khoảng 15 đến 20 bước bằng mũi bàn chân (đi nhón gót). Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần như vậy.
3.6. Bước đi bằng gót chân
Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới đứng thẳng sau đó nâng hai mũi bàn chân lên để đứng bằng hai gót chân, rồi bước đi khoảng 15 đến 20 bước bằng gót chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần như vậy.
Nếu phải đứng lâu từ 30 phút đến 1 giờ, bạn nên thực hiện các động tác tập trên 1 lần.
4. Các bài tập khác
Ngoài các bài tập kể trên, các hình thức tập luyện như bơi lội, đi bộ, đi bộ nhanh, chạy bộ, tập aerobics, khiêu vũ, cũng rất tốt cho sức khỏe cũng như tốt cho hệ mạch máu.