Tầm soát ung thư đại tràng là biện pháp quan trọng để phát hiện sớm bệnh lý, từ đó có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả, giúp nâng cao tỷ lệ bệnh nhân lành bệnh. Ung thư đại tràng không chỉ là một trong những loại ung thư tiêu hóa phổ biến trên toàn thế giới mà còn là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm ở Việt Nam.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1.Tại sao lại cần tầm soát ung thư đại tràng?
Trong năm 2020, tại Việt Nam đã ghi nhận 16.426 trường hợp mới mắc ung thư đại trực tràng và 8.524 người không may qua đời do căn bệnh này. Đáng chú ý, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu có thể đạt đến 90%.
Tầm soát ung thư đại tràng là công cụ y tế cần thiết để phát hiện sớm ung thư hoặc các tổn thương tiền ung thư ở những người không có triệu chứng của bệnh. Việc sàng lọc này giúp nhận diện các tổn thương tiền ung thư và các tổn thương ung thư nhỏ chưa lan rộng. Quy trình tầm soát được áp dụng cho những đối tượng có nguy cơ cao với các mục tiêu sau:
- Phát hiện sớm các tổn thương ung thư đại tràng để tăng cơ hội điều trị thành công, giảm chi phí y tế và từ đó giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Nhận diện và xử lý kịp thời các tổn thương tiền ung thư như polyp đại trực tràng, ngăn ngừa khả năng chúng phát triển thành ung thư ác tính.
2. Đối tượng nên tầm soát ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ, căn cứ vào các yếu tố này, người ta phân loại các đối tượng cần tầm soát ung thư đại tràng thành hai nhóm chính:
2.1. Nhóm nguy cơ cao
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ có một trong các yếu tố sau:
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng.
- Người đã từng mắc ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng.
- Người mắc bệnh Crohn.
- Người có tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền liên quan đến ung thư đại tràng, như hội chứng polyp tuyến di truyền, hội chứng Lynch.
- Người đã từng trải qua xạ trị vùng bụng hoặc chậu do ung thư.
Các đối tượng trong nhóm nguy cơ cao nên được tầm soát sớm hơn 45 tuổi, với các phương pháp tầm soát nhạy và hiệu quả hơn, đồng thời thực hiện tầm soát định kỳ thường xuyên hơn.
2.2. Nhóm nguy cơ trung bình
Những người không có các yếu tố nguy cơ kể trên sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ trung bình. Những đối tượng này nên bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng từ tuổi 45.
Những người có sức khỏe tốt và dự kiến có tuổi thọ trên 10 năm nên tiếp tục tầm soát đến 75 tuổi. Đối với những người trong độ tuổi từ 76 đến 85, việc quyết định có tiếp tục tầm soát hay không phụ thuộc vào mong muốn cá nhân, tình trạng sức khỏe chung và kết quả các lần tầm soát trước đó. Những người từ 85 tuổi trở lên thì nên dừng tầm soát ung thư đại tràng.
3. Các phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng
Có nhiều phương pháp xét nghiệm được sử dụng để tầm soát ung thư đại tràng, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn xét nghiệm phù hợp phụ thuộc vào từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.
3.1. Nội soi toàn bộ đại tràng
Nội soi toàn bộ đại tràng là phương pháp cho phép bác sĩ xem xét toàn bộ niêm mạc đại tràng và được thực hiện định kỳ mỗi 10 năm cho những đối tượng cần tầm soát. Phương pháp này cho phép quan sát toàn bộ đại tràng và giúp phát hiện sớm các bất thường như viêm, loét, polyp, hay khối u. Đồng thời, các bác sĩ có thể cắt bỏ polyp hay lấy mẫu sinh thiết từ các tổn thương nghi ngờ trong quá trình nội soi đại tràng..
Tuy nhiên, nội soi toàn bộ đại tràng có thể bỏ sót các polyp nhỏ và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện, bao gồm việc làm sạch ruột. Nếu nội soi đại tràng có sử dụng gây mê, người tầm soát cần nghỉ ngơi sau khi thực hiện kỹ thuật này. Mặc dù hiếm gặp, nhưng các biến chứng như chảy máu, thủng ruột hoặc nhiễm trùng sau nội soi vẫn có thể xảy ra.
3.2. Nội soi đại tràng sigma
Nội soi đại tràng sigma là phương pháp được thực hiện định kỳ 5 năm một lần đối với những người thuộc nhóm nguy cơ và không được xem là xét nghiệm sàng lọc rộng rãi.
Kỹ thuật này được thực hiện nhanh chóng và không yêu cầu sự chuẩn bị phức tạp như nội soi toàn bộ đại tràng, tuy nhiên chúng ta không thể khảo sát được toàn bộ đại tràng. Ngoài ra, nội soi sigma, tương tự như nội soi toàn bộ đại tràng, có có nguy cơ chảy máu, thủng ruột và có thể bỏ sót các polyp nhỏ.
3.3. Xét nghiệm máu ẩn trong phân
Xét nghiệm máu ẩn trong phân được tiến hành hàng năm cho các đối tượng nguy cơ để tìm kiếm lượng máu nhỏ, DNA bất thường mà ung thư đại tràng giai đoạn sớm giải phóng vào phân.
Đây là phương pháp có chi phí thấp, đơn giản và không xâm lấn, không gây tổn thương đến đại tràng. Tuy nhiên, xét nghiệm này có nhược điểm là có thể bỏ sót các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư như polyp. Xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính giả, nếu chỉ có tình trạng máu ẩn trong phân, chúng ta không đủ cơ sở để đi đến kết luận bản thân có bị ung thư hay không. Chính vì thế, khi có kết quả bất thường, bệnh nhân cần được thực hiện nội soi đại trực tràng để xác định chính xác.
3.4. Xét nghiệm DNA và hóa mô miễn dịch trong phân
Xét nghiệm DNA trong phân được thực hiện ba năm một lần để tìm kiếm các đoạn DNA từ tế bào ung thư hoặc polyp có thể bị bong ra và lẫn vào phân. Xét nghiệm hóa mô miễn dịch trong phân được thực hiện hàng năm để tầm soát ung thư đại tràng.
Những xét nghiệm này có ưu điểm và nhược điểm tương tự như xét nghiệm máu ẩn trong phân. Các bệnh nhân có kết quả bất thường cần được nội soi đại tràng để xác nhận chẩn đoán.
3.5. Chụp cắt lớp vi tính đại tràng - bụng
Chụp cắt lớp vi tính đại tràng là phương pháp không xâm lấn, được tiến hành 5 năm một lần cho các đối tượng nguy cơ. Phương pháp này không chỉ phát hiện các khối u lớn trong lòng đại tràng mà còn có thể phát hiện các bất thường khác trong ổ bụng. Chụp cắt lớp vi tính có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng và an toàn.
Tuy nhiên, để có hình ảnh rõ ràng và đánh giá chính xác bệnh, người tầm soát cần làm sạch đại tràng trước khi chụp. Phương pháp này cũng có nhược điểm là có thể bỏ sót các tổn thương nhỏ, polyp có kích thước nhỏ, không cho phép cắt bỏ polyp hay sinh thiết các tổn thương nghi ngờ. Đồng thời, người tầm soát cũng phải tiếp xúc với một lượng nhỏ bức xạ khi chụp cắt lớp vi tính.
4.Kế hoạch tầm soát ung thư đại tràng cho các đối tượng nguy cơ
4.1. Đối tượng nguy cơ trung bình ung thư đại tràng
Những người có nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng từ độ tuổi 45. Dưới đây là kế hoạch tầm soát được khuyến cáo cho nhóm này:
- Nội soi toàn bộ đại tràng: Thực hiện mỗi 10 năm một lần
- Chụp cắt lớp vi tính bụng: Tiến hành mỗi 5 năm một lần
- Nội soi đại tràng sigma: Cũng được thực hiện mỗi 5 năm một lần, có thể kết hợp với xét nghiệm phân để tăng độ chính xác.
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân nên thực hiện hàng năm
- Xét nghiệm DNA trong phân cần tiến hành mỗi 3 năm một lần
4.2 Kế hoạch tầm soát ung thư đại tràng cho các đối tượng nguy cơ cao
Đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn 45 tuổi một cách thường xuyên với các biện pháp tầm soát nhạy và hiệu quả cao hơn, cụ thể:
- Tiền sử gia đình mắc ung thư hoặc polyp tuyến đại trực tràng: Khuyến cáo tầm soát phụ thuộc vào mối quan hệ với người mắc bệnh, số lượng người mắc trong gia đình và độ tuổi tại thời điểm phát hiện bệnh của người mắc.
- Nếu có người thân ở mối quan hệ cấp 1 (cha, mẹ, anh chị em ruột) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hoặc polyp tuyến đại tràng trước 60 tuổi, mọi người nên tiến hành nội soi đại tràng 5 năm một lần, bắt đầu từ 40 tuổi hoặc trước 10 tuổi so với tuổi mắc bệnh của người thân. Nếu có hai người thân (mối quan hệ cấp 1) mắc bệnh ở bất kỳ độ tuổi nào, cũng áp dụng phương pháp tầm soát tương tự.
- Nếu có 1 người thân ở mối quan hệ cấp 1 (cha, mẹ, anh chị em ruột) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hoặc polyp tuyến đại tràng sau 60 tuổi, hoặc có 2 người thân ở mối quan hệ cấp 2 (ông bà, cô, dì, chú, bác,...) mắc bệnh thì mọi người nên tầm soát bằng cách nội soi đại tràng từ năm 40 tuổi.
- Tiền sử bản thân từng mắc ung thư đại trực tràng: Cần theo dõi sát sao bằng nội soi đại trực tràng trong năm đầu tiên sau điều trị và có thể bổ sung các xét nghiệm khác như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính.
- Tiền sử bản thân từng cắt polyp đại tràng: Cần nội soi kiểm tra định kỳ (không quá 3 năm một lần) tùy thuộc vào kích thước, số lượng và loại polyp.
- Tiền sử bản thân mắc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn: Nên bắt đầu tầm soát ung thư bằng nội soi đại trực tràng ít nhất 8 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh và lặp lại mỗi 1-3 năm, tùy vào các nguy cơ phát hiện trước đó.
- Tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền liên quan đến ung thư đại trực tràng: Nên tiến hành sàng lọc sớm bằng nội soi đại trực tràng, có thể bắt đầu từ tuổi thiếu niên và thực hiện định kỳ thường xuyên hơn.
- Tiền sử xạ trị vùng bụng/chậu: Thường tiến hành tầm soát 5 năm sau xạ trị hoặc từ 30 tuổi, bằng nội soi đại tràng hoặc xét nghiệm phân và kiểm tra lại sau mỗi 3-5 năm.
5.Những lưu ý cần biết trước khi đi tầm soát ung thư đại tràng
Trước khi tiến hành tầm soát ung thư đại tràng, mọi người cần lưu ý:
- Mặc trang phục thoải mái để thuận tiện cho việc khám của bác sĩ.
- Nhịn ăn từ 8 đến 12 tiếng trước khi thực hiện các xét nghiệm và nội soi.
- Không nên uống các loại đồ uống như cà phê, trà, sữa, nước ngọt và nước trái cây; chỉ nên uống một lượng nhỏ nước lọc trước khi đi khám.
- Tránh ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh trong vài ngày trước khi tầm soát. Bữa tối hôm trước có thể ăn nhẹ như cháo hoặc soup. Nếu phải làm nội soi sau 12 giờ trưa, mọi người có thể uống các dịch lỏng như nước lọc hoặc nước ép táo 6 giờ trước khi thực hiện nội soi.
- Không hút thuốc và uống bia rượu trong vòng 24 tiếng trước khi đi khám.
- Phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư sau chu kỳ kinh nguyệt từ 5-7 ngày, hãy báo cho bác sĩ nếu bản thân đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.
Việc tầm soát sớm và thường xuyên ở các đối tượng nguy cơ cao có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư đại tràng, từ đó giảm thiểu tỷ lệ tái phát và nguy cơ tử vong.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.