Ai không nên uống vitamin C?

Vitamin C hòa tan trong nước nhưng cơ thể con người không thể tổng hợp mà chỉ được hấp thụ nghiêm ngặt thông qua chế độ ăn uống. Khi thiếu hụt vitamin C, người bệnh dễ bị mắc các bệnh lý nhiễm trùng, còi xương với những biểu hiện xuất huyết, tăng sừng da. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin C cần đúng chỉ định, liều lượng và cân nhắc trên các đối tượng.

1. Chỉ định của vitamin C

Vitamin C là một loại vitamin hòa tan trong nước, chất chống oxy hóa và cũng là đồng yếu tố cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp collagen, chuyển hóa carnitine, catecholamine, hấp thụ sắt trong chế độ ăn uống.

Con người không thể tổng hợp vitamin C, vì vậy chỉ có thể nhận được thông qua chế độ ăn uống trái cây và rau quả. Trái cây họ cam quýt, quả mọng, cà chua, khoai tây và rau lá xanh là những nguồn vitamin C tuyệt vời. Mặc dù hầu hết vitamin C được hấp thu hoàn toàn ở ruột non, nhưng tỷ lệ này sẽ giảm khi nồng độ trong dịch ruột tăng lên. Các gốc proline trên procollagen đòi hỏi vitamin C để hydroxyl hóa, điều này cần thiết cho sự hình thành chuỗi xoắn ba của collagen trưởng thành. Việc thiếu cấu trúc xoắn ba ổn định làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của da, màng nhầy, mạch máu và xương. Do đó, sự thiếu hụt vitamin C dẫn đến bệnh còi, biểu hiện thiếu vitamin C là xuất huyết, tăng sừng và các bất thường về huyết học.

Ngoài ra, sự thiếu hụt vitamin C thường xảy ra khi ăn uống kém hoặc giảm nhu cầu. Những người có nguy cơ hấp thụ không đủ vitamin bao gồm:

  • Người già;
  • Những người nghiện rượu, hút thuốc lá, chán ăn hoặc ung thư;
  • Những người dễ bị dị ứng thực phẩm;
  • Nhận dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa không được bổ sung đủ dưỡng chất;
  • Những người ăn kiêng hạn chế thứ phát do bệnh viêm ruột, trào ngược đường tiêu hóa hoặc bệnh Whipple;
  • Đang dùng thuốc như Aspirin, Indomethacin, thuốc tránh thai, Tetracycline và Corticosteroid;
  • Những người bị suy thận, do vitamin C tan trong nước trong quá trình lọc máu;
  • Những người có biến chứng của interleukin-2 điều trị ung thư biểu mô tế bào thận di căn;
  • Nhận cấy ghép gan.

Ngoài ra, nhu cầu vitamin C hàng ngày tăng lên ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý như viêm lợi, hen suyễn, tăng nhãn áp, rối loạn collagen, say nắng, viêm khớp, nhiễm trùng và các bệnh mãn tính. Rối loạn mạch máu, bỏng và chậm lành vết thương là những nguyên nhân làm tăng lượng vitamin C tiêu thụ hàng ngày.


Vitamin C là một loại vitamin hòa tan trong nước
Vitamin C là một loại vitamin hòa tan trong nước

2. Cách bổ sung vitamin C như thế nào?

Vitamin C thường được dùng bằng đường uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da khi nghi ngờ kém hấp thu. Đối với tiêm tĩnh mạch, cần giảm thiểu các phản ứng có hại bằng cách pha loãng thuốc với dung dịch muối hoặc glucose thông thường.

Liều bổ sung vitamin C trung bình cho người lớn là 70 đến 150 mg mỗi ngày; tăng liều lên 300 mg đến 1 g mỗi ngày khi có bệnh còi.

3. Tác dụng phụ khi bổ sung vitamin C

Các tác dụng phụ khi bổ sung vitamin C bao gồm nhức đầu, đỏ bừng, buồn nôn hoặc nôn và chóng mặt. Ngoài ra, có các báo cáo về chứng đau nửa đầu với liều vitamin C hàng ngày là 6 g.

Một lượng đáng kể vitamin C có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, tăng axit uric và oxalat vì sẽ làm axit hóa nước tiểu.

4. Ai không nên uống vitamin C?

Chống chỉ định bổ sung vitamin C trong các bệnh rối loạn về máu như Thalassemia, thiếu men G6PD, bệnh hồng cầu hình liềm và huyết sắc tố. Tránh dùng chất bổ sung ngay trước hoặc sau khi nong mạch. Bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung vitamin C một cách cẩn thận vì thuốc sẽ làm tăng lượng đường trong máu.

Vitamin C nên được sử dụng thận trọng trong bệnh thận oxalat hoặc sỏi thận vì quá trình axit hóa bởi axit ascorbic làm tăng khả năng kết tủa của sỏi cysteine, urat và oxalat.


Các tác dụng phụ khi bổ sung vitamin C bao gồm nhức đầu, đỏ bừng, buồn nôn hoặc nôn và chóng mặt
Các tác dụng phụ khi bổ sung vitamin C bao gồm nhức đầu, đỏ bừng, buồn nôn hoặc nôn và chóng mặt

5. Tương tác thuốc có thể xảy ra khi uống vitamin C

Những bệnh nhân đang được điều trị bằng bất kỳ loại thuốc nào sau đây cũng không nên uống vitamin C:

  • Aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Cả aspirin và NSAID đều có thể làm giảm lượng vitamin C trong cơ thể vì chúng làm mất nhiều vitamin trong nước tiểu. Ngoài ra, vitamin C liều cao có thể khiến các loại thuốc này ở lại trong cơ thể nhiều hơn, làm tăng nồng độ trong máu. Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng vitamin C có thể giúp bảo vệ chống lại chứng đau dạ dày mà Aspirin và NSAID có thể gây ra. Nếu thường xuyên dùng Aspirin hoặc NSAID, hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng nhiều hơn lượng bổ sung vitamin c theo khuyến nghị hàng ngày.
  • Acetaminophen: Liều cao vitamin C có thể làm giảm lượng Acetaminophen qua nước tiểu, điều này có thể khiến nồng độ thuốc trong máu tăng lên.
  • Thuốc kháng axit có chứa nhôm: Vitamin C có thể làm tăng lượng nhôm mà cơ thể hấp thụ, điều này có thể khiến các tác dụng phụ của những loại thuốc này trở nên tồi tệ hơn.
  • Thuốc an thần: Thuốc an thần có thể làm giảm tác dụng của vitamin C. Những loại thuốc này bao gồm Phenobarbital, Pentobarbital và Seconobarbital.
  • Thuốc hóa trị: Là một chất chống oxy hóa, vitamin C có thể cản trở tác dụng của một số loại thuốc dùng để hóa trị. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng vitamin C có thể giúp hóa trị hiệu quả hơn.
  • Thuốc Nitrate cho bệnh tim: Sự kết hợp của vitamin C với Nitroglycerin, Isosorbide dinitrate hoặc Isosorbide mononitrate sẽ làm giảm khả năng dung nạp với các loại thuốc. Nếu dùng thuốc Nitrat, hãy hỏi bác sĩ về việc có nên bổ sung vitamin C.
  • Thuốc tránh thai đường uống và liệu pháp thay thế hormone: Vitamin C có thể gây ra sự gia tăng nồng độ estrogen khi dùng chung với những loại thuốc này, đặc biệt nếu bị thiếu vitamin C từ đầu và bắt đầu dùng thuốc bổ sung. Estrogen đường uống cũng có thể làm giảm tác dụng của vitamin C trong cơ thể.
  • Thuốc ức chế Protease: Vitamin C dường như làm giảm mức độ của Indinavir, một loại thuốc được sử dụng để điều trị HIV và AIDS.
  • Tetracycline: Một số bằng chứng cho thấy rằng dùng vitamin C với kháng sinh Tetracycline có thể làm tăng nồng độ thuốc này; đồng thời, cũng có thể làm giảm tác dụng của vitamin C trong cơ thể.
  • Warfarin (Coumadin): Đã có một số báo cáo về việc vitamin C can thiệp vào hiệu quả của loại thuốc làm loãng máu này.

Vitamin C là một thành phần quen thuộc trong các viên thuốc vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm chức năng. Trừ khi bị thiếu hụt, việc bổ sung vitamin C tốt nhất là thông qua một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm trái cây và rau tươi. Việc sử dụng quá liều hay lạm dụng có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, nhất là các đối tượng không nên uống vitamin C vì nguy cơ tương tác thuốc đang dùng để điều trị các bệnh lý khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe