Trong cơ thể, acid béo chuỗi ngắn được tạo thành bởi quá trình lên men chất xơ ở ruột già bởi những vi khuẩn đường ruột thân thiện. Các nghiên cứu được tiến hành đã phát hiện acid béo chuỗi ngắn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa một số bệnh tật và sức khỏe của con người.
1. Acid béo chuỗi ngắn là gì? Tính chất của acid béo chuỗi ngắn
Acid béo chuỗi ngắn được định nghĩa là những acid béo về mặt cấu tạo có số lượng nguyên tử cacbon nhỏ hơn 6. Acid béo chuỗi ngắn có các đặc điểm và tính chất sau:
- Được tạo ra từ những vi khuẩn đường ruột tốt, khi chúng thực hiện quá trình lên men chất xơ có trong ruột già. Acid béo chuỗi ngắn cũng chính là nguồn năng lượng chủ yếu của các tế bào lót ruột già. Vì vậy, acid béo chuỗi ngắn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe đại tràng.
- Tham gia vào quá trình chuyển hóa tinh bột, đường và chất béo trong cơ thể (acid béo chuỗi ngắn được tạo ra dư thừa).
- Phần lớn các acid béo chuỗi ngắn trong cơ thể người là acetate, propionate và butyrate. Trong đó, acetate và butyrate kết hợp và tạo thành cholesterol và các acid béo khác, còn propionate tham gia vào quá trình sản xuất glucose ở gan.
- Số lượng acid béo chuỗi ngắn trong ruột già chịu ảnh hưởng của các yếu tố như số lượng vi sinh vật hiện diện, chế độ ăn, thời gian tiêu hóa.
2. Acid béo chuỗi ngắn có ở đâu?
Ăn nhiều rau, trái cây và các loại đậu, cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể là cách tạo ra nhiều hơn acid béo chuỗi ngắn. Tuy nhiên, tùy vào loại và lượng chất xơ tiêu thụ sẽ tác động đến thành phần vi khuẩn đường ruột, từ đó sẽ tạo ra các loại acid béo chuỗi ngắn khác nhau.
Dưới đây là những loại chất xơ và nguồn thực phẩm giúp tăng cường sản xuất acid béo chuỗi ngắn ở đại tràng:
- Arabinoxylan: Có nhiều trong cám lúa mì và các loại hạt ngũ cốc.
- FOS (Fructooligosaccharides): Có nhiều trong chuối, tỏi, hành tây, măng tây.
- Guar gum: Chiết xuất từ một loại cây thuộc họ đậu, có tên là đậu guar.
- Inulin: Có nhiều trong tỏi, hành tây, măng tây, lúa mì, lúa mạch, atiso.
- Pectin: Có nhiều trong quả mơ, táo, cam, cà rốt.
- Tinh bột kháng: Có nhiều trong lúa mạch, gạo và các loại ngũ cốc, đậu, khoai tây, chuối xanh.
3. Vai trò của acid béo chuỗi ngắn đối với sức khỏe và một số bệnh tật
3.1 Rối loạn tiêu hóa
Acid béo chuỗi ngắn có thể giúp làm giảm tiêu chảy và điều trị viêm loét đại tràng, là hai chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến. Trong đó, acid béo chuỗi ngắn butyrate có đặc tính chống viêm được sử dụng để giúp làm giảm tình trạng viêm ruột, tương tự như acetate.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng tìm thấy tình trạng viêm loét đại tràng nghiêm trọng hơn khi lượng acid béo chuỗi ngắn thấp.
3.2 Ung thư đại tràng
Đối với một số bệnh ung thư nhất định, đặc biệt là ung thư đại tràng, acid béo chuỗi ngắn có tác dụng phòng ngừa và điều trị. Cụ thể, butyrate giúp duy trì sức khỏe của tế bào ruột già để ngăn chặn tế bào khối u phát triển, đồng thời kích thích quá trình phá hủy tế bào khối u.
Đối với ung thư ruột kết, một số nghiên cứu cũng cho thấy ăn nhiều chất xơ có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu cụ thể về mối quan hệ này.
3.3 Tiểu đường
Một số nghiên cứu cho thấy vai trò của acid béo chuỗi ngắn trong việc điều chỉnh, kiểm soát lượng đường trong máu ở những bệnh nhân kháng insulin, tiểu đường tuýp 2 bằng cách thúc đẩy các enzyme trong tế bào gan và cơ hoạt động. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn bằng chứng nghiên cứu chứng minh vai trò của acid béo chuỗi ngắn đối với tiểu đường.
3.4 Giảm cân
Các nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết về mối quan hệ giữa thành phần hệ vi sinh vật đường ruột và bệnh béo phì thông qua cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng có trong chế độ ăn và điều tiết quá trình chuyển hóa năng lượng.
Các acid béo chuỗi ngắn được tạo ra từ quá trình lên men chất xơ trong ruột già, nếu dư thừa sẽ tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo, cụ thể là tăng khả năng đốt cháy chất béo và giảm khả năng lưu trữ chất béo, từ đó giúp làm giảm lượng acid béo tự do trong cơ thể, chống lại tình trạng tăng cân.
Tuy nhiên, cần nhiều bằng chứng chứng minh vai trò của acid béo chuỗi ngắn đối với giảm cân ở người.
3.5 Tim mạch
Một số vấn đề bệnh lý tim mạch có thể được phòng ngừa bằng cách tăng cường chất xơ trong chế độ ăn để tạo ra nhiều acid béo chuỗi ngắn hơn, giúp làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
Trong đó, butyrate là acid béo chuỗi ngắn quan trọng tương tác với những gen trong cơ thể tạo ra cholesterol, từ đó giúp làm giảm lượng cholesterol, tương tự như acetate.
4. Có nên bổ sung thực phẩm chứa acid béo chuỗi ngắn không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm bổ sung để làm tăng acid béo chuỗi ngắn trong cơ thể là không cần thiết vì chúng sẽ được hấp thụ ở ruột non trước khi đến đại tràng. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả của thực phẩm bổ sung acid béo chuỗi ngắn.
Thay vào đó, một chế độ ăn giàu chất xơ là lựa chọn tốt hơn để cải thiện và làm tăng sản xuất acid béo chuỗi ngắn trong cơ thể.
Acid béo chuỗi ngắn là sản phẩm của quá trình lên men chất xơ ở ruột già, vừa là nguồn năng lượng cho tế bào ruột già, vừa đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và phòng ngừa, điều trị một số vấn đề bệnh tật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: thehinhonline.com.vn