Rụng tóc ở tuổi trung niên, đặc biệt là từ 50 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như quá trình lão hóa, sự thay đổi của nội tiết tố... Vậy biện pháp nào cho người 50 tuổi tóc rụng nhiều? Chúng ta cùng trả lời câu hỏi này qua bài viết dưới đây.
1. Rụng tóc nhiều ở tuổi trung niên là do đâu?
Tình trạng rụng tóc bao gồm hai dạng chính, đó là rụng tóc sinh lý và rụng tóc do bệnh lý.
- Rụng tóc sinh lý: Gặp ở hầu hết các độ tuổi. Tuy nhiên tóc rụng do sinh lý có số lượng không nhiều (dao động trong khoảng từ 50 đến 100 sợi). Nguyên nhân của quá trình này là tóc già yếu sẽ rụng đi để thế chỗ cho sợi tóc mới phát triển. Đây là quá trình hoàn toàn bình thường và nó không ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ của chúng ta.
- Rụng tóc bệnh lý: Tình trạng tóc rụng một cách bất thường, rụng quá nhiều (trung bình hơn 100 sợi mỗi ngày) mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài khiến cho mái tóc của bạn trở nên thưa mỏng, dẫn đến hói đầu...
Tình trạng rụng nhiều tóc ở tuổi trung niên thường được gây ra bởi các nguyên nhân sau đây:
1.1. Quá trình lão hóa của cơ thể
Từ 50 tuổi trở lên bạn đang bước vào giai đoạn trung niên, cơ thể sẽ có nhiều thay đổi như hệ xương khớp không còn được linh hoạt như trước, hệ miễn dịch bị suy giảm... làm cho tóc cũng yếu đi, dễ bị gãy rụng và đổi màu. Vì vậy, người ở độ tuổi trung niên bắt đầu xuất hiện tóc bạc, rụng nhiều, mái tóc mỏng hơn khi còn trẻ. Đây được xem là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
1.2. Thay đổi nội tiết tố của cơ thể
Sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể là một trong những nguyên nhân làm tóc rụng nhiều hơn. Quá trình này diễn ra ở cả nam giới và phụ nữ:
- Đối với nam giới, hormone nội tiết testosteron đóng vai trò tăng trưởng, điều hòa chức năng sinh lý, sinh sản và xây dựng sự nam tính của cơ thể như cơ bắp, giọng nói, ham muốn tình dục. Khi cơ thể giảm sản xuất testosterone, tăng nồng độ DHT (Dihydrotestosteron) đặc biệt là người ở độ tuổi trung niên sẽ gây ra tình trạng rụng tóc nhiều.
- Đối với phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể là rõ rệt nhất. Các thụ thể androgen trên da đầu được kích hoạt làm cho nang tóc thu nhỏ lại và tóc tóc bắt đầu rụng nhiều hơn. Không giống như ở nam giới, quá trình rụng tóc ở phụ nữ không tập trung một chỗ gây tình trạng hói mà tóc rụng phân bố trên toàn da đầu làm cho tóc mỏng đi nhiều. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc tránh thai cũng làm nội tiết tố của cơ thể thay đổi, tóc rụng nhiều hơn. Đặc biệt, rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây ra bệnh lý buồng trứng đa nang, triệu chứng điển hình của bệnh lý này là rụng nhiều tóc, kinh nguyệt không đều...
1.3. Cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các dưỡng chất nuôi dưỡng tóc được cung cấp bởi vitamin H (biotin), vitamin B5 (axit pantotheic) và máu... Tóc chỉ thực sự được khỏe đẹp khi được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ các vitamin, chất dinh dưỡng... sẽ làm cho tóc suy yếu dần và dẫn đến gãy rụng.
1.4. Hóa trị điều trị ung thư
Phương pháp điều trị bằng hóa trị và xạ trị ở bệnh nhân ung thư gây tác dụng phụ là rụng tóc, phát ban, khô da... Nguyên nhân là do các loại thuốc sử dụng trong các điều trị này không nhận biết được tế bào lành tính và tế bào ung thư nên thuốc tiêu diệt hiệu quả tất cả các tế bào phân chia nhanh chóng, chính vì vậy tóc cũng bị rụng cùng quá trình tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, tóc rụng do hóa trị có thể được mọc lại sau khi kết thúc đợt điều trị.
1.5. Tình trạng mất ngủ kéo dài
Mất ngủ gây ra nhiều vấn đề có hại cho sức khỏe và cũng là nguyên nhân gây rụng tóc. Ngủ đủ giấc và đúng giờ theo đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ giúp quá trình đào thải độc tố, tái tạo năng lượng, hồi phục những tổn thương của cơ thể được diễn ra hiệu quả hơn. Đặc biệt mất ngủ là một trong những nguyên nhân làm cho người 50 tuổi rụng nhiều tóc. Bởi vì tình trạng mất ngủ kéo dài khiến nang tóc bị tổn thương không hồi phục, hư tổn, yếu và rụng nhiều... đi kèm với đó là tình trạng khó tập trung, khô da, tâm trạng thất thường...
1.6. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ rụng nhiều tóc khi dùng như methotrexate (được dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, một số bệnh lý ung thư ở liều cao..); thuốc chống viêm non steroid (NSAID), thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đông máu... Thông thường sau khi người bệnh ngừng uống thuốc tóc sẽ mọc trở lại. Ngoài ra, các hóa chất giúp tạo kiểu tóc hay các loại thuốc nhuộm cũng là một trong những nguyên nhân làm tóc rụng nhiều. Vì vậy theo khuyến cáo từ các chuyên gia bạn nên sử dụng dầu xả sau mỗi lần gội đầu, không sử dụng các hóa chất và sản phẩm tạo kiểu tóc quá 1 lần mỗi tuần.
1.7. Căng thẳng và stress
Các tình trạng cảm xúc của cơ thể như căng thẳng, stress... là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Các tình trạng này kích thích hệ thần kinh, hệ miễn dịch, gây ra các phản ứng rối loạn khác trong cơ thể, trong đó làm rút ngắn chu kỳ phát triển của tóc, dẫn đến rụng tóc.
1.8. Các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp
Các bệnh lý làm tóc rụng nhiều có liên quan đến tuyến giáp. Khi tuyến giáp bị các tình trạng bệnh lý làm cho nang tóc phát triển chậm lại, yếu và gãy rụng.
2. Các biện pháp khắc phục tình trạng 50 tuổi tóc rụng nhiều
Tùy thuộc vào nguyên nhân làm cho người ở giai đoạn trung niên hay người 50 rụng nhiều tóc để có các biện pháp hợp lý khác nhau. Sau đây là một số phương pháp giúp hạn chế tình trạng rụng nhiều tóc:
2.1. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp cho sự phát triển của tóc
Tình trạng mất cân bằng trong dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Vì vậy, chế độ ăn uống hàng ngày của bạn nên được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất sau:
- Rau củ quả có màu vàng, cam, đỏ như khoai lang, cà rốt, dưa hấu, ớt... Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin A giúp thúc đẩy quá trình phát triển của tế bào nang lông tóc, hồi phục mái tóc mềm mại, chắc khỏe.
- Các loại cá chứa nhiều axit béo omega – 3 như cá mòi, cá hồi..
- Sữa chua và các loại thức ăn chứa nhiều vitamin B5 giúp tăng lưu lượng máu lên da đầu, thúc đẩy sự phát triển của tóc...
- Đảm bảo cung cấp đủ lượng protein cho cơ thể qua các chế độ ăn chứa thịt, cá, rau xanh... Bởi vì phân tử protein keratin là thành phần cấu tạo nên tóc, vì vậy chế độ ăn bổ sung đầy đủ lượng protein cần thiết giúp nuôi dưỡng mái tóc khỏe đẹp.
- Các loại thực phẩm giàu vitamin H như trứng, nội tạng (gan, thận), chuối, ngũ cốc... và thực phẩm giàu kẽm như hàu, ngũ cốc, tôm...giúp thúc đẩy quá trình phát triển của tóc, hạn chế nguy cơ rụng tóc.
2.2. Uống đủ lượng nước mỗi ngày
Cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày sẽ dẫn đến tình trạng khô da, tế bào nang lông không phát triển và tái sinh được. Vì vậy, để có được mái tóc khỏe đẹp và mọc đều đặn bạn cần uống đủ lượng nước cho cơ thể - khoảng 1,5 đến 2 lít mỗi ngày. Bên cạnh đó, các loại đồ uống chứa caffein như cà phê, soda, trà và rượu làm cho cơ thể mất nước, vì vậy bạn nên hạn chế dùng các loại đồ uống này.
2.3. Loại bỏ stress, căng thẳng trong cuộc sống
Tình trạng stress và căng thẳng của cơ thể sẽ dẫn đến 3 kiểu rụng tóc chính sau:
- Rụng tóc kiểu Telogen Effluvium (TE): Là tình trạng rụng tóc khi các nang tóc đang trong giai đoạn nghỉ ngơi.
- Rụng tóc kiểu Trichotillomania: Hay còn được gọi là hội chứng nghiện giật tóc, một rối loạn kiểm soát xung động. Người mắc hội chứng này có xu hướng bứt lông, tóc ra khỏi da đầu một cách không kiểm soát được.
- Rụng tóc kiểu từng mảng: Tình trạng diễn ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các nang lông làm tóc rụng liên tục.
Đối với người bệnh mắc các tình trạng rụng tóc trên thì việc giữ tình thần luôn vui vẻ, lạc quan là yếu tố quan trọng nhất giúp cải thiện bệnh lý. Vì vậy, loại bỏ stress và căng thẳng của cơ thể là cách tốt nhất để giảm nguy cơ rụng tóc.
2.4. Massage da đầu
Massage da đầu giúp làm tăng lưu lượng máu đến các tế bào nang lông, từ đó thúc đẩy quá trình mọc tóc. Bên cạnh đó, bạn nên có chế độ chăm sóc mái tóc tốt hơn như lựa chọn loại dầu gội phù hợp, gội đầu nhẹ nhàng và nên sử dụng dầu xả sau khi gội, sử dụng khăn mềm mại để sấy tóc,..
Như vậy tình trạng rụng tóc ở tuổi trung niên được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn xây dựng được phương pháp điều trị hợp lý. Trong trường hợp tóc rụng nhiều và không rõ nguyên nhân bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và có chẩn đoán chính xác nhất từ bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.