Tuổi tác, lão hóa ảnh hưởng thế nào tới hệ tiêu hóa?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Khi về già, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe bao gồm cả sự gia tăng các rối loạn sức khỏe tiêu hóa. Gần 40% người lớn tuổi từng trải qua một hoặc nhiều triệu chứng tiêu hóa liên quan đến tuổi tác mỗi năm.

1. Các vấn đề tiêu hóa xảy ra do tuổi tác

  • Táo bón

Một trong những vấn đề phổ biến nhất khi bước vào độ tuổi 60 và 70 là sự thay đổi thói quen đi tiêu và thường xuyên nhất là tình trạng táo bón. Các triệu chứng bao gồm đi tiêu khó khăn hoặc đau đớn, đi tiêu không thường xuyên, phân khô và cứng. Yếu tố tuổi tác đóng vai trò lớn trong việc gây ra hiện tượng táo bón ở người lớn tuổi.

  • Những thay đổi trong hệ tiêu hóa

Hệ thống tiêu hóa di chuyển thức ăn trong cơ thể bằng một loạt các hoạt động co cơ. Những cơn co thắt này đẩy thức ăn dọc theo đường tiêu hóa. Khi cơ thể già đi, quá trình này bị chậm lại và khiến thức ăn di chuyển chậm hơn qua ruột kết. Một khi quá trình này chậm lại, nước từ thức ăn thừa bị mất và có thể gây ra tình trạng táo bón.

  • Tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc

Ellen Stein, phó giáo sư y khoa tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore cho biết, người lớn tuổi thường phải dùng rất nhiều loại thuốc do cơ thể họ già đi và bắt đầu gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Trong số đó, có một số loại thuốc thông thường có thể gây táo bón, ví dụ như thuốc chẹn kênh canxi, được sử dụng cho bệnh cao huyết áp.

Thuốc giảm đau gây nghiện cũng là một thủ phạm phổ biến gây ra chứng táo bón. Người lớn tuổi phải phẫu thuật thay khớp gối hoặc khớp háng thường sẽ phải uống thuốc mê để giảm đau. Chất gây nghiện có ảnh hưởng trực tiếp đến ruột và chúng thực sự làm chậm quá trình tiêu hóa của ruột.


Tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của người cao tuổi
Tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của người cao tuổi

  • Không vận động

Người cao tuổi thường có xu hướng trở nên ít hoạt động và việc này có thể khiến họ bị táo bón. Nghỉ ngơi trên giường khi bị bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa.

  • Không uống đủ nước

Tình trạng cơ thể thiếu nước thường phổ biến đối với những người lớn tuổi, những người dùng thuốc lợi tiểu vì huyết áp cao hoặc suy tim. Thuốc lợi tiểu làm giảm huyết áp bằng cách khiến cơ thể mất chất lỏng dư thừa bằng cách đi tiểu thường xuyên hơn.

Một số người lại tìm cách giảm uống quá nhiều chất lỏng để hạn chế lần đi vệ sinh cũng khiến cơ thể bị thiếu nước. Cơ thể bị mất nước khi chúng ta đi tiểu nhiều và uống ít hơn.

  • Bị bệnh túi thừa

Khoảng một nửa số người từ 60 tuổi trở lên bị bệnh túi thừa. Điều này xảy ra khi các túi nhỏ trong niêm mạc đại tràng phình ra dọc theo các điểm yếu trên thành ruột.

Bệnh túi thừa đôi khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có thể được biểu hiện bằng chứng đầy hơi, chướng bụng, chuột rút và táo bón. Bệnh túi thừa là dấu hiệu một phần của sự lão hóa của ruột kết. Khi già đi, cơ thể rất dễ phát triển các túi thừa này.

Mặc dù các túi thừa này thường không gây ra vấn đề đáng lo ngại và không cần phải điều trị, nhưng chúng có thể gây ra sẹo. Nếu các túi bị viêm, nó có thể gây đau bụng, chuột rút, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn. Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và chế độ ăn lỏng có thể được sử dụng để điều trị bệnh viêm túi thừa.

  • Loét và NSAID

Nhiều người lớn tuổi phải sử dụng thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) để kiểm soát cơn đau do viêm khớp và các loại đau mãn tính khác. Sử dụng NSAID thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết và loét dạ dày.

Vì vậy, mặc dù lão hóa không làm cho dạ dày dễ bị loét hơn, nhưng việc sử dụng NSAIDs mãn tính làm tăng nguy cơ loét dạ dày.


Thuốc chống viêm không chứa steroid có thể làm tăng nguy cơ loét và xuất huyết dạ dày
Thuốc chống viêm không chứa steroid có thể làm tăng nguy cơ loét và xuất huyết dạ dày
  • Bị các vấn đề liên quan đến miệng và thực quản

Thực quản là ống nối miệng với dạ dày. Giống như ruột kết, hoạt động của thực quản cũng có thể chậm lại theo tuổi tác và dẫn đến quá trình di chuyển thức ăn trở nên chậm hơn. Điều này có thể gây ra các vấn đề khi nuốt thức ăn hoặc chất lỏng. Ngoài ra, chứng mất trí nhớ, đột quỵ và các tình trạng như bệnh Parkinson cũng có thể gây khó nuốt.

  • Polyp

Sau 50 tuổi, nguy cơ phát triển các khối polyp hoặc các khối u nhỏ trong ruột kết tăng lên. Polyp có thể không phải ung thư, nhưng chúng có thể trở thành ung thư. Chúng ta không biết nguyên nhân gây ra polyp nhưng nó có thể là hậu quả của một tác động tích lũy trong nhiều năm. Rất nhiều người bị polyp mà không hề biết vì chúng thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Đó là lý do tại sao nội soi kiểm tra được khuyến khích đối với người trên 50 tuổi để phát hiện và loại bỏ trước khi chúng trở thành ung thư. Những người có tiền sử gia đình bị ung thư ruột kết hoặc các yếu tố nguy cơ khác có thể cần phải kiểm tra sớm hơn.

  • GERD

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là chứng rối loạn đường tiêu hóa trên phổ biến nhất ở người lớn tuổi, mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này. GERD xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra chứng ợ nóng và các triệu chứng khác.

Chứng ợ nóng thường xảy ra nhiều hơn ở tuổi già nhưng nó thường do các yếu tố không liên quan đến lão hóa gây ra. Ăn khuya và ăn không đúng loại thức ăn như đồ ăn nhanh, đồ chiên rán đều có thể gây ra trào ngược.

Một số loại thuốc, bao gồm thuốc huyết áp mà nhiều người lớn tuổi thường dùng cũng có thể gây ra chứng ợ nóng. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc chứng ợ nóng và GERD, vì vậy nếu bị tăng cân khi già đi thì nguy cơ bị trào ngược dạ dày sẽ cao hơn.


Ăn quá nhiều đồ chiên rán cũng có thể gây ra trào ngược dạ dày thực quản
Ăn quá nhiều đồ chiên rán cũng có thể gây ra trào ngược dạ dày thực quản

2. Cách để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa ở người cao tuổi

Cũng giống như bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, phòng ngừa là liều thuốc tốt nhất để giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể đối với người cao tuổi.

  • Kiểm tra thuốc đang dùng

Hãy cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc bằng cách nói chuyện với bác sĩ để xem liệu thuốc đang dùng có thể gây ra bất kỳ triệu chứng tiêu hóa nào không. Nếu sử dụng NSAID để giảm đau, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra liều thấp nhất có hiệu quả và nhớ dùng chúng sau khi ăn. Đồng thời kiểm tra với bác sĩ để đảm bảo chỉ đang dùng những loại thuốc thật sự cần.

  • Duy trì vận động

Tập thể dục ít nhất 30 phút trong 5 ngày mỗi tuần có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác và giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

  • Ăn nhiều chất xơ

Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đậu cũng có xu hướng giàu chất dinh dưỡng và ít chất béo. Thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp ngăn ngừa táo bón và giảm bớt các triệu chứng của bệnh túi thừa.


Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày để ngăn ngừa nguy cơ táo bón
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày để ngăn ngừa nguy cơ táo bón
  • Uống nhiều nước

Uống nhiều nước trong ngày và uống đủ để không cảm thấy khát. Nếu đang dùng thuốc lợi tiểu, hãy nói chuyện với bác sĩ về cách quản lý việc dùng thuốc để không bị mất nước.

  • Quản lý cân nặng

Duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác như bệnh tim, tiểu đường và huyết áp cao. Đồng thời có thể tránh được các vấn đề sức khỏe cần phải dùng thuốc, đồng nghĩa với việc giảm các tác dụng phụ do thuốc gây ra với hệ tiêu hóa.

Hạn chế chất béo trong chế độ ăn uống bằng cách chọn khẩu phần lành mạnh và chọn thực phẩm nguyên hạt thay vì thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể dễ dàng hơn.

  • Khám sức khỏe định kỳ

Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng phiền toái nào và yêu cầu kiểm tra sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện các vấn đề bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe