5 bài tập thể thao cho người bệnh viêm khớp vảy nến

Với người bệnh viêm khớp vảy nến, tập thể dục giúp làm tăng sức mạnh và sự linh hoạt. Đồng thời, tập thể dục còn giúp giảm đau khớp và giúp cơ thể bệnh nhân chống lại sự mệt mỏi.

1. 5 bài tập cho người viêm khớp vảy nến hữu ích

1.1 Thái cực quyền

Thái cực quyền là bài tập phù hợp cho người bệnh viêm khớp vảy nến. Các động tác thái cực quyền giúp giảm căng thẳng lên cơ và khớp, tạo áp lực tối thiểu lên cơ bắp nên nó phù hợp với mọi lứa tuổi và mọi cấp độ thể chất. Theo đó, các động tác được thực hiện một cách chậm rãi, tập trung, đi kèm với hít thở sâu.

1.2 Yoga

Yoga là một môn luyện tập về tinh thần và thể chất, kết hợp các tư thế khác nhau với việc kiểm soát nhịp thở, thiền định hoặc thư giãn. Yoga có thể giúp giảm căng thẳng và giảm bớt các tình trạng khó chịu đi kèm với viêm khớp vảy nến như trầm cảm, đau đớn, lo âu và mất ngủ. Ngoài ra, yoga còn giúp cải thiện tâm trạng và mang lại cảm giác hạnh phúc.


Người mắc bệnh viêm khớp vẩy nến nên tập yoga thường xuyên
Người mắc bệnh viêm khớp vẩy nến nên tập yoga thường xuyên

1.3 Đạp xe

Đạp xe mang lại nhiều lợi ích cho những người muốn có một sức khỏe tốt và đây cũng là lựa chọn tốt với người đang sống chung với bệnh viêm khớp vảy nến. Đạp xe được coi là hoạt động ít tác động tới vùng khớp, giảm nguy cơ bị chấn thương hoặc ảnh hưởng quá nhiều tới một cơ hay khớp cụ thể. Người tập nên luân phiên giữa đạp xe và các bài tập aerobic ít tác động lên khớp khác như đi bộ và bơi lội.

1.4 Đi bộ

Đi bộ là một hoạt động aerobic phổ biến mà người bệnh viêm khớp vảy nến nên tập. Theo đó, người tập không cần trang bị bất kỳ thiết bị đặc biệt nào, ngoại trừ một đôi giày tốt. Đi bộ có nhiều lợi ích và an toàn cho hầu hết mọi đối tượng, kể cả với những người bị viêm khớp. Đồng thời, đi bộ không tốn kém chi phí thuê phòng tập. Người tập có thể đi bộ quanh nhà, ra công viên,...

1.5 Tập thể dục dưới nước

Tập thể dục dưới nước cũng là một lựa chọn thông minh cho những người đang sống chung với bệnh viêm khớp. Vì khi tập dưới nước, lực đẩy của nước làm giảm áp lực lên xương, cơ và khớp. Nước cũng cung cấp sức đề kháng tự nhiên giúp làm tăng cường cơ bắp. Các hình thức tập thể dục dưới nước bao gồm bơi lội, đi bộ dưới nước và tập aerobic dưới nước.

Nếu mới bắt đầu tập thể dục dưới nước, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chăm sóc da trước khi bắt đầu. Bác sĩ có thể gợi ý cho người tập các bước chăm sóc da trước và sau trước khi tập luyện dưới nước để giữ gìn một làn da khỏe mạnh.


Bộ môn bơi được khuyến khích áp dụng cho người bị viêm khớp vẩy nến
Bộ môn bơi được khuyến khích áp dụng cho người bị viêm khớp vẩy nến

2. Lưu ý cho người bệnh viêm khớp vảy nến khi tập thể dục

Nếu mới tập thể dục, người tập nên bắt đầu từ từ với các bài tập đơn giản. Ví dụ, nếu chọn việc đi bộ thường xuyên để luyện tập thì người bệnh chỉ nên đi bộ xa hoặc nhanh nhất khi bản thân cảm thấy thoải mái. Nếu cảm thấy sức khỏe không tốt, bạn chỉ cần đi bộ trong vài phút. Về sau, dần dần tăng thời gian đi bộ lên tới 30 - 60 phút trong hầu hết các ngày trong tuần.

Đồng thời, người bệnh cần luôn lắng nghe cơ thể mình. Nếu bị đau khớp, bệnh nhân nên tìm cách tự chăm sóc để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, ví dụ như ngâm mình trong bồn nước ấm. Và nếu việc tập thể dục làm các triệu chứng viêm khớp vảy nến càng trầm trọng hơn thì bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ trước khi tiếp tục bất kỳ hoạt động mới nào.

Trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập cho người viêm khớp vảy nến nào, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ và bắt đầu từ từ. Tốt nhất người tập nên lựa chọn các hoạt động mình yêu thích và không làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe