Tăng động giảm chú ý là tình trạng mạn tính khiến cho người mắc bệnh bị ảnh hưởng tới nhiều vấn như cảm xúc, hành vi và khả năng học tập. Thông thường người ta chia rối loạn tăng động giảm chú ý thành 3 dạng khác nhau. Với mỗi dạng có biểu hiện và biện pháp can thiệp không giống nhau.
1. Tổng quan về rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn về tinh thần khiến cho người bệnh giảm sự tập trung, tăng hoạt động quá mức hoặc cả hai.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào nhưng xảy ra nhiều hơn ở nam giới.
Các triệu chứng của ADHD thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ giữa các lứa tuổi 3 đến 6 tuổi, độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 7 tuổi. Mặc dù rối loạn tăng động giảm chú ý cũng xảy ra ở người lớn nhưng tỷ lệ thấp hơn và hiện tại đang có xu hướng tăng lên.
Nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý: Nguyên nhân chính xác của ADHD vẫn chưa được biết rõ. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng ADHD có thể phát triển liên quan tới một số yếu tố như.
- Ăn quá nhiều đường.
- Trẻ xem quá nhiều TV hoặc sống trong một môi trường rất hỗn loạn.
- Liên quan tới yếu tố di truyền: Đây là một yếu tố đóng một vai trò trong sự phát triển của ADHD.
- Một số yếu tố khác được nghiên cứu như chấn thương sọ não, tiếp xúc với các chất độc như chì, từ trong thai kỳ hoặc từ khi còn trẻ, sử dụng rượu hoặc thuốc lá trong khi mang thai, trẻ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
2. Phân loại tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý được chia thành ba loại chính gồm: Loại không chú ý, loại tăng động, loại kết hợp cả hai.
Mỗi loại rối loạn tăng động giảm chú ý gắn liền với một hoặc nhiều đặc điểm khác nhau và đặc trưng cụ thể cho từng loại. Những hành vi này thường biểu hiện theo những cách sau. Dưới đây là những biểu hiện bất thường của từng loại.
2.1 Loại không chú ý
Nếu mắc phải loại ADHD này, bạn thường gặp phải nhiều triệu chứng thiếu chú ý hơn là bốc đồng và tăng động. Những người gặp phải loại này có hành vi thiếu chú ý thường:
- Giảm sự chú ý nên thường bỏ lỡ chi tiết và dễ bị phân tâm, nhanh chóng chán.
- Gặp khó khăn khi tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất nào đó, ví dụ như đọc sách.
- Thường gặp khó khăn trong việc sắp xếp lại suy nghĩ và tìm hiểu thông tin mới.
- Trẻ có thể làm mất bút chì, giấy tờ hoặc các vật dụng khác cần thiết để giúp họ hoàn thành nhiệm vụ.
- Dường như họ không lắng nghe người khác nói.
- Thường di chuyển chậm hơn và xuất hiện biểu hiện mà người khác thấy như thể họ đang mơ mộng
- Họ sẽ xử lý thông tin chậm hơn và kém chính xác hơn những người khác.
- Gặp một số sự cố khi làm theo các chỉ dẫn.
- Loại này thường gặp ở nhiều trẻ em gái được chẩn đoán mắc chứng ADHD hơn trẻ em trai.
2.2 Loại tăng động
Loại tăng động này được đặc trưng bởi các triệu chứng bốc đồng và hiếu động một cách thái quá. Những người bị loại này có thể có ít dấu hiệu không chú ý, nhưng nó thường không rõ rệt như các triệu chứng khác.
Những người gặp phải loại tăng động thường:
- Lúc nào cũng vặn vẹo, bồn chồn không yên hoặc cảm thấy bồn chồn
- Trẻ bị tăng động thường khó ngồi yên, nói liên tục.
- Chạm vào hay chơi với các đồ vật, ngay cả khi không phù hợp với nhiệm vụ của họ.
- Gặp khó khăn khi tham gia vào những hoạt động cần sự yên tĩnh.
- Liên tục di chuyển, thiếu sự kiên nhẫn.
- Có những hành động ngang ngược và không nghĩ đến hậu quả của hành động đó.
- Có thể đưa ra câu trả lời và một nhận xét không phù hợp với hoàn cảnh.
- Trẻ bị tăng động thường có thể gây xáo trộn trong lớp học. Trẻ có thể làm cho việc học trở nên khó khăn hơn đối với bản thân và kể cả các học sinh khác.
- Đa số trẻ em trai được chẩn đoán mắc chứng tăng động hơn trẻ em gái.
2.3 Loại kết hợp
Nếu gặp phải kiểu kết hợp, điều đó có nghĩa là các triệu chứng của bạn không chỉ thiếu chú ý hoặc hành vi tăng động. Thay vào đó, sự kết hợp của các triệu chứng từ cả hai loại này sẽ được biểu hiện ra ngoài.
Hầu hết mọi người, dù có hoặc không có kiểu kết hợp này, đều có hành vi thiếu chú ý hoặc tăng động ở một mức độ nào đó. Hành vi giảm chú ý và tăng động trong loại này xảy ra thường xuyên hơn và ảnh hưởng đến các hoạt động ở nhà, trường học, cơ quan và trong các tình huống xã hội.
Hầu hết trẻ em mắc loại kết hợp, loại này cũng phổ biến hơn ở trẻ em trai so với trẻ em gái. Các triệu chứng của bệnh cũng có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy loại rối loạn tăng động giảm chú ý mà bạn mắc phải cũng có thể thay đổi.
3. Cách chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý như thế nào?
Trẻ em thường biểu hiện các triệu chứng trước 7 tuổi. Nhưng bệnh này cũng có thể biểu hiện chung các triệu chứng với các rối loạn khác. Do đó để chẩn đoán cần thực hiện các bước:
- Trước tiên, bác sĩ sẽ đưa ra câu hỏi và thăm khám để loại trừ các tình trạng như trầm cảm, lo lắng và một số vấn đề về giấc ngủ.
- Sau đó, họ sẽ sử dụng một sổ tay đã được đưa ra các hành vi chi tiết để có thể giúp chẩn đoán bệnh.
- Một người phải biểu hiện ít nhất sáu trong số chín triệu chứng chính đối với một loại ADHD cụ thể. Để được chẩn đoán mắc ADHD kết hợp, bạn phải có ít nhất sáu triệu chứng của hành vi thiếu chú ý và tăng động. Các hành vi này phải hiện diện và gây ra những xáo trộn cuộc sống hàng ngày ít nhất 6 tháng, biểu hiện này cũng phải có mặt ở nhiều nơi như trường học và nhà riêng.
Nói chung, chẩn đoán dựa vào các biểu hiện của bệnh. Nhưng để chẩn đoán vẫn cần loại trừ các vấn đề tâm lý khác, cũng như những rối loạn thực thể.
4. Bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý có chữa khỏi không?
ADHD mặc dù không thể chữa khỏi và ngăn chặn được. Nhưng các biện pháp điều trị có thể giúp gia tăng chất lượng cuộc sống và giảm thiểu triệu chứng của bệnh.
Các biện pháp điều trị bao gồm: Tâm lý trị liệu, thuốc, thay đổi thói quen sống, nhận hỗ trợ... Ngoài ra, một số biện pháp phòng ngừa có thể hữu ích để ngăn sự phát triển của bệnh, bao gồm: nên tập những thói quen lành mạnh và nên tránh hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc lá, lạm dụng chất kích thích trong thai kỳ.
Hầu hết trẻ em khi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này sớm thì không còn có các triệu chứng đáng kể khi chúng ở độ tuổi ngoài 20, tuy nhiên vẫn tồn tại và gây ảnh hưởng tới bạn. Do đó, bạn có thể cần phải có những biện pháp điều trị như thuốc, trị liệu hay kết hợp để giúp kiểm soát tốt bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com