10 sàng lọc phụ nữ trên 65 tuổi nên làm

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bước vào tuổi 65, phụ nữ thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Để sàng lọc ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm, cũng như phát hiện sớm để điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe, phụ nữ độ tuổi 65 nên thực hiện các xét nghiệm dưới đây.

1. Đo mật độ xương để tầm soát bệnh loãng xương.

Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Người bệnh được khuyến cáo đo mật độ xương mỗi hai năm bắt đầu từ năm 65 tuổi, trừ phi có những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khác xuất hiện. Lúc này, tùy vào tình trạng bệnh và các vấn đề liên quan, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định làm đo mật độ xương với tần suất mới.

2. Tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung đang đứng thứ 3 trong nhóm bệnh ung thư gây tử vong cao nhất ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư buồng trứng. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy mẫu tế bào cổ tử cung để kiểm tra các biến đổi có thể dẫn đến ung thư (Pap test); xét nghiệm này có thể được chỉ định kèm xét nghiệm HPV cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên (xét nghiệm kết hợp). Riêng đối với phụ nữ 65 tuổi, nên làm Pap test và HPV cùng lúc mỗi 05 năm, hoặc có thể lựa chọn làm mỗi Pap test 03 năm một lần. Phụ nữ trên 65 tuổi có thể ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung nếu không có tiền sử loạn sản cổ tử cung mức độ trung bình hoặc nặng hoặc ung thư cổ tử cung, và nếu bạn có ba kết quả xét nghiệm Pap âm tính liên tiếp hoặc hai kết quả xét nghiệm kết hợp âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua, với thử nghiệm gần đây nhất được thực hiện trong vòng 5 năm vừa rồi.

3. Khám vú lâm sàng

Ung thư vú là bệnh lý ác tính có tốc độ phát triển và di căn nhanh, tuy nhiên, ung thư dễ phát hiện và có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Phụ nữ tuổi 65 và hơn được khuyến cáo thăm khám bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ khoa hàng năm để được kiểm tra, phát hiện sớm các u ác tính ở vú sẽ giúp cải thiện tiên lượng cho loại ung thư này.


Sàng lọc ung thư vú hằng năm để phát hiện bệnh sớm nếu có
Sàng lọc ung thư vú hằng năm để phát hiện bệnh sớm nếu có

4. Chụp X quang tuyến vú

Chụp X quang tuyến vú (Mammography) là thủ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tuyến vú. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy. Với ung thư vú, điều này rất có ý nghĩa vì càng phát hiện sớm, cơ hội điều trị bệnh thành công càng cao. Chụp X-quang vú đã được chứng minh có hiệu quả trong phát hiện sớm ung thư vú, đặc biệt là loại carcinôm ống tuyến vú tại chỗ, nghĩa là chưa xâm lấn. Với giai đoạn này khả năng trị khỏi hoàn toàn là rất cao và trong đa số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh. Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên nên chụp X quang tuyến vú hàng năm. Từ tuổi 75 trở lên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc có tiếp tục chụp X- quang tuyến vú không và tần suất sẽ như thế nào.

5. Tầm soát ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,8 triệu trường hợp mắc mới và hơn 800 nghìn trường hợp tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 8.000 người mắc mới ung thư đại trực tràng được phát hiện.

Hiện nay, nhờ những phát kiến mới trong công nghệ chăm sóc sức khỏe, có nhiều phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng rất hiệu quả đang được áp dụng, bao gồm:

Nội soi đại tràng được ưu tiên tiến hành mỗi 10 năm

Những biện pháp khác bao gồm các xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm Hồng cầu trong phân (FOBT) hàng năm hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch phân với độ nhạy với ung thư cao.
  • Nội soi đại tràng sigma bằng ống soi mềm mỗi 05 năm
  • Chụp X quang với thuốc cản quang (kỹ thuật chụp đối quang kép - double contrast barium enema) mỗi 05 năm
  • Chụp cắt lớp vi tính mỗi 05 năm
  • Xét nghiệm DNA trong phân (không xác định thời gian).

6. Xét nghiệm tiểu đường


Xét nghiệm tiểu đường nên được thực hiện thường quy
Xét nghiệm tiểu đường nên được thực hiện thường quy

Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại Việt Nam. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Trong đó, hầu hết các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh tiểu đường type 2.

Phụ nữ độ tuổi 65 được khuyến cáo làm xét nghiệm máu đo lượng đường hiện hữu trong máu, vốn chính là nguồn năng lượng hoạt động chính của cơ thể, bởi mức đường cao có thể là dấu hiệu của tiểu đường. Xét nghiệm này nên được thực hiện mỗi 03 năm.

7. Xét nghiệm viêm gan C

Viêm gan C là một bệnh nhiễm trùng do vi rút viêm gan C gây ra, bệnh này dễ lây lan và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lâu dài. Vi rút viêm gan C lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm bệnh, khi dùng chung kim tiêm hoặc dùng chung đồ gia dụng tiếp xúc với máu. Em bé có thể bị nhiễm bệnh trong khi sinh nếu người mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan C. Nó cũng có thể lây lan khi quan hệ tình dục không an toàn, nhưng khó lây hơn. Giao tiếp thông thường không phải con đường lây nhiễm viêm gan C.

Những người có nguy cơ cao nên được xét nghiệm tìm vi rút viêm gan C, bao gồm:

  • Tất cả người trưởng thành được sinh trong những năm từ 1945 đến 1965
  • Người đang hoặc từng sử dụng ma túy trái phép dạng tiêm
  • Những người được truyền các yếu tố đông máu trước năm 1987
  • Bệnh nhân đang và đã được chạy thận
  • Bệnh nhân HIV
  • Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm men gan bất thường
  • Người được truyền máu hoặc ghép tạng trước năm 1992
  • Bệnh nhân được truyền máu của người sau đó đã bị phát hiện dương tính với vi rút viêm gan C
  • Nhân viên y tế có thể đã phơi nhiễm với máu dương tính với viêm gan C (ví dụ, người bị kim tiêm đã sử dụng cho người bị viêm gan C đâm phải)
  • Con của các bà mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan C.

8. Bộ xét nghiệm mỡ máu

Mỡ máu cao là căn bệnh phổ biến do chế độ ăn uống thiếu khoa học và lối sống không lành mạnh. Hầu hết những người bị tăng lượng cholesterol trong máu đều không có dấu hiệu gì rõ rệt, chúng sẽ phát triển thầm lặng trong cơ thể. Do vậy việc duy nhất để biết được mỡ máu bao nhiêu là cao đó là đi xét nghiệm máu. Phụ nữ tuổi 65 nên thực hiện xét nghiệm mỡ máu mỗi 05 năm phòng trường hợp có bất thường của các chỉ số mỡ máu này thì nên xử lý sớm để tránh những hậu quả nặng hơn. Bộ xét nghiệm mỡ máu bao gồm:

  • Cholesterol Toàn phần
  • HDL Cholesterol (tốt)
  • LDL Cholesterol (xấu)
  • Triglyceride.

9. Hóc môn tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, và lớn nhất trong cơ thể, với các vai trò như:

  • Tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sinh trưởng phát dục.
  • Kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp.
  • Tác động đến hoạt động của các tuyến sinh dục và tuyến sữa.
  • Tăng cường quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết.
  • Kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh.

Để kiểm tra chức năng tuyến giáp và phát hiện sớm các bệnh lí liên quan, phụ nữ độ tuổi 65 nên thực hiện bộ xét nghiệm này mỗi 05 năm, bao gồm:

  • Hormon kích thích tuyến giáp (TSH)
  • Dạng tự do FT4 (Free Thyroxine)
  • Dạng tự do FT3 (Free Triiodothyroxine)

Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, một số xét nghiệm liên quan khác cũng được chỉ định nhằm hỗ trợ cho chẩn đoán bệnh lí tuyến giáp.

10. Tổng phân tích nước tiểu


Phân tích nước tiểu định kỳ giúp kiểm tra sức khỏe
Phân tích nước tiểu định kỳ giúp kiểm tra sức khỏe

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường bao gồm các chỉ số sau:

  • Độ pH của nước tiểu
  • Bạch cầu
  • Nitrit
  • Protein
  • Glucose
  • Cetonic (KET_Ketones)
  • Urobilinogen
  • Bilirubin
  • Hồng cầu
  • Acid ascorbic

Dựa trên các chỉ số này, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán về tình trạng cơ thể và yêu cầu xét nghiệm chuyên sâu nếu cần. Phụ nữ độ tuổi 65 được khuyến cáo làm tổng phân tích nước tiểu định kì theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe