Glucosamine được sử dụng để giảm các triệu chứng thoái hóa khớp, hỗ trợ điều trị viêm khớp gối mạn. Tuy nhiên, việc sử dụng Glucosamin bừa bãi có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn. Cùng tìm hiểu những tác dụng phụ của Glucosamine để chủ động phòng ngừa và cân nhắc việc sử dụng Glucosamine thường xuyên.
1. Glucosamine là chất gì?
Glucosamine được tìm thấy trong cơ thể con người và là sự kết hợp của một số chất đường như Glucose, Glutamine và các Protein đặc hiệu khác. Glucosamine trong cơ thể tập trung chủ yếu là ở sụn khớp vì chúng đóng vai trò quan trọng vào quá trình hình thành sợi collagen. Trong khi đó, chính collagen lại góp phần hình thành và tạo sự chắc khỏe cho các bộ phận thuộc hệ cơ xương khớp như sụn, khớp, gân, dây chằng, bao hoạt dịch...
Trong tự nhiên, Glucosamine có thể được tìm thấy trong một số loài động vật vỏ cứng như ốc, cua, tôm... Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, lượng Glucosamine này rất dễ bị mất đi trong quá trình nấu nướng.
Chính nhờ những tác dụng có lợi cho hệ khớp, sụn, Glucosamine ngày nay được chế biến thành nhiều loại dược phẩm ở các dạng đóng gói khác nhau như viên, bột, nước,... để thuận lợi cho người sử dụng. Những chế phẩm này nhằm giúp hỗ trợ các triệu chứng ở sụn khớp do quá trình thoái hóa, mất chức năng, đặc biệt là ở người cao tuổi.
2. Tác dụng của Glucosamine
Glucosamine bổ sung được chia thành 3 loại là Glucosamine sulfate, Glucosamine hydrochloride (HCL) và N-acetylglucosamine (GlcNAc). Glucosamine thường được sử dụng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp, cụ thể là:
- Giảm các triệu chứng của thoái hoá khớp: Vì Glucosamine có khả năng làm tăng tính bôi trơn của dịch khớp bằng cách tăng sản xuất chất nhầy dịch khớp nên sẽ giúp các khớp hạn chế sự ma sát với nhau gây đau, từ đó có thể tăng khả năng vận động, đi lại dễ dàng và linh hoạt hơn.
- Giảm đau khớp, chống viêm: Bệnh nhân khi được bổ sung đủ lượng Glucosamine cũng sẽ giảm được tình trạng viêm khớp, đau khớp và dễ dàng, thoải mái trong việc vận động cường độ cao hoặc tham gia thể thao.
- Làm chậm quá trình phá hủy sụn khớp, thoái hóa khớp cũng như giúp giảm các gốc tự do gây phá hủy tế bào sinh sụn.
Theo các khuyến cáo trong nước, Glucosamine được chỉ định trong các trường hợp cần điều trị giảm triệu chứng của viêm thoái hóa khớp gối thể nhẹ và vừa, không khuyến cáo sử dụng Glucosamine cho điều trị triệu chứng tại các vị trí khác ngoài khớp gối.
3. Liều lượng, cách dùng và thời gian sử dụng Glucosamine
Liều dùng:
- Người từ 18 tuổi trở lên: Uống 1200 – 1500 mg/ngày, chia làm 3 lần. Có thể sử dụng Glucosamine đơn độc hoặc phối hợp với Chondroitin hàm lượng 1200 mg/ngày.
- Người dưới 18 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng các chế phẩm bổ sung Glucosamine.
Cách dùng:
- Bệnh nhân nên uống Glucosamine trong hoặc sau ăn để đạt được độ hấp thu tối đa. Bên cạnh đó, người dùng cần chú ý uống nhiều nước cùng với Glucosamine giúp tăng hiệu quả trong quá trình điều trị.
Thời gian sử dụng:
Tác dụng của Glucosamine mang tính chất tích lũy dần dần, thông thường người dùng sẽ nhận thấy hiệu quả sau thời gian dùng liên tục trong 2 – 3 tháng, hoặc 4 – 6 tháng ở một số người. Việc dùng Glucosamine đều đặn mỗi ngày sẽ đem lại tác dụng cải thiện các triệu chứng của tình trạng viêm thoái hóa khớp gối một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, theo các khuyến cáo từ nhiều tổ chức y tế, người bệnh không nên sử dụng Glucosamine quá thời gian 6 tháng liên tục vì có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng Glucosamine
Việc sử dụng các chế phẩm Glucosamine liều cao hoặc liên tục trong thời gian dài có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như:
- Phản ứng quá mẫn: Ban da đỏ, nóng, ngứa da, phù mạch, sốc phản vệ.
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón....
- Rối loạn hệ tim mạch: Rối loạn nhịp tim, phù ngoại vi...
- Rối loạn chuyển hóa cơ thể: Tăng lipid máu, tăng Cholesterol máu, tăng men gan, tăng đường máu, tổn thương nặng chức năng gan, thận, dẫn đến suy gan, suy thận
- Rối loạn thần kinh: Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, ngủ gà...
- Các rối loạn khác như: Rụng tóc, xuất huyết trên da, viêm thận kẽ, rối loạn tầm nhìn.
5. Tương tác với Glucosamine
Glucosamine có thể xảy ra tương tác khi sử dụng cùng các thuốc sau:
- Heparin: tăng nguy cơ chảy máu khi dùng chung với Glucosamine.
- Tetracycline: Glucosamine khi uống cùng Tetracycline có thể làm tăng hấp thu thuốc ở đường tiêu hóa.
- Insulin: Glucosamine làm giảm hiệu quả điều trị của Insulin.
- Thuốc giảm đau chống viêm Steroid hoặc không Steroid: có thể sử dụng phối hợp cùng Glucosamine để tăng hiệu quả điều trị viêm thoái hóa khớp gối.
6. Một số lưu ý khi sử dụng Glucosamine
Thận trọng khi sử dụng Glucosamine lâu dài trên những đối tượng sau:
- Cao huyết áp: Người bệnh cần theo dõi huyết áp chặt chẽ khi sử dụng Glucosamine vì hiện nay có khá nhiều bằng chứng khẳng định về khả năng làm tăng huyết áp Glucosamine.
- Đái tháo đường: Glucosamine đã từng được ghi nhận là làm tăng nồng độ Glucose máu ở những bệnh nhân đái tháo đường. Mặc dù Glucosamine được đánh giá là khá an toàn đối với người sử dụng, những bệnh nhân bị tiểu đường nên theo dõi nồng độ Glucose máu một cách chặt chẽ trong quá trình sử dụng.
- Tăng nhãn áp: Một số báo cáo chỉ ra Glucosamine có khả năng làm tăng áp lực trong mắt dẫn đến tăng nhãn áp.
- Hen suyễn: Một số bệnh nhân hen suyễn thông báo rằng triệu chứng hen của họ trở nên nặng hơn khi Glucosamine và thường cải thiện sau khi ngừng thuốc. Hiện tại, các báo cáo về mức độ an toàn của Glucosamine ở người bị hen suyễn chưa được thống nhất, vì vậy những bệnh nhân mắc bệnh lý này nên theo dõi kỹ sức khỏe trong quá trình sử dụng Glucosamine.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Hiện nay, mức độ an toàn về việc sử dụng Glucosamine trên phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vẫn chưa có báo cáo chính thức. Vì vậy, để đảm bảo cho quá trình mang thai và trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai hoặc người đang cho con bú không nên sử dụng Glucosamine trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Từ các thông tin trên có thể thấy rằng việc sử dụng Glucosamine trong dự phòng và hỗ trợ điều trị tình trạng thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối đã được chứng minh là hiệu quả, an toàn và có giá trị sử dụng cao. Tuy nhiên, như bất kỳ loại thuốc nào, Glucosamine cũng có những tác dụng phụ không mong muốn và việc sử dụng với liều lượng cao hoặc trong thời gian dài hơn mức độ khuyến cáo có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi quyết định sử dụng Glucosamine để quá trình điều trị được an toàn và hiệu quả nhất.