Công dụng thuốc Lotusone

Thuốc Lotusone cream 15g được bác sĩ chỉ định điều trị bệnh da liễu như chàm, viêm da tiếp xúc, vảy nến. Tùy đặc điểm da của người bệnh mà có thể dùng thuốc hay không. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng thuốc Lotusone.

1. Công dụng thuốc Lotusone?

Lotusone có thành phần chính là Betamethasone dipropionate được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da, tuýp 15 gam. Thuốc này do công ty Cổ phần Dược phẩm TW Medipharco-Tenamyd sản xuất.

Betamethasone Dipropionate là một corticosteroid tổng hợp flo hóa. Thuốc tác động tại chỗ, tạo ra phản ứng nhanh chóng và bền vững trong điều trị bệnh chàm và viêm da thuộc tất cả các loại, bao gồm chàm dị ứng, viêm da ánh sáng, liken phẳng, lichen simplex, ngứa nốt sần, lupus ban đỏ, bệnh hoại tử lipoidica, myxedema tiền vi khuẩn và bệnh hồng ban. Thuốc cũng có hiệu quả trong các tình trạng ít phản ứng hơn như bệnh vẩy nến da đầu và bệnh vẩy nến thể mảng mãn tính ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, nhưng không có tác dụng nhiều với bệnh vẩy nến thể mảng lan rộng. Ngoài ra, Lotusone có thể được sử dụng với một số mục đích không được đề cập trong bài viết. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết tác dụng đầy đủ của thuốc.

Mức độ hấp thu qua da của Lotusone tại chỗ được xác định bởi nhiều yếu tố bao gồm tính nguyên vẹn của hàng rào biểu bì và việc sử dụng băng gạc. Corticosteroid tại chỗ có thể được hấp thụ qua da bình thường, nguyên vẹn. Quá trình viêm và các bệnh khác trên da có thể làm tăng khả năng hấp thụ qua da. Băng kín làm tăng đáng kể sự hấp thu qua da của Lotusone dùng tại chỗ.

Sau khi được hấp thụ qua da, Lotusone tại chỗ có tác động tương tự như corticosteroid dùng đường toàn thân, phân bố rất nhanh chóng vào tất cả các mô trong cơ thể. Thuốc qua nhau thai và có thể bài xuất một lượng nhỏ vào sữa mẹ. Corticoid liên kết với protein huyết tương ở các mức độ khác nhau, chủ yếu là liên kết với globulin còn với albumin thì ít hơn. Thuốc chủ yếu chuyển hóa ở gan và bài tiết ở thận qua đường nước tiểu. Một số loại thuốc corticosteroid dùng tại chỗ và các chất chuyển hóa của chúng cũng được bài tiết qua mật.

2. Chống chỉ định của thuốc Lotusone

  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của Lotusone
  • Bệnh nhân bị mụn trứng cá, viêm da quanh miệng, ngứa quanh hậu môn và bộ phận sinh dục
  • Tổn thương do lao và virut trên da, đặc biệt là herpes simplex, vaccinia, varicella. Nhiễm trùng da do nấm hoặc vi khuẩn mà không có liệu pháp chống nhiễm trùng nào thích hợp.
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi bị viêm da
  • Không điều trị trong nhãn khoa

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Lotusone

3.1. Cách sử dụng

Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi bôi Lotusone để có chế độ dùng thuốc đạt hiệu quả tốt nhất. Chỉ sử dụng thuốc Lotusone cream 15g bôi ngoài da khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc chỉ sử dụng ngoài da, không bôi lên vết thương hở:

  • Trước khi bôi thuốc cần vệ sinh sạch sẽ bề mặt da bị tổn thương.
  • Bóp một lượng thuốc vừa đủ chừng hạt đỗ lên ngón tay sau đó thoa nhẹ nhàng lên vùng da bị bệnh thành một lớp mỏng để thuốc có thể thấm đều.

Bạn nên giảm liều từ từ khi ngừng thuốc. Thuốc đã mở niêm phong chỉ nên sử dụng trong vòng 30 ngày.

3.2. Liều dùng

Dùng thuốc theo liều chỉ định của bác sĩ hoặc dùng theo liều khuyến cáo bôi ngoài da ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Chuyên gia khuyến cáo, một đợt điều trị kéo dài không quá 8 ngày

3.3. Quá liều

Khi bôi quá nhiều kem Lotusone tại một vị trí hay sử dụng liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn đến tăng hấp thu thuốc vào trong cơ thể gây ảnh hưởng hoạt động bình thường của tuyến yên và tuyến thượng thận dẫn đến hội chứng Cushing, thiểu năng tuyến thượng thận.

Người bệnh cần tuân thủ liều dùng được bác sĩ chỉ định. Nếu vô tình dùng quá liều và xuất hiện các triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Lotusone

Các chế phẩm dùng ngoài da Lotusone thường được dung nạp tốt và rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ. Sự hấp thụ toàn thân của betamethason dipropionat có thể tăng lên nếu điều trị các vùng bề mặt cơ thể rộng rãi hoặc các nếp gấp trên da trong thời gian dài hoặc sử dụng quá nhiều steroid. Nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp trong những trường hợp này, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ em.

Các phản ứng có hại tại chỗ sau đây đã được báo cáo khi sử dụng Lotusone bao gồm: ngứa, bỏng rát, khô da, kích ứng, tăng sắc tố da, viêm nang lông, giảm sắc tố da, nổi mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da quanh miệng, ngứa da, nhiễm trùng thứ phát và mụn thịt.

Việc thoa thuốc liên tục mà không bị gián đoạn có thể dẫn đến triệu chứng teo da cục bộ, giãn mạch bề mặt, đặc biệt là vùng mặt.

5. Tương tác thuốc của thuốc Lotusone

Thuốc Lotusone có thể xảy ra hiện tượng tương tác khi sử dụng với một số thuốc hay thực phẩm. Cụ thể:

  • Dùng chung với Paracetamol liều cao trong nhiều ngày tăng nguy cơ ngộ độc gan.
  • Thuốc Lotusone kết hợp với thuốc điều trị tiểu đường và insulin: dẫn đến tăng nồng độ Glucose trong máu.
  • Dùng chung với Glycosid digitalis làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và hạ kali huyết do tăng độc tính của digitalis.
  • Thuốc Lotusone kết hợp với thuốc chống đông coumarin làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc chống đông
  • Dùng chung với Rifampicin, phenytoin, phenobarbital, ephedrine làm tăng chuyển hóa của Lotusone nên giảm tác dụng của thuốc.

Để tránh các tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến việc điều trị, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc hay thực phẩm chức năng mà họ đang sử dụng với để theo dõi và có thể xử trí nếu có tương tác xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe