Phẫu thuật cắt ruột là một phẫu thuật để loại bỏ một phần của ruột già bị tắc nghẽn hoặc bị bệnh. Sau khi phẫu thuật, không phải bệnh nhân nào cũng biết những gì mà họ có thể và không thể ăn. Một số loại thực phẩm nếu sử dụng sẽ gây kích ứng ruột của bệnh nhân hoặc làm cho các biến chứng sau phẫu thuật trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là hướng dẫn về những điều cần tránh và chế độ ăn uống của bệnh nhân sau phẫu thuật cắt ruột.
1. Tránh thức dai hoặc giòn
Bệnh nhân chỉ có thể uống chất lỏng ngay sau khi cắt ruột. Vài ngày sau, bệnh nhân có thể bắt đầu ăn dặm. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh sau phẫu thuật bắt đầu với thức ăn mềm như rau nấu chín, chuối, bơ, khoai tây nghiền và các loại protein mềm. Ruột của bệnh nhân sau phẫu thuật cắt ruột có thể bị sưng và những thức ăn dạng mềm sẽ đi qua phần ruột này dễ dàng hơn.
2. Hạn chế tiêu thụ chất xơ
Cắt ruột nên kiêng ăn gì? Trên thực tế, dạ dày của chúng ta không thể tiêu hóa hoàn toàn các loại thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt. Phần chất xơ này sẽ đi đến ruột già và được tiêu hóa ở đó. Ruột già của bệnh nhân cắt ruột vẫn đang trong quá trình được chữa lành, vì vậy đừng làm cho nó hoạt động quá sức. Xây dựng một chế độ ăn ít chất xơ trong 4 đến 6 tuần có thể hữu ích đối với bệnh nhân sau phẫu thuật cắt ruột.
3. Tạm dừng việc tiêu thụ các loại thức ăn thô
Trái cây và rau chưa nấu chín có nhiều chất xơ, chúng có thể giòn (như cà rốt) hoặc dai (như cần tây) rất khó nhai nhuyễn hoặc nghiền nát. Một số loại trái cây có vỏ (như táo) hoặc hạt khó tiêu hóa. Tất cả những loại thức ăn kể trên có thể gây kích ứng ruột già của bệnh nhân khi nó đang lành lại. Tránh những thực phẩm này trong vài tuần khi người bệnh đang trong tiến trình hồi phục, sau đó từ từ thêm các loại thức ăn thô này trở lại chế độ ăn uống của bệnh nhân cắt ruột.
4. Tránh chất béo và dầu mỡ
Bệnh nhân thường bị tiêu chảy sau khi cắt bỏ ruột. Bởi vì ruột già của người bệnh đột ngột ngắn lại, thức ăn đã tiêu hóa không có đủ thời gian để di chuyển (thời gian đủ dài để hình thành phân rắn) trước khi phân rời khỏi cơ thể. Một số điều có thể làm cho bệnh tiêu chảy trầm trọng hơn:
- Thịt mỡ;
- Bơ và kem;
- Đồ chiên;
- Đồ ăn nhẹ có vị béo ngậy.
Tiêu chảy thường sẽ hết sau vài tuần. Sau đó, bệnh nhân có thể thưởng thức lại những món ăn này theo thời gian.
5. Ăn nhạt sẽ tốt hơn
Thực phẩm cay có thể kích thích hệ tiêu hóa của bệnh nhân và gây ra tiêu chảy hoặc đầy hơi, khó chịu - đặc biệt là khi ruột của bệnh nhân đang lành lại. Bác sĩ có thể đề xuất một chế độ ăn nhạt trong vài tuần sau khi phẫu thuật. Điều này không chỉ bao gồm những gia vị có vị cay, các loại thảo mộc và gia vị có kết cấu thô như hương thảo xay nhỏ, hạt tiêu nghiền... cũng có thể gây ra vấn đề tiêu hóa cho bệnh nhân cắt ruột.
6. Cẩn thận với đậu và sữa
Trong đậu có một loại đường mà cơ thể không dễ tiêu hóa. Vì vậy, người cắt ruột có thể bị đầy hơi hoặc cảm thấy đầy hơi sau khi ăn các loại đậu. Bên cạnh đó, bệnh nhân sau phẫu thuật cắt ruột cũng có thể gặp rắc rối với lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác. Hơi sinh ra trong ruột là một phần bình thường của quá trình tiêu hóa, nhưng trong giai đoạn bệnh nhân đang chữa bệnh sau phẫu thuật cắt ruột, các loại khí sinh ra có thể gây khó chịu hoặc thậm chí đau đớn cho người bệnh.
7. Tránh xa cà phê và Soda
Caffeine được tìm thấy trong cả hai loại đồ uống này là một chất kích thích làm tăng tốc độ hoạt động trong cơ thể bao gồm cả ruột. Đồ uống có đường hoặc chứa các chất làm ngọt nhân tạo có thể gây tiêu chảy cho bệnh nhân cắt ruột. Các bọt trong soda có thể gây đầy hơi và chướng bụng. Mặc dù điều quan trọng là phải uống đủ nước sau khi phẫu thuật cắt ruột tuy nhiên cần lựa chọn loại nước uống vào một cách thông minh.
8. Bỏ rượu
Rượu có thể kích thích ruột của bệnh nhân và khiến họ đi tiêu thường xuyên hơn. Tránh rượu cho đến khi tiêu hóa của người bệnh trở lại bình thường. Thêm vào đó, hầu hết các bác sĩ khuyên bệnh nhân không uống rượu sau bất kỳ loại phẫu thuật nào. Rượu có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc giảm đau và làm chậm quá trình chữa bệnh.
9. Chia tay các bữa ăn lớn
Khi bắt đầu ăn lại thức ăn đặc, bệnh nhân có thể cảm thấy no nhanh hơn trước. Vì vậy người bệnh nên cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn. Khi đó người bệnh sẽ tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn và chúng sẽ ít gây đầy hơi hoặc chướng bụng. Ăn chậm và nhai kĩ từng miếng đến khi kết cấu thức ăn đạt giống như khoai tây nghiền rồi mới nuốt.
10. Từ từ trở lại chế độ ăn uống bình thường
Khi quá trình tiêu hóa của bệnh nhân cắt ruột trở nên tốt hơn, bệnh nhân có thể bắt đầu quay lại chế độ ăn uống bình thường. Thêm một loại thực phẩm mới mỗi ngày, mỗi lần chỉ nên thêm 1 loại thức ăn mới vào khẩu phần để tìm hiểu cách cơ thể phản ứng với từng loại. Điều này cũng sẽ giúp ruột của bệnh nhân từ từ điều chỉnh để tiêu hóa các loại thực phẩm giàu chất xơ hơn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Lưu ý bệnh nhân cắt ruột nên uống nhiều nước để không bị táo bón.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com