Có nhiều biện pháp giúp cơ thể tỉnh táo, trong đó sử dụng thuốc là một lựa chọn khá hữu hiệu. Thuốc Alertness Aid là một trong những thuốc giúp người dùng trở nên tỉnh táo hơn, chống buồn ngủ rất hiệu quả. Vậy thuốc chống buồn ngủ Alertness Aid là gì?
1.Thuốc Alertness Aid có tác dụng gì?
Thuốc Alertness Aid bản chất là caffeine được xem như một loại thuốc giúp tỉnh táo thường xuyên hay có thể hiểu là thuốc chống buồn ngủ hoặc mệt mỏi. Caffeine có trong thuốc Alertness Aid là chất kích thích mức độ nhẹ. Tuy nhiên, thuốc Alertness Aid không nên sử dụng ở những thời điểm cần duy trì giấc ngủ liên tục. Đồng thời, loại thuốc giúp tỉnh táo này chống chỉ định đối với trẻ dưới 12 tuổi.
2.Cách sử dụng thuốc Alertness Aid
Thuốc chống buồn ngủ Alertness Aid sử dụng đường uống theo hướng dẫn trên bao bì hoặc chỉ dẫn của bác sĩ. Người sử dụng cần cẩn thận làm theo những hướng dẫn sử dụng thuốc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc sử dụng thuốc Alertness Aid, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ. Vì đây là một thuốc giúp tỉnh táo nên chỉ sử dụng trong trường hợp thật sự cần thiết, không phải thuốc sử dụng thường xuyên hay uống hằng ngày. Mặc dù, có nguy cơ rất thấp nhưng sử dụng thuốc Alertness Aid có thể hình thành thói quen hay nghiện thuốc. Do đó, không tự ý tăng liều, dùng nhiều lần hoặc sử dụng thường xuyên trong thời gian dài.
Nếu người bệnh đang sử dụng kéo dài và đột ngột ngừng thuốc chống buồn ngủ này, người sử dụng có thể có các triệu chứng của hội chứng cai thuốc (như đau đầu, thay đổi tâm thần, tâm trạng bao gồm kích thích hoặc lo lắng quá mức). Để phòng ngừa hội chứng cai nghiện, bác sĩ có thể chỉ định giảm liều từ từ trước khi ngưng thuốc. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện hội chứng cai nghiện liên quan đến caffeine tăng lên nếu bệnh nhân sử dụng trong một thời gian dài hoặc với liều lượng cao.
Đồng thời, việc sử dụng thuốc Alertness Aid trong thời gian dài có thể làm mất hiệu quả của thuốc hay còn gọi là tình trạng quen thuốc.Thông báo với bác sĩ nếu hiệu quả của thuốc giúp tỉnh táo Alertness Aid không còn như lúc bắt đầu sử dụng.
3.Phản ứng phụ của thuốc Alertness Aid
Các tác dụng không mong muốn của thuốc Alertness Aid có thể xảy ra, bao gồm:
- Buồn nôn, nôn ói;
- Khó chịu ở dạ dày;
- Khó ngủ;
- Đi tiểu nhiều lần.
Nếu có bất kỳ tác dụng nào trong số các dấu hiệu trên kéo dài hoặc trầm trọng hơn, hãy thông báo cho bác sĩ và có hướng xử trí ngay lập tức. Nếu bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc Alertness Aid, đồng nghĩa với việc họ đã đánh giá được những lợi ích mang lại nhiều hơn nguy cơ của các tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ hiếm khi xảy ra của thuốc Alertness Aid nhưng ở mức độ nghiêm trọng gồm:
- Chóng mặt;
- Thay đổi tâm thần, tâm trạng như căng thẳng, kích động quá mức;
- Run tay chân;
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Hiếm khi sử dụng thuốc Alertness Aid có thể gây ra phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngay lập tức tìm đến sự trợ giúp y tế nếu phát ban, ngứa, sưng (đặc biệt là mặt, môi, lưỡi, họng), chóng mặt dữ dội hoặc khó thở sau khi sử dụng thuốc Alertness Aid.
4.Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của Thuốc Alertness Aid
Trước khi dùng thuốc Alertness Aid, người dùng hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu có tiền sử bị dị ứng với hoạt chất caffeine hoặc tiền sử dị ứng với các loại thuốc thuộc nhóm xanthin khác (ví dụ: thuốc theophylline). Bên cạnh đó, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tiền sử bệnh tật của bản thân, đặc biệt là bệnh tim (ví dụ: nhịp tim không đều, cơn đau tim gần đây), tình trạng huyết áp cao, loét dạ dày, loét ruột, rối loạn tâm thần, thay đổi tâm trạng (ví dụ: lo lắng, căng thẳng).
Trước khi phẫu thuật hoặc trước khi thực hiện một số thủ thuật y tế (ví dụ: bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục nhịp tim trở lại bình thường nếu trước đó bệnh nhân có nhịp tim nhanh bất thường), hãy nói với bác sĩ về tất cả tình trạng sức khỏe của bản thân, bao gồm việc sử dụng các thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các sản phẩm thuốc từ thảo dược.
Người lớn tuổi là đối tượng rất nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc Alertness Aid, đặc biệt là tình trạng khó ngủ khi sử dụng thuốc. Vì thế khi được chỉ định sử dụng thuốc, đối tượng này cần hết sức thận trọng. Trong thời kỳ mang thai, thuốc Alertness Aid chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết hoặc khi lợi ích vượt trội hơn so với các rủi ro mà thuốc có thể mang lại. Thuốc Alertness Aid có thể đi vào sữa mẹ, hết sức thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú.
5.Tương tác của thuốc Alertness Aid
Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc Alertness Aid hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng trong quá trình sử dụng thuốc. Báo cáo danh sách tất cả các sản phẩm mà người bệnh đang sử dụng (bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thuốc thảo dược) cho bác sĩ điều trị. Không được tự ý bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc dùng đồng thời với thuốc Alertness Aid mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.
Tránh uống một lượng lớn đồ uống có chứa caffeine (cà phê, trà, một số loại nước sô-đa) hoặc ăn một lượng lớn sô cô la trong khi dùng thuốc này. Thuốc Alertness Aid có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm đo nồng độ VMA/catecholamine trong nước tiểu, xạ hình dipyridamole-thallium), từ đó dẫn đến kết quả xét nghiệm sai lệch. Để tránh tình trạng này xảy ra, bệnh nhân nên chủ động báo cho nhân viên phòng xét nghiệm và các bác sĩ biết khi bệnh nhân có sử dụng thuốc này.
Thuốc Alertness Aid có tác dụng giúp người bệnh tỉnh táo, chống buồn ngủ. Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com