Tác dụng của rau ngò om

Cây rau ngò om là 1 loại thực phẩm thường được nấu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Đồng thời, rau ngò om là một dược liệu được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian Việt Nam. Vậy công dụng rau ngò om là gì?

1. Giới thiệu về cây rau ngò om

Cây rau ngò om có tên khoa học là Limnophila aromatica (Lamk.) Merr, thuộc họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Các tên gọi khác: Rau ngổ, ngổ hương, ngổ thơm ngổ ăn, ngổ ba lá, ngổ điếc, thạch long vĩ.

Rau ngò om là cây thân thảo, chiều dài trung bình từ 20 – 30cm. Thân giòn, bên trong rỗng, có mùi thơm, dọc theo thân cây có nhiều lông mịn bao phủ. Lá ngò om có màu xanh, kích thước nhỏ, nhẵn, mép lá hình răng cửa nhỏ, mọc đối xứng, sát và hơi ôm lấy thân cây. Lá không có cuống. Hoa ngò om hình loa kèn, có 5 cánh màu tím nhạt trên đầu, trắng phía dưới. Hoa mọc đơn ở nách lá, nhụy có màu vàng. Quả ngò om có dạng nang nhẫn, ngắn, dọc quả có nếp nhăn và bướu, bên trong chữa hạt đen nhạt, nhẵn, hình trụ.

Rau ngò om ở Việt Nam có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Hiện nay, rau ngò om được tìm thấy dễ dàng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Loại rau này ưa sống ở môi trường nóng và nhiều nước, mọc nổi trên mặt nước. Ngày nay, rau ngò om được trồng trên cạn để làm gia vị. Tuy nhiên, cần tưới nước thường xuyên và đầy đủ để cây phát triển khỏe mạnh.

2. Thành phần của rau ngò om

Trong rau ngò om có chứa các thành phần sau: Tinh dầu (0,13%), Cumarin, Protid, Flavonoid, Vitamin B, vitamin C, đường khử, Carotene, Cellulose, acid hữu cơ, Glucid, Monoterpenoid cetone, Limonene, Aldehyd perilla, Nevadensin, nước.

3. Tác dụng của rau ngò om

3.1. Theo y học hiện đại

Các nghiên cứu đã ghi nhận những công dụng rau ngò om bao gồm:

  • Kháng khuẩn, tiêu viêm: Các hoạt chất nhóm coumarin và flavonoid trong rau ngò om có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm nên được sử dụng để chữa viêm khớp, viêm gan, nhiễm trùng ngoài da.
  • Ức chế sự phát triển tế bào ung thư: Hoạt chất nevadensin chiết xuất từ ngò om cho thấy có công dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, tuyến tiền liệt.
  • Lợi tiểu: Rau ngò om có khả năng làm giãn nở mạch máu, tăng cường khả năng lọc cầu thận. Lượng nước tiểu tăng sẽ tạo điều kiện để đẩy sỏi ra ngoài khi đi tiểu.
  • Giải độc: Tác dụng giải độc của ngò om giúp da bớt nổi mụn, cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

3.2. Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, rau ngò om có vị cay, tính mát, có công năng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng và chỉ dưỡng. Dược liệu ngò om thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh cho các trường hợp sau:

  • Sỏi thận;
  • Sỏi túi mật;
  • Đầy hơi;
  • Bí tiểu;
  • Tiểu ra máu;
  • Đái dầm, tiểu không tự chủ;
  • Huyết trắng;
  • Sỏi;
  • Ho, cảm, chảy nước mũi;
  • Bị rắn độc cắn.

4. Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau ngò om

Rau ngò om thường được hái để ăn sống, ăn với phở hoặc nấu canh chua. Trong y học cổ truyền, rau ngò om thược được dùng ở cả dạng tươi hoặc phơi khô, dùng đơn độc hoặc kết hợp với các dược liệu khác trong các bài thuốc chữa bệnh, ví dụ như:

  • Rau ngò om kết hợp với râu bắp và mã đề: Chữa sỏi thận.
  • Sinh tố ngò om: Chữa sỏi thận.
  • Rau ngò om kết hợp với dừa: Chữa sỏi thận.
  • Rau ngò om kết hợp với mật ong: Chữa sỏi thận.
  • Ngò om kết hợp với mùi tàu, cỏ mần trâu, cỏ sữa lá nhỏ: Chữa đái dầm, tiểu không tự chủ.
  • Ngò om kết hợp với cây mộc tặc, rễ cỏ tranh: Chữa đại tiện ra máu.
  • Ngò om kết hợp với dây vác tía: Chữa ban đỏ trên da.
  • Ngò om kết hợp với bạc hà phơi khô, sao vàng: Công dụng hạ mỡ máu, mỡ gan, giải độc cơ thể.

5. Một số lưu ý khi sử dụng rau ngò om

  • Rau ngò om thường mọc ở những nơi ẩm ướt như ao hồ, bờ ruộng, đầm lầy. Dọc thân cây có nhiều lông tơ nên dễ dính nhiều đật, trứng giun sán, ký sinh trùng. Do đó, cần ngâm rửa qua nhiều lần trước khi sử dụng. Để an toàn, nên ngâm rau ngò om với nước muối pha loãng, thuốc tím hoặc nhúng nước ấm 45 độ C trước khi sử dụng.
  • Trong thành phần cây rau ngò om có các chất làm giãn cơ phủ tạng. Nếu phụ nữ mang thai ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị sảy thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên tránh dùng loại rau này.
  • Không tự ý áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ rau ngò om cho trẻ em, đặc biệt là dưới 12 tháng tuổi.
  • Một số người có thể bị dị ứng với ngò om và gây ra những tác dụng không mong muốn như mẩn ngứa, mề đay ngoài da, da sưng đỏ, kích ứng, sưng môi, lưỡi, họng, khó thở, ...
  • Cần phân biệt rau ngò om với rau ngổ trâu. Rau ngổ trâu là loại cây mọc hoang dại, thân và lá màu xanh đậm và lớn hơn rau ngò om; thường được dùng làm thức ăn cho lợn.
  • Tương tác thuốc giữa rau ngò om và các thuốc khác chưa được báo cáo. Tuy nhiên, vẫn nên thận trọng khi sử dụng ngò om với bất kỳ loại thảo dược, thuốc, vitamin hay thực phẩm chức năng nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe