Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ, một hình thức rối loạn tuần hoàn não cấp tính có thể gây đột tử hoặc để lại di chứng liệt nửa người, thất ngôn, rối loạn tâm thần... Trong Y Học Cổ Truyền, châm cứu hoặc bấm huyệt chữa di chứng tai biến mạch máu não được hiểu là các phương pháp tác động lên các huyệt nhằm phục hồi chi trên bị ảnh hưởng.
1. Các thể tai biến theo Y Học Cổ Truyền
Tai biến mạch máu não (TBMMN) chia thành 2 thể, đó là trúng phong kinh lạc và trúng phong tạng phủ.
1.1. Trúng phong kinh lạc (bên ngoài)
Liệt nửa người không có hôn mê, trường hợp nhẹ chỉ liệt mặt, thoáng mất ý thức, hoa mắt, chóng mặt. Nếu nặng hơn thì liệt nửa người, mắt nhắm không kín, khó nuốt, hạn chế vận động. Ở thể này, mạch bệnh nhân huyền tế sác thuộc âm hư hỏa vượng. Thường do tình trạng co thắt mạch não, nhồi máu não và xuất huyết não mức độ nhẹ gây ra.
1.2. Trúng phong tạng phủ (bên trong)
Trúng phong tạng phủ có thể chia thành chứng bế hoặc chứng thoát. Chứng bế thuộc thể liệt cứng do dương khí thịnh, bệnh ở tại tạng tâm và can, tự nhiên liệt nửa người, hai tay nắm chặt, co quắp người, răng nghiến chặt, người nóng, chất lưỡi vàng, rêu lưỡi vàng dày, thở khò khè, không ra mồ hôi, mạch hoạt sác hữu lực.
Chứng thoát thuộc thể liệt mềm, bệnh nhân chân tay mềm duỗi, ra nhiều mồ hôi, mồm há, lưỡi nhạt, tiểu không kiểm soát, ra mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, mạch tế sác, trầm tế muốn mất. Trường hợp này không thể áp dụng bấm huyệt chữa tai biến mạch máu não mà cần can thiệp bằng cấp cứu Y Học Hiện Đại.
2. Cơ sở lý thuyết bấm huyệt chữa di chứng tai biến mạch máu não
Theo Y Học Cổ Truyền, bấm huyệt giúp duy trì, kiểm soát chức năng của các cơ quan nội tạng và sự cân bằng của âm - dương bằng cách kích thích kinh lạc - các con đường trong cơ thể mà năng lượng quan trọng chảy qua đó. Khi bấm huyệt điều trị các rối loạn như tai biến mạch máu não, mục tiêu chính là duy trì mức khí phù hợp đối với tình trạng cơ thể, đồng thời hướng tới điều chỉnh cân bằng mối quan hệ giữa khí với máu và âm - dương.
Bấm huyệt chữa tai biến mạch máu não tập trung vào các huyệt kinh lạc đó là những điểm trên cơ thể thích hợp để châm cứu và không yêu cầu bất kỳ loại thuốc hoặc công cụ. Khác với yêu cầu của châm cứu chữa tai biến mạch máu não là người thực hiện cần phải đạt độ chính xác cao khi đưa kim đến vị trí huyệt, mặc dù bấm huyệt có thể không thực hiện đến điểm chính xác, nhưng với áp lực của tay lên một vùng xung quanh của huyệt vẫn mang hiệu quả kích hoạt chức năng của các cơ quan nội tạng và phục hồi chức năng sinh lý.
3. Cách bấm huyệt chữa tai biến mạch máu não
3.1. Bấm huyệt tai biến áp dụng trong trường hợp cấp cứu
Trường hợp tai biến vừa xảy ra, bệnh nhân rơi vào trạng thái bất tỉnh, bấm ngay huyệt nhân trung, kết hợp với trích máu huyệt thập tuyền (10 đầu ngón tay). Nếu bệnh nhân vẫn còn ý thức, nhận biết được cảm giác đau nhưng không thể vận động cơ thể thì bấm huyệt thái trung, đại đôn, hành gian và hợp cốc.
Quan sát bệnh nhân sau đó nếu vẫn không cử động được thì tiên lượng xấu. Trường hợp sau khi bấm huyệt tai biến được thực hiện tại các vị trí kể trên, bệnh nhân có thể cử động thì tiếp tục bấm một số huyệt như dương long tuyền, tam âm giao, nội quan, thận du, thần môn, túc tam lý, ...
3.2. Bấm huyệt chữa di chứng tai biến mạch máu não (phục hồi chức năng)
Di chứng thường gặp nhất của tai biến là liệt nửa người, trường hợp này cần tuân theo nguyên tắc khu phong, tán hàn, trừ thấp, bổ gan thận, thông kinh hoạt lạc. Nếu bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, lệch mặt, bấm huyệt chữa di chứng tai biến mạch máu não nên được tiến hành mỗi ngày 1 lần tại các huyệt giáp sa, xế phong, nhân trung, đầu duy, địa thương, nghinh hương, tình minh, thừa tương, bách hội, thực hiện 15 ngày nghỉ 2 ngày. Người bấm huyệt cần áp dụng đầy đủ các thủ thuật như xoa, miết, phân, hợp, véo, ấn, bấm. Lưu ý các huyệt ở vùng mặt nên thực hiện từ 10-15 phút.
Đối với các vùng lưng bị ảnh hưởng bởi liệt nửa người, cần bấm huyệt chữa di chứng tai biến mạch máu não tại vị trí huyệt thận du, mệnh môn. Đối với mông, đùi, cẳng chân, bàn chân cần kết hợp xoa bóp thường xuyên và day bấm một số huyệt. Tập trung vào các huyệt trên đường đi của dây thần kinh tọa như côn lôn, thừa sơn, ủy trung, thừa phù, trật biên, hoàn khiêu. Áp dụng các động tác vê, rung, lăn, vờn, day, bóp tại các ngón chân để truyền các sóng thần kinh từ huyệt về vỏ não và dẫn các tín hiệu kích thích ngược lại để điều chỉnh tình trạng bệnh lý. Sau khi chăm sóc cho bệnh nhân phục hồi tốt cần duy trì lối sống lành mạnh để tránh tái phát tai biến mạch máu não.
Bấm huyệt chữa tai biến mạch máu não là một phương pháp thường được áp dụng trong cộng đồng. Thông qua việc cải tiến dòng khí, bệnh nhân đột quỵ có thể cải thiện chức năng của vùng cơ thể bị ảnh hưởng bởi tai biến mạch máu não và gia tăng chất lượng cuộc sống hàng ngày. Do đó, bấm huyệt chữa tai biến mạch máu não có thể được sử dụng cho bệnh nhân đột quỵ như một can thiệp điều dưỡng thay thế cho châm cứu và áp dụng được trong cả trường hợp cấp tính và thời điểm hồi phục di chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.