Chế độ ăn ít chất xơ cho bệnh nhân ung thư bị tiêu chảy

Tiêu chảy là một rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Chế độ ăn ít chất xơ được khuyến cáo ở những bệnh nhân ung thư bị tiêu chảy vì tiêu thụ quá nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan có thể tăng cường kích thích nhu động ruột và khiến tình trạng tiêu chảy ngày càng trầm trọng.

1. Tại sao bệnh nhân ung thư bị tiêu chảy?

Tiêu chảy là một rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Thời gian và mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một số nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy ở bệnh nhân ung thư bao gồm:

  • Phương pháp điều trị ung thư: Một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây tiêu chảy. Chúng bao gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu và cấy ghép tủy xương. Phẫu thuật có thể gây tiêu chảy nếu một phần của ruột bị cắt bỏ.
  • Nhiễm trùng: Điều trị ung thư có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn. Những bệnh nhiễm trùng đó có thể gây tiêu chảy và thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị trong trường hợp này.
  • Bệnh ung thư: Một số bệnh ung thư có thể gây tiêu chảy. Chúng bao gồm các khối u thần kinh nội tiết, ung thư ruột kết, ung thư hạch, ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư tuyến tụy.

2. Vì sao bệnh nhân ung thư bị tiêu chảy nên ăn ít chất xơ?

Chất xơ trong thực phẩm cung cấp thức ăn thô và có khả năng kích thích nhu động ruột. Thông thường bệnh nhân nên tiêu thụ ít nhất 28 gam chất xơ mỗi ngày để tăng cường sức khỏe đường ruột. Các nguồn chính của chất xơ là trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu khô. Tuy nhiên, một tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư là tiêu chảy. Nếu bị tiêu chảy liên quan đến điều trị, bạn nên tuân theo chế độ ăn ít chất xơ và hạn chế lượng chất xơ ăn vào khoảng 10 gram mỗi ngày.

Chế độ ăn ít chất xơ được dung nạp tốt hơn khi bị tiêu chảy vì nó sẽ không kích thích nhu động ruột quá nhiều và sẽ dễ tiêu hóa hơn. Để biết có bao nhiêu chất xơ trong một khẩu phần ăn, bệnh nhân nên đọc nhãn thực phẩm hoặc tra cứu trên các website chuyên về dinh dưỡng. Bệnh nhân nên chọn thực phẩm có 2 gam chất xơ hoặc ít hơn trong mỗi khẩu phần ăn. Dưới đây là bảng tổng hợp các loại thực phẩm giàu chất xơ và thực phẩm ít chất xơ. Bệnh nhân có thể tham khảo để xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý.

Nhóm thực phẩm Thực phẩm giàu chất xơ Thực phẩm ít chất xơ
Trái cây Trái cây tươi
Trái cây sấy khô
Chuối
Táo
Trái cây đóng hộp
Trái cây nấu chín không có vỏ hoặc hạt
Nước ép trái cây không có bã
Rau củ Bông cải xanh, cải Brussels, bắp cải, súp lơ trắng, ngô, đậu Hà Lan, ớt, củ cải và rau sống Măng tây, cà rốt, đậu xanh và bí
Bánh mì và mì Lúa mì nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt
Gạo lứt
Bánh ngô
Bánh mì với trái cây hoặc hạt khô
Các sản phẩm bánh mì làm bằng bột mì trắng tinh chế
Gạo trắng
Bánh gạo trắng
Ngũ cốc Các loại ngũ cốc
Cám
Lúa mì vụn
Granola
Bất kỳ loại ngũ cốc nào với trái cây hoặc hạt khô
Bột yến mạch
Các loại đậu Đậu lăng, đậu lima, đậu gà, đậu tây và đậu đen,…

3. Các loại thực phẩm nên ăn và nên tránh ở bệnh nhân ung thư bị tiêu chảy

3.1 Những loại thực phẩm nên ăn

Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân ung thư không nhất thiết phải hạn chế hoàn toàn chất xơ. Bệnh nhân nên ăn ít chất xơ, nhưng nên bổ sung các chất xơ hòa tan vì chúng có khả năng hấp thụ chất lỏng và giúp giảm tiêu chảy. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm: táo, chuối (chín), trái cây đóng hộp, cam và bưởi, khoai tây luộc, gạo trắng, bột sắn, lúa mạch, bột yến mạch và các sản phẩm làm từ bột mì trắng.

Khi bị tiêu chảy nặng, bệnh nhân ung thư nên ăn thức ăn nhạt và dễ tiêu hóa như thịt gà, cá, trứng, bánh pudding, khoai tây nghiền, mì, cơm, sữa chua, pho mát, bơ đậu phộng mịn, bánh mì trắng, chuối, , trái cây đóng hộp và rau nấu chín. Ăn 5 đến 6 bữa nhỏ trong ngày thường được dung nạp tốt hơn so với ăn 3 bữa lớn. Bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước trong ngày và đặc biệt sau mỗi lần đi tiêu lỏng để tránh mất nước.

3.2 Những loại thực phẩm nên tránh

Khi bạn bị tiêu chảy, bệnh nhân cần phải tránh thực phẩm sau đây:

  • Hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau sống.
  • Đồ ăn có nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên rán
  • Thực phẩm cay và nhiều gia vị
  • Thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine, ví dụ: cà phê, trà và sô cô la
  • Sữa và đồ uống từ sữa
  • Tránh nhai kẹo cao su, cũng như kẹo không đường và kẹo cao su có chứa sorbitol hoặc mannitol

Nếu tình trạng tiêu chảy không cải thiện, người bệnh có thể phải sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng, tránh mất nước. Hiện nay có một số loại thuốc có thể giúp giảm triệu chứng tiêu chảy ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

570 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan