U tuyến yên là một khối u phát triển từ những tế bào tuyến yên, nằm ở hố yên sâu bên trong sọ. Có nhiều phương pháp điều trị u tuyến yên, trong đó xạ trị u tuyến yên ác tính được chỉ định khi khối u đã tồn tại lâu hoặc phát triển trở lại sau khi phẫu thuật, gây ra những triệu chứng không đáp ứng với điều trị thuốc.
1. U tuyến yên ác tính
Tuyến yên là tuyến nội tiết rất quan trọng nằm ở hố yên sâu bên trong não, đảm nhiệm nhiều chức năng của cơ thể bao gồm chức năng tuyến thượng thận, tuyến giáp, tăng trưởng của xương và tiết sữa.
U tuyến yên trong não là khối u phát triển từ những tế bào tuyến yên, phần lớn là ở dạng lành tính. Tuy nhiên, đôi khi u tuyến yên cũng có thể phát triển thành u tuyến yên ác tính khi phát triển xâm lấn các mô và cơ quan bên cạnh, hiếm gặp hơn là lan tỏa đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Một số triệu chứng u tuyến yên gây ra bao gồm: các rối loạn chức năng tuyến yên như rối loạn kinh nguyệt, tăng tiết prolactin, chậm phát triển, to đầu chi, mệt mỏi, vô sinh. Những triệu chứng này có thể xuất hiện ở cả những trường hợp khối u có kích thước nhỏ. Đối với những trường hợp u tuyến yên lớn, nó có thể chèn ép các dây thần kinh gây tê mặt, lác mắt. Các khối u tuyến yên có kích thước rất lớn sẽ gây tăng áp lực nội sọ, buồn nôn, đau đầu và hôn mê.
Không có bằng chứng gây u tuyến yên ác tính bởi yếu tố môi trường. Yếu tố nguy cơ duy nhất là di truyền, bao gồm:
- Rối loạn tân sinh đa tuyến nội tiết type 1 (MEN1): gia đình có người có MEN1 thường có nguy cơ cao bị u tuyến yên.
- Carney complex: rối loạn gen có khả năng tăng nguy cơ mắc u tuyến yên
- Bệnh to cực: là to đầu chi và phì đại các cơ quan ngoại biên như tai, mũi, hàm,... do dư thừa hormone tăng trưởng.
2. Xạ trị u tuyến yên ác tính
Có nhiều phương pháp điều trị u tuyến yên ví dụ như: phẫu thuật, điều trị nội khoa, liệu pháp thay thế hormone, xạ trị,... Xạ trị là một trong những phương pháp được áp dụng để điều trị u tuyến yên và có thể được sử dụng điều trị đơn độc hoặc phối hợp.
Xạ trị trong điều trị u tuyến yên là sử dụng các chùm tia bức xạ từ bên ngoài vào xuyên qua da và sọ để tới khối u. Khi các chùm tia bức xạ chiếu vào khối u, chúng tiêu diệt các tế bào u bằng cơ chế phá hủy DNA.
Xạ trị được chỉ định để điều trị phần u tuyến yên còn sót lại và ngăn chặn sự tái phát của khối u sau khi phẫu thuật. Nếu khối u không thể phẫu thuật cắt bỏ được hoặc khối u tái phát sau phẫu thuật thì xạ trị cũng có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị riêng biệt.
Quá trình xạ trị cho bệnh nhân được thực hiện bởi những chuyên gia ở nhiều lĩnh vực bao gồm: bác sĩ xạ trị, kỹ thuật viên xạ trị, kỹ sư vật lý y học. Những kỹ thuật xạ trị u tuyến yên ác tính bao gồm:
- Xạ phẫu: là phương pháp điều trị cho phép phân bố một liều bức xạ cao tới khối u trong một phân liều điều trị. Quá trình xạ phẫu không bao gồm việc cắt bỏ hay phẫu thuật ngoại khoa. Trước tiên, người bệnh sẽ được tiến hành chụp CT mô phỏng với các dụng cụ cố định phù hợp. Sau khi thu được chuỗi hình ảnh, các bác sĩ sẽ tiến hành xác định, vị trí và kích thước khối u, các cơ quan lành liền kề để bảo vệ. Bác sĩ và kỹ sư vật lý sẽ đưa ra kế hoạch xạ trị phù hợp nhất để đảm bảo tập trung liều cao bức xạ cao tới khối u, và hạn chế tối đa liều cao tới những cơ quan lành xung quanh. Thông thường người bệnh xạ phẫu sẽ được điều trị từ 1 đến 5 phân liều.
- Xạ trị điều biến liều: áp dụng đối với các khối u tuyến yên có kích thước lớn, xâm lấn rộng vào xoang tĩnh mạch hang, cho phép tập trung liều bức xạ cao tới khối u và hạn chế tối đa liều tới các cơ quan lành xung quanh, nhằm giảm bớt các tác dụng phụ do tia xạ gây ra. Quá trình xạ trị điều biến liều thường kéo dài từ 4 đến 6 tuần, và được tiến hành 5 ngày một tuần.
- Xạ trị proton: sử dụng chùm tia proton để tiêu diệt tế bào ung thư, không giống như xạ phẫu và xạ trị điều biến sử dụng chùm tia X. Chùm tia proton chỉ có một phần nhỏ các mô phía trước khối u bị tổn thương, các tế bào ung thư của khối u sẽ nhận được tối đa mức năng lượng nên bị tiêu diệt hoàn toàn, và hầu hết những mô lành phía sau khối u được bảo toàn. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu trang thiết bị và chi phí cao nên ít phổ biến.
Người bệnh xạ trị thường có tác dụng phụ như: mệt mỏi, kích ứng da, hay mất nhu động ruột,... Sau khi xạ trị, đa phần các tác dụng phụ sẽ chấm dứt. Tùy thuộc vào hướng chiếu xạ, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng về thị lực, giảm trí lực tạm thời hoặc suy giảm trí nhớ. Các tác dụng phụ này thường hiếm gặp và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tóm lại, xạ trị trong điều trị u tuyến yên ác tính là sử dụng chùm tia bức xạ từ bên ngoài vào xuyên qua da và sọ để tới khối u. Xạ trị được chỉ định đối với những trường hợp tái phát sau phẫu thuật hay có khối u lâu ngày. Tuy nhiên, khi xạ trị thường có những tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi,... và có thể gặp một số biến chứng. Do vậy, khi người bệnh có dấu hiệu nào bất thường cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp kịp thời.