Vừa qua, Trung tâm Vú, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City đã tiếp nhân bệnh nhân T (nữ, 33 tuổi) với một khối cứng ở vú trái. Tại đây, qua các bước kiểm tra lâm sàng, siêu âm và chụp MRI, các bác sĩ kết luận bệnh nhân đang có một khối u kích thước 24x16x14 mm và được phân loại theo hệ thống BIRADS (hệ thống đánh giá mức độ nghi ngờ ác tính của tổn thương) là 4C - Mức độ nghi ngờ ác tính cao, khoảng 50-95%. Để có kết quả chính xác nhất, bệnh nhân đã được chỉ định thực hiện sinh thiết kim lõi, cho thấy khối u là ung thư biểu mô xâm nhập typ không đặc biệt (ống) với độ mô học III. Các xét nghiệm thụ thể cho thấy ER âm tính, PR âm tính, Her-2 âm tính và Ki67 dương tính 60%. Điều này có nghĩa khối u đang trong giai đoạn sinh trưởng nhanh, đã vượt ra ngoài lớp tế bào ban đầu và lan vào các mô xung quanh đồng thời không đáp ứng với liệu pháp hormone.
Cuối cùng, các bác sĩ đã đưa ra kết luận, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư vú trái giai đoạn cT2N0M0, thuộc loại ung thư vú bộ ba âm tính (Triple-Negative Breast Cancer - TNBC). Đây là loại ung thư vú mà các xét nghiệm cho thấy âm tính với ba thụ thể chính: estrogen, progesteron, và Her-2. TNBC chiếm khoảng 10%-15% tổng số trường hợp ung thư vú và có đặc điểm là khó điều trị cũng như có mức độ ác tính cao hơn. Do đó, những bệnh nhân mắc TNBC sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp và có nguy cơ tái phát cao hơn so với các loại ung thư vú khác.
Các yếu tố nguy cơ chính của ung thư vú bộ ba âm tính bao gồm sự đột biến gen BRCA, chiếm khoảng 70% tổng số trường hợp mắc bệnh. Bên cạnh đó đó, những người dưới 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú bộ ba âm tính cũng cao hơn.
Theo thống kê, ung thư vú chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới tại Việt Nam tức là cứ 4 người phụ nữ lại có một người mắc ung thư vú. Tuy vậy, nhưng đa số người bệnh còn chủ quan, không ai nghĩ rằng bản thân, nhất là khi còn trẻ sẽ mắc căn bệnh nguy hiểm này. Thêm vào đó, ung thư vú là một quá trình tấn công một cách thầm lặng, người bệnh rất khó phát hiện ra ngay từ sớm. Chính vì vậy đã dẫn tới tình trạng phát hiện muộn, chỉ khi sờ thấy khối u, người bệnh mới thăm khám. Khi này, khối u đã phát triển lớn, đồng nghĩa với nguy cơ cũng cao hơn. Bởi vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến chống lại ung thư vú, đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ tuổi như trường hợp của bệnh nhân 33 tuổi này.
Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City là một trong số ít các đơn vị được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, đầy đủ, đảm bảo độ chính xác trong từng khâu tầm soát, hạn chế tối đa sai sót trong chẩn đoán. Bên cạnh đó, các gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú cũng đã được thiết kế một cách tối ưu thông qua sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và sự phối hợp đa chuyên khoa chặt chẽ nhằm giúp người bệnh phát hiện sớm những bất thường từ giai đoạn sớm, tăng tỷ lệ điều trị thành công và hạn chế khả năng di căn tới các cơ quan khác.