Vì sao bạn bị chuột rút?

Nguyên nhân vì sao bị chuột rút là một vấn đề được nhiều người thắc mắc, vì tình trạng thường gây ra cảm giác đau đớn, thậm chí rất dữ dội và không thể cử động cơ trong một thời gian ngắn. Nếu không hiểu được tại sao bị chuột rút và tìm hiểu cách phòng ngừa, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhất là khi xảy ra ở các cơ quan như tim và não.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Chuột rút là gì?

Chuột rút là cơn co cơ bắp mạnh mẽ và đau đớn, thường đột ngột xuất hiện và kéo dài từ vài giây đến vài phút, chủ yếu xảy ra ở chân.

Vào ban đêm, chuột rút thường biểu hiện qua những cơn co thắt đột ngột hoặc thắt chặt của các cơ ở bắp chân. Thỉnh thoảng, cơn chuột rút cũng có thể xảy ra ở đùi hoặc bàn chân và thường xuất hiện khi đang ngủ hoặc vừa mới tỉnh dậy. Vậy, tại sao bị chuột rút?  

2. Vì sao bị chuột rút?

Hiện tại, cơ chế gây chuột rút vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số nguyên nhân vì sao bị chuột rút bao gồm:

2.1 Vận động quá sức

Nếu tập luyện quá sức vào ban ngày, cơ bắp sẽ bị mỏi hoặc chấn thương. Khi vận động, lượng đường trong gan sẽ bị tiêu hao. Nếu lượng đường bị tiêu hao quá mức mà không được bổ sung calo kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng chuột rút ở chân.

Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.

Vận động quá sức sẽ khiến cho cơ bắp bị mỏi hoặc chấn thương - một trong những nguyên nhân tại sao bị chuột rút.
Vận động quá sức sẽ khiến cho cơ bắp bị mỏi hoặc chấn thương - một trong những nguyên nhân tại sao bị chuột rút.

2.2 Do thiếu canxi, magiê và kali

Lý do tại sao bị chuột rút cũng thường liên quan đến việc thiếu các chất cần thiết. Trong đó, phụ nữ có thai và cho con bú cũng như trẻ trưởng thành thường gặp phải tình trạng chuột rút do thiếu chất canxi, magiê và kali (do thiếu hụt chất dinh dưỡng) dẫn đến sự mất cân bằng về chất điện giải.

2.3 Phụ nữ mang thai

Tỷ lệ chuột rút ở phụ nữ mang thai cao hơn do cơ thể tích nước và mất cân bằng điện giải cùng sức nặng của thai nhi làm giảm tuần hoàn máu ở chân.

Ngoài ra, trong thời gian mang thai, hormone của phụ nữ sẽ có sự thay đổi và nhu cầu về canxi cũng tăng lên. Nếu không được bổ sung đủ dưỡng chất, tình trạng hạ canxi trong máu sẽ xảy ra. Những nguyên nhân này là lời giải đáp cho câu hỏi “vì sao bị chuột rút”. Mặc dù vậy, chuột rút ở phụ nữ mang thai thường có thể tự khỏi sau khi sinh em bé.

Nhiều phụ nữ mang thai thắc mắc vì sao bị chuột rút do tình trạng này ảnh hưởng cuộc sống mẹ bầu.
Nhiều phụ nữ mang thai thắc mắc vì sao bị chuột rút do tình trạng này ảnh hưởng cuộc sống mẹ bầu.

2.4 Do sự lão hoá ở người già

Những nguyên nhân “vì sao bị chuột rút” ở người già thường liên quan đến sự lão hóa hệ thần kinh, cơ bắp và mạch máu. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần bổ sung canxi, magie, kali cùng với các chất dinh dưỡng có lợi cho hệ thần kinh cơ và hệ tuần hoàn chẳng hạn như vitamin.

2.5 Sự hoạt động thái quá của hệ thần kinh cơ bắp

Khi mọi người đứng hoặc quỳ trong thời gian dài, áp lực sẽ dồn lên các mạch máu và cơ bắp. Ngoài ra, nếu thường xuyên ngủ trong tư thế cong chân, cơ bắp ở bắp chân bị co lại và không được duỗi ra. Duy trì tư thế này trong thời gian dài, thì khi cử động nhẹ sẽ gây ra tình trạng chuột rút.

Ngoài ra, tình trạng chuột rút ở các ngón chân sẽ xuất hiện khi phụ nữ mang giày cao gót cả ngày với mũi giày nhọn chèn ép lên các ngón chân.

Trước khi tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao hay thực hiện những môn thể thao yêu cầu sức mạnh cơ bắp như bơi, chạy bộ và đá bóng, việc không khởi động hoặc khởi động không kỹ lưỡng cũng là lý do tại sao bị chuột rút. 

2.6 Mất nước, mất cân bằng chất điện giải

Nếu mọi người phơi nắng trong thời gian dài mà không kịp bù nước hoặc bị đổ mồ hôi do vận động, cơ thể sẽ mất một lượng lớn nước và chất điện giải. Bên cạnh đó, một tình trạng khác là do ít uống nước dẫn đến cơ thể thiếu nước gây chuột rút vào ban đêm. Ngoài ra, cơ thể cũng sẽ bị thiếu nước và mất cân bằng chất điện giải khi mọi người thường xuyên tiêu thụ trà lợi tiểu hoặc cà phê.

2.7 Tâm trạng căng thẳng, lo lắng

Vì sao bị chuột rút khi bị căng thẳng tâm lý quá mức? Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ làm rối loạn hoóc môn trong cơ thể dẫn đến nhịp tim nhanh hơn và huyết áp tăng cao, tăng nguy cơ gây ra chuột rút.

2.8 Dấu hiệu của một bệnh lý

Mọi người cần phải đi khám chuyên khoa nếu bị chuột rút thường xuyên vào ban đêm. Dấu hiệu này cảnh báo một loại bệnh lý mà rất ít người biết đến. Trong đó, khoảng 70% các trường hợp là do căn bệnh suy giảm hệ thống tĩnh mạch chân.

Căn bệnh này hoạt động bằng cách tắc nghẽn dòng máu sâu bên trong các tĩnh mạch khiến các chất chuyển hóa tích tụ dưới da. Khi đó, các cơ trở nên dễ bị kích thích dẫn đến hiện tượng co cơ và chuột rút. Hơn nữa, suy tĩnh mạch còn gây phù nề ở chi dưới được xem là một trong những nguyên nhân tại sao bị chuột rút trong giấc ngủ.

3. Cách khắc phục và phòng ngừa chuột rút

Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau đây để khắc phục tình trạng chuột rút.

  • Đi bộ nhẹ nhàng với chân bị chuột rút.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng vùng chân và cơ.
  • Thực hiện các bài tập kéo căng cơ cho đôi chân.
  • Để thư giãn cơ bắp, người bệnh nên tắm bằng nước ấm. Bên cạnh đó, việc đặt một miếng đệm nóng cũng giúp thư giãn cơ. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng túi chườm đá nhưng hãy nhớ luôn để một miếng vải giữa da và túi chườm.
  • Trong trường hợp chuột rút kéo dài mà không thuyên giảm sau khi tập thể dục, sử dụng thuốc là cần thiết. Nếu chuột rút ở chân là thứ phát thì việc hiểu rõ vấn đề “vì sao bị chuột rút” và tiến hành việc điều trị các nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp giảm triệu chứng.
Mát xơ vùng chân và cơ để khắc phục tình trạng chuột rút.
Mát xơ vùng chân và cơ để khắc phục tình trạng chuột rút.

Để không bị chuột rút làm phiền, người bệnh hãy ngay lập tức thực hiện theo những nguyên tắc dưới đây.

  • Mỗi ngày người bệnh cần uống khoảng 6 đến 8 cốc nước, tương đương với 1,5 đến 2 lít để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
  • Người bệnh nên thường xuyên tập thể dục và khởi động thật kỹ trước khi bắt đầu. Tập thể dục cho chân trước khi ngủ cũng là một thói quen tốt cần xây dựng.
  • Trong các bữa ăn chính, người bệnh nên tăng cường lượng rau củ. Sau mỗi bữa, người bệnh cần bổ sung thêm các loại trái cây như chuối, mơ, cam, đu đủ và xoài cũng như thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo đầy đủ các nhóm chất: đạm, đường, béo, vitamin, và khoáng chất.
  • Để ngăn ngừa chuột rút, người bệnh nên hạn chế căng thẳng và stress vì những nguyên nhân “vì sao bị chuột rút” này làm rối loạn hoóc môn dẫn đến nhịp tim nhanh và huyết áp tăng cao.

Trên đây là tất cả các thông tin giải đáp thắc mắc “vì sao bị chuột rút” hoặc “tại sao bị chuột rút”. Khi thường xuyên gặp phải tình trạng này, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Với hơn 6 năm kinh nghiệm, Thạc sĩ Bác sĩ Mỹ đã từng đảm nhận vai trò bác sĩ Nội khoa tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện nay, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng với vị trí Bác sĩ Nội khoa tổng hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe