Phòng ngừa chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chuột rút là hiện tượng thường gặp ở bà bầu, nhất là khi mang thai 3 tháng cuối. Chuột rút thường không gây nguy hiểm và thường tự hết sau khi sinh em bé, tuy nhiên nó gây đau nhức cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt của người mẹ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những lời khuyên hữu ích giúp giảm chuột rút khi mang thai.

1. Nguyên nhân gây chuột rút khi mang thai

Chuột rút là hiện tượng các cơ bị co thắt đột ngột gây đau nhức cho người mẹ, thường xảy ra ở bàn chân, bắp chân, đùi, cơ bụng. Chuột rút thường bắt đầu xuất hiện vào tháng thứ 3 của thai kỳ và xuất hiện nhiều hơn khi thai nhi lớn dần. Tình trạng này xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, thường nhiều hơn vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu. Tuy nhiên hầu hết tình trạng chuột rút ở phụ nữ mang thai không gây nguy hiểm gì và sẽ tự hết khi kết thúc thai kỳ.

Những nguyên nhân gây chuột rút khi mang thai gồm có:

  • Thai nhi ngày càng lớn khiến trọng lượng cơ thể mẹ cũng tăng lên, gây áp lực lớn đến các cơ bắp chân.
  • Tử cung to ra gây chèn ép lên các mạch máu, dây thần kinh.
  • Trong tam cá nguyệt thứ hai, một nguyên nhân phổ biến của chuột rút là đau dây chằng tròn. Dây chằng tròn là một cơ nâng đỡ tử cung, và khi nó căng ra, bạn có thể cảm thấy đau nhói, hoặc đau âm ỉ ở bụng dưới.
  • Chuột rút còn có thể do cơ thể mẹ bị thiếu nước, rối loạn điện giải.
  • Vào những tháng cuối thai kỳ, thai nhi cần nhiều canxi để phát triển hệ xương, nếu không cung cấp đủ, cơ thể người mẹ sẽ tự rút bớt canxi để truyền cho bé, dẫn đến sự thiếu hụt canxi ở mẹ, điều này sẽ góp phần gây ra những cơn co cứng ở người mẹ.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Giảm đau do chuột rút khi mang thai bằng cách nào?

  • Duỗi thẳng chân
  • Uốn cong ngón chân về phía ống chân cho đến khi cơn đau biến mất
  • Xoa bóp cơ bắp chân, dùng khăn ấm để chườm vùng bị chuột rút.

3. Phòng ngừa chuột rút khi mang thai

Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp mẹ bầu ngăn ngừa tình trạng chuột rút khi mang thai:

  • Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế
  • Xoa bóp, kéo căng cơ bắp chân nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước lúc đi ngủ
  • Xoay cổ chân, ngọ nguậy ngón chân bất kể khi nào đang ngồi: ăn cơm, xem tivi

Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, tập yoga,...
Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, tập yoga,...
  • Hãy vận động nhẹ nhàng mỗi ngày: đi bộ, tập yoga, bơi lội
  • Khi nằm ngủ nên nằm nghiêng người sang trái để máu dễ lưu thông, đồng thời gác chân lên gối cao khi ngủ
  • Uống đủ nước
  • Tắm bằng nước ấm
  • Tránh làm việc nặng nhọc, luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu
  • Nhiều người cho rằng chuột rút là do thiếu canxi nên uống bổ sung canxi trong thai kỳ, mặc dù canxi có vai trò rất quan trọng nhưng chưa có bằng chứng cho thấy việc uống thêm canxi sẽ ngăn ngừa tình trạng chuột rút khi mang thai. Nếu muốn bổ sung canxi, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Chuột rút khi mang thai là dấu hiệu bình thường mà hầu hết bà bầu đều gặp phải, tuy nhiên nếu chuột rút đi kèm những triệu chứng bất thường như đau, sưng đỏ ở chân, chạm vào chân có cảm giác nóng xung quanh ,bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe