Vai trò của giảm đau sau phẫu thuật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quốc Tuấn - Bác Sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Quốc Tuấn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - hồi sức.

Giảm đau sau phẫu thuật bao gồm nhiều phương pháp khác nhau và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, sớm hồi phục sau mổ.

1. Đau sau phẫu thuật là gì?

Đau sau phẫu thuật là phản ứng đau do tổ chức bị phẫu thuật can thiệp và xuất hiện sau khi mổ. Mức độ đau sau mổ phụ thuộc vào tính chất và mức độ phẫu thuật, kỹ thuật mổ và khả năng chịu đựng của bệnh nhân. Thông thường, các phẫu thuật can thiệp bằng nội soi thường đau ít hay thậm chí là không đau. Trong những trường hợp phẫu thuật nặng hơn thường đau liên tục trong vài ngày đầu. Ngoài ra, mức độ đau sau phẫu thuật còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Vị trí phẫu thuật: Phẫu thuật ngực và bụng trên > phẫu thuật bụng dưới > phẫu thuật ngoại biên và phẫu thuật bề mặt. Thời gian đau của các vị trí cũng khác nhau, đó là phẫu thuật ngực (4 ngày), phẫu thuật bụng trên (3 ngày), phẫu thuật bụng dưới (2 ngày), phẫu thuật ngoại biên và phẫu thuật bề mặt (1 ngày);
  • Từng bệnh nhân: 15% bệnh nhân không đau hoặc đau rất ít, 15% bệnh nhân đau nhiều và điều trị giảm đau thường không đủ để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Đau sau mổ làm hạn chế vận động của bệnh nhân, làm tăng nguy cơ máu tụ, tắc mạch và ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chăm sóc vết thương cũng như tập hồi phục chức năng sau phẫu thuật.

2. Các phương pháp đánh giá mức độ đau sau phẫu thuật

  • Dùng thước EVA (Echelle visuelle Analogue): Là loại thước có 2 mặt, chiều dài 10cm, được đóng kín ở 2 đầu. Ở mặt không có số, một đầu ghi “không đau”, một đầu ghi “đau không chịu nổi”, trên thước có con trỏ có thể di chuyển được để chỉ mức độ đau mà bệnh nhân cảm nhận được. Mặt còn lại có chia vạch là 0 - 100, đầu 0 tương ứng với “không đau”, đầu 100 tương ứng với “đau không chịu nổi”. Đây là dụng cụ đơn giản nhất để đánh giá mức độ đau. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc giảm đau khi giá trị đau từ 30 trở lên;
  • Dùng thang điểm số: Bệnh nhân tự nêu một số tương ứng với mức độ đau mà họ cảm nhận, con số trong khoảng 0 - 100. Số 0 là bệnh nhân không đau, số 100 là bệnh nhân đau không chịu nổi;
  • Dùng thang chia mức độ: Thang có các giá trị là 0 - không đau, mức 1 - đau mức độ ít, mức 2 - đau mức độ trung bình và mức 3 - đau mức độ nhiều.

Phương pháp đánh giá mức độ đau sau phẫu thuật bằng thước EVA (Echelle visuelle Analogue)
Phương pháp đánh giá mức độ đau sau phẫu thuật bằng thước EVA (Echelle visuelle Analogue)

3. Vai trò của giảm đau sau phẫu thuật

Giảm đau sau phẫu thuật là một biện pháp điều trị mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như:

  • Giúp bệnh nhân dễ chịu về thể xác và tinh thần;
  • Giúp người bệnh lấy lại trạng thái cân bằng tâm - sinh lý;
  • Nâng cao chất lượng điều trị: Giúp vết thương chóng lành, giảm nguy cơ bội nhiễm vết thương sau mổ, vận động sớm hơn, giảm nguy cơ tắc mạch, rút ngắn thời gian nằm viện;
  • Giúp bệnh nhân sớm hồi phục sau mổ, có thể tự chăm sóc bản thân;
  • Người bệnh sớm tập phục hồi chức năng;
  • Tránh diễn tiến thành đau mạn tính;
  • Mang ý nghĩa nhân đạo.

4. Các phương pháp giảm đau sau phẫu thuật

Lựa chọn kỹ thuật giảm đau sau mổ phụ thuộc vào mức độ đau, vị trí đau, đau khi nghỉ ngơi hay khi vận động, tiền sử bệnh nhân, thời điểm tập phục hồi chức năng,... Các phương pháp giảm đau sau phẫu thuật thường được áp dụng là:

  • Đường uống: Dùng thuốc giảm đau không thuộc họ morphine. Ưu tiên dùng thuốc khi phục hồi nhu động ruột, thường sử dụng cho bệnh nhân phẫu thuật về trong ngày. Bệnh nhân có thể sử dụng paracetamol, kháng viêm không steroid (NSAID - tốt hơn paracetamol trong phẫu thuật hàm mặt, xương khớp, sản khoa nhưng có nhiều tác dụng phụ), kết hợp paracetamol và NSAID,... Việc sử dụng thuốc phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ;
  • Dùng thuốc ngoài đường uống: Đường tĩnh mạch dùng các thuốc giảm đau không thuộc họ morphine (gồm paracetamol và NSAID); đường dưới da dùng các thuốc thuộc họ morphine và đường tiêm bắp nên bỏ vì gây đau sau khi tiêm và gây khối máu tụ sau tiêm do dùng thuốc chống đông sau mổ. Liều lượng thuốc, loại thuốc, đường dùng và thời gian dùng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ;
  • Bơm thuốc qua catheter ngoài màng cứng: Có tác dụng giảm đau tốt hơn dùng đường tĩnh mạch và đường dưới da. Có thể chỉ sử dụng morphine hoặc kết hợp thuốc thuộc họ morphine tan nhiều trong mỡ với thuốc tê và/hoặc clonidine. Loại thuốc và liều dùng phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể;
  • Đặt catheter gây tê đám rối thần kinh hoặc thân thần kinh: Áp dụng ở chi, thường đặt catheter bơm thuốc lặp lại hoặc truyền liên tục để kéo dài thời gian giảm đau sau mổ;
  • Tiêm thuốc vào ổ khớp: Thực hiện cuối phẫu thuật nội soi khớp gối hay khớp vai, sau khi đã hút khô dịch;
  • Dùng thuốc đường hậu môn: Loại thuốc và liều dùng tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.

Tất cả các phương pháp giảm đau đều có ưu điểm và hạn chế. Bác sĩ cần cân nhắc lựa chọn phương pháp giảm đau sau phẫu thuật phù hợp cho bệnh nhân.

5. Chương trình giảm đau sau phẫu thuật ERAS tại Vinmec Times City

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City triển khai chương trình tăng cường phục hồi sớm sau phẫu thuật ERAS (Enhanced Recovery After Surgery). ERAS là các phương pháp chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như Gây mê hồi sức, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng, Dược lâm sàng Phẫu thuật, Chăm sóc điều dưỡng,... nhằm giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe sau mổ. Mục tiêu của ERAS là chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nhằm giảm thời gian nằm viện, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí và giảm tỷ lệ biến chứng cho bệnh nhân. Thực tế, ERAS giúp giảm 30% thời gian chăm sóc, giảm tới 50% biến chứng sau phẫu thuật cho bệnh nhân.


Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City áp dụng ERAS- là các phương pháp chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City áp dụng ERAS- là các phương pháp chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật

Các kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật tại Vinmec Times City gồm:

  • Phẫu thuật tim hở: Gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) dưới hướng dẫn của siêu âm. Với phương pháp này, bác sĩ thực hiện luồn một catheter vào dưới dựng sống bên cạnh cột sống sau lưng nhằm ức chế tín hiệu đau trước khi nó truyền tới cột sống. Đây là kỹ thuật giảm đau hậu phẫu hiện đại, không biến chứng, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực, loại bỏ nguy cơ gây đau sau mổ và đau mãn tính đối với 96% bệnh nhân được chỉ định thực hiện mổ tim hở;
  • Sinh mổ: Sản phụ sau sinh mổ được gây tê thần kinh bằng máy siêu âm để đẩy lùi những cơn đau, từ đó không cần phải sử dụng morphine để giảm đau ngay cả khi vận động và thực hiện các công việc như chăm sóc bé, vệ sinh cơ thể,... Bên cạnh đó, khi tác dụng của thuốc tê trong lúc mổ giảm dần, bác sĩ sẽ tiếp tục gây tê cơ vuông thắt lưng ở 2 bên để ngăn chặn đường đi của tín hiệu đau trước khi đến tủy sống và lên não, từ đó giảm những cơn đau sau mổ cho sản phụ. Ngoài ra, Vinmec còn triển khai phương pháp gây tê thần kinh thẹn sau khi sinh với gây tê ngoài màng cứng. Với các phương pháp này, sản phụ nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật, nhu động ruột sớm trở lại bình thường và giảm nguy cơ bị đau mãn tính sau mổ;
  • Phẫu thuật ung thư: Bệnh viện Vinmec Times City triển khai phương pháp phẫu thuật nội soi bằng robot ít gây đau do hạn chế sang chấn, có tính thẩm mỹ cao, giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau sau phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện, giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái hơn.

Chương trình Tăng cường phục hồi sau phẫu thuật tại Vinmec Times City sẽ được nhân viên y tế tư vấn cụ thể cho bệnh nhân trước phẫu thuật để họ an tâm tham gia vào quá trình điều trị và chăm sóc hậu phẫu. Người bệnh được tối ưu dinh dưỡng, áp dụng phác đồ gây mê - giảm đau chuẩn để phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe