Các biến chứng do áp xe gan gây nên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bệnh áp xe gan là sự hình thành ổ mủ do tổ chức tế bào gan bị phá hủy, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ổ mủ có thể xuất hiện đơn độc hoặc nhiều ổ với các kích cỡ to nhỏ khác nhau. Vậy áp xe gan có thể gây ra những biến chứng gì và nguy hiểm thế nào?

1. Tổng quan về bệnh áp xe gan

1.1. Phân loại

Áp xe gan là một trong những bệnh nhiễm khuẩn ở gan mật tương đối phổ biến ở Việt Nam. Nhìn chung, nguyên nhân gây ra căn bệnh này có thể là vi khuẩn, nấm, ký sinh vật hoặc thứ phát từ các bệnh lý liên quan và do một số tác động bên ngoài khác. Có hai loại áp-xe gan chủ yếu và điển hình bao gồm:

  • Áp xe gan do amip:

Những quốc gia có khí hậu nhiệt đới và cận là nơi phát triển thích hợp của con amip do điều kiện sống kém. Áp xe gan do amip chủ yếu xuất hiện ở ruột đại tràng, có nguy cơ đi từ niêm mạc vào trong tĩnh mạch cửa. Bệnh lây truyền qua đường phân - miệng, một số ít trường hợp amip sẽ chui qua thành ruột đến gan gây áp xe gan. Đây là loại áp xe phổ biến nhất, chiếm đến 80% tổng số bệnh nhân bị áp xe gan tại Việt Nam.

  • Áp xe gan do vi khuẩn:

Dạng áp xe này ít gặp ở nước ta nhưng lại khá phổ biến tại khu vực Châu Âu. Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào gan, gây viêm và hoại tử tế bào gan, tạo nên một ổ mủ hoặc nhiều ổ áp-xe trong gan. Áp xe gan do vi khuẩn hầu hết đều xảy ra thứ phát từ các vấn đề nhiễm trùng cơ quan nội tạng, sinh thiết gan hay thậm chí có trường hợp không tìm được nguyên nhân.

1.2. Triệu chứng và điều trị

  • Triệu chứng:

Bệnh nhân bị áp xe gan thường gặp phải các triệu chứng như đau bụng vùng gan và lan lên vai phải, sốt dao động, đổ mồ hôi về đêm, rối loạn tiêu hóa, ho, khó thở, vàng da,... Trong đó, biểu hiện cấp tính xuất hiện khi áp xe gan nhiều ổ, áp-xe gan một ổ thường diễn tiến chậm. Chẩn đoán sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng, cũng như tiền sử bệnh nhân.

  • Điều trị:

Phương pháp điều trị của bệnh áp xe gan phổ biến là dùng kháng sinh metronidazole đơn độc hoặc kết hợp để tiêu diệt con amip. Chọc hút mủ phối hợp dùng thuốc trong các trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả. Chỉ định dẫn lưu qua catheter ngày càng thu hẹp, trong khi đó biện pháp phẫu thuật chỉ giới hạn trong một số trường hợp biến chứng áp xe gan có dấu hiệu nghiêm trọng. Ngoài ra, dùng thuốc giảm đau, truyền dịch và bổ sung dinh dưỡng cũng sẽ được tiến hành trong điều trị hỗ trợ người bệnh áp xe gan.


Đau bụng là triệu chứng của áp xe gan
Đau bụng là triệu chứng của áp xe gan

2. Các biến chứng áp xe gan

Biến chứng áp xe gan chủ yếu là do vỡ ổ áp-xe vào các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như:

  • Vỡ vào phổi và khoang màng phổi: Khi ổ áp xe ở đỉnh gan bên phải vỡ sẽ gây thủng cơ hoành và vỡ thẳng vào phổi, khiến bệnh nhân bị ộc mủ hoặc khạc ra mủ;
  • Vỡ vào màng ngoài tim: Triệu chứng tương tự như suy tim hoặc ép tim rất nguy hiểm, nếu không can thiệp kịp thời có nguy cơ khiến người bệnh tử vong do ép tim cấp;
  • Vỡ vào ổ bụng: Biến chứng hay gặp là viêm phúc mạc toàn thể, nếu can thiệp chậm trễ có nguy cơ gây tử vong do sốc nhiễm khuẩn;
  • Vỡ vào ống tiêu hoá: Vỡ vào dạ dày làm cho người bệnh nôn ra mủ và máu; vỡ vào đại tràng khiến đi đại tiện có mủ, máu kéo dài;
  • Có trường hợp vỡ vào thành bụng và rò ra ngoài thành bụng nhưng ít gặp.

Ngoài ra, một số biến chứng áp xe gan khác là: nung mủ kéo dài, nhiễm trùng lan rộng và áp xe gan do amip bị bội nhiễm. Áp-xe gan do vi khuẩn cũng có biến chứng tương tự như áp-xe gan do amip. Tuy nhiên nhờ vào các phương tiện chẩn đoán hiện đại ngày nay, các tai biến trên hiếm xảy ra hơn vì áp-xe gan được phát hiện từ rất sớm.

3. Bệnh áp xe gan có nguy hiểm không?


Ăn chín uống sôi là một trong những cách phòng tránh bệnh áp xe gan
Ăn chín uống sôi là một trong những cách phòng tránh bệnh áp xe gan

Nhìn chung, bệnh áp xe gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí là đe dọa đến tính mạng nếu bệnh nhân được cấp cứu muộn. Nhưng trong hơn 3 thập niên qua, những tiến bộ trong chẩn đoán và hình ảnh học đã làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh áp xe gan do vi khuẩn từ 9 - 80% xuống còn 5 - 30%. Cũng có số liệu thống kê cho rằng các biện pháp chẩn đoán nhanh và điều trị hiệu quả đã giúp tỷ lệ tử vong vì áp xe do amip giảm xuống chỉ còn 1 - 3%. Mặt khác, một số yếu tố có ảnh hưởng xấu đến tiên lượng của bệnh nhân bao gồm choáng do tụt huyết áp, suy thận cấp và suy hô hấp cấp.

Áp xe gan mặc dù là một căn bệnh khá nguy hiểm, song cách phòng bệnh lại vô cùng đơn giản. Đối với cá nhân và cộng đồng, việc giữ môi trường và nếp sống hợp vệ sinh, dùng nước sạch, thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm,... là có thể ngăn ngừa được nhiễm khuẩn và amip gây bệnh áp xe gan.

Các bác sĩ cũng khẳng định nhờ vào sự phát triển của y học, các biện pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và các loại thuốc kháng sinh hiệu quả đã giúp cho việc chẩn đoán, điều trị áp-xe gan do vi khuẩn và amip được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ tử vong giảm hẳn.

Bác sĩ Chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang được đào tạo về chuyên ngành nội tiêu hóa, gan mật tụy và nội soi tiêu hóa; liên tục cập nhật và được đào tạo nội soi nâng cao từ các giáo sư và các chuyên gia nội soi đến từ Thụy Sĩ và Nhật Bản; tham gia nhiều hội nghị tiêu hóa, nội soi trong nước và quốc tế.

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe