Độc tính trên gan của paracetamol

Thông tin paracetamol gây độc tính trên gan đã không còn quá xa lạ hiện nay. Chính vì thế, việc có những hiểu biết cũng như phương pháp phòng ngừa các hậu quả xấu từ việc ngộ độc paracetamol cần phải được cập nhật mỗi ngày.

1. Vì sao paracetamol gây độc gan?

1.1. Cơ chế gây hại đến gan của paracetamol

Các bác sĩ đã chỉ ra rằng, chính quá trình chuyển hóa ở gan đã gây ra tình trạng ngộ độc paracetamol. Bởi lẽ, hầu hết mọi thứ ta tiếp nạp vào cơ thể qua đường ăn uống đều được gan xử lý thải độc. Tại gan, paracetamol sẽ được chuyển hóa thành những alkyl rất nhỏ là N-acetyl-p-benzoquinone imine (NAPQI) mang độc tính.

Thông thường, nếu chỉ một lượng nhỏ NAPQI này thì gan có thể dễ dàng giải độc. Tuy nhiên, do chất này có khả năng bị khử độc bằng cách tạo ra liên kết bền vững với các nhóm sulfhydryl của glutathione hay dưới sự kiểm soát của một hợp chất sulfhydryl như N-acetylcysteine để từ đó tạo ra các phức hợp không độc và có thể thải trừ qua thận.

Nếu dùng liều cao hoặc kéo dài paracetamol thì nồng độ NAPQI trong gan sẽ tăng lên đáng kể, cơ thể không kịp khử độc, dẫn đến tổn thương nặng cho các tế bào gan.


Paracetamol có thể gây hại cho gan người bệnh
Paracetamol có thể gây hại cho gan người bệnh

1.2. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc gan do paracetamol

Triệu chứng sớm của ngộ độc paracetamol thường khó nhận biết, chẳng hạn như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi thoáng qua trong vòng 12 - 24 giờ sau khi uống quá liều paracetamol. Vào ngày thứ hai sau uống, đa phần các triệu chứng sẽ giảm hẳn, tưởng như đã khỏi. Tuy nhiên, vào ngày thứ ba, thứ tư sau khi dùng thuốc, các triệu chứng toàn phát dần xuất hiện và tăng dần, bao gồm chán ăn, sợ cơm, vàng da...

Với những người đã có sẵn bệnh lý ở gan (viêm gan do virus hoặc xơ gan do rượu) thì nguy cơ bị viêm gan do nhiễm độc cấp paracetamol tăng cao, thậm chí chỉ uống ở liều điều trị cũng có thể khởi phát triệu chứng viêm gan nhiễm độc thuốc. Nếu bệnh nhân chỉ ở mức độ nhẹ, tổn thương viêm gan nhiễm độc hoàn toàn có thể phục hồi, tuy nhiên nếu ngộ độc nặng, gây suy gan tối cấp thì nguy cơ có thể dẫn đến tử vong.

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.

2. Sử dụng paracetamol thế nào cho đúng?

Cách tốt nhất, hãy sử dụng paracetamol theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không dùng quá liều cho phép, tham khảo kỹ thông tin liên quan đến độc tính trên gan của paracetamol. Sử dụng với tổng liều không vượt quá 4g/ngày đối với người lớn, trẻ em chỉ được dùng thuốc với khoảng liều dành riêng cho trẻ em.

Mặt khác, đối với các thuốc dạng lỏng, cần phải dùng dụng cụ chuyên biệt để đo lường chính xác lượng paracetamol nạp vào cơ thể và phải lắc đều thuốc trước khi sử dụng. Với dạng sủi bọt, cần để thuốc hòa tan hoàn toàn vào nước rồi uống hết ngay.

Ngưng sử dụng thuốc paracetamol trong các trường hợp:

  • Vẫn bị sốt sau 3 ngày sử dụng;
  • Vẫn bị đau sau 5 - 7 ngày sử dụng;
  • Cơ thể có biểu hiện các triệu chứng lạ, đặc biệt là chán ăn, sợ cơm,...

Paracetamol cần được tư vấn trước khi sử dụng thuốc
Paracetamol cần được tư vấn trước khi sử dụng thuốc

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng trực tiếp. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc nên tránh uống rượu hoặc chất kích thích để tránh nguy cơ bị ngộ độc paracetamol.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe