Bị bệnh áp xe gan có chữa khỏi được không?

Bệnh áp xe gan là một tình trạng tụ mủ trong gan do nhiễm Amip, vi khuẩn hoặc nấm, từ đó dẫn đến sự hình thành của một ổ mủ đơn độc và nhiều ổ mủ rải rác tại gan. Bệnh cảnh này rất phổ biến ở những nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Vậy bệnh áp xe gan có nguy hiểm không và có những phương pháp nào dùng để chẩn đoán và điều trị bệnh lý này ?

1. Áp xe gan là bệnh gì ?

1.1 Định nghĩa

Áp xe gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương và hình thành các ổ mủ ở gan, lâu ngày sẽ hình thành một ổ mủ đơn độc và nhiều ổ mủ rải rác tại gan.

1.2 Phân loại

Áp xe gan được phân loại dựa trên hai nguyên nhân thường gặp nhất là:

  • Áp xe gan do Amip
  • Áp xe gan do vi khuẩn: Escherichia coli, các chủng Bacteroides, Klebsiella pneumoniae, các chủng Streptococcus,... Trong đó hay gặp nhất là Escherichia coli và Klebsiella pneumoniae.

1.3 Đường vào của tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và Amip sẽ đi theo các con đường sau để vào gan:

  • Đường mật: Một số bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn, viêm đường mật hay tắc mật có thể dẫn đến áp xe gan.
  • Tĩnh mạch cửa: Các tác nhân gây bệnh ở đường ruột theo đường tĩnh mạch cửa về gan.
  • Động mạch gan và bạch mạch toàn thân: Ở một số bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân, viêm hạch, nhiễm khuẩn huyết...Các tác nhân gây bệnh từ các ổ nhiễm khuẩn ngoài gan, thậm chí trong gan sẽ đi theo đường bạch mạch hoặc động mạch gan đến gây bệnh trên gan.

2. Chẩn đoán bệnh áp xe gan

2.1 Triệu chứng lâm sàng

Áp xe gan do Amip

  • Bệnh sử: Bệnh nhân di cư hoặc từng đi du lịch ở vùng dịch tễ.
  • Tam chứng Fontan: Sốt, đau hạ sườn phải, gan to và ấn đau.
  • Sốt: Là triệu chứng xuất hiện đầu tiên, mức độ từ nhẹ đến nặng, kèm vã mồ hôi và nhịp tim nhanh.
  • Đau hạ sườn phải: Thường đau hoặc tức 1⁄4 bụng trên bên phải, mức độ trung bình đến nặng, đau lan lên vai phải, âm ĩ và dai dẳng.
  • Gan to: Gan thường to, bền mặt nhẵn, bờ tù, ấn đau, ấn vào khoảng gian sườn bệnh nhân có thể đau nhói.
  • Các triệu chứng ít gặp khác như vàng da, viêm phúc mạc, tiếng cọ màng ngoài tim.

Áp xe gan do vi khuẩn

  • Đau hạ sườn phải âm ỉ, có thể xuất hiện cơn đau quặn giống sỏi đường mật.
  • Sốt cao rét run, có thể lên đến 39 – 40 độ C.
  • Gan có thể to và đau khi thăm khám.
  • Sụt cân
  • Vàng da
  • Đi cầu phân lỏng, chán ăn mệt mỏi.

2.2 Cận lâm sàng

Áp xe gan do Amip

  • Huyết học: Bạch cầu có thể tăng, CRP tăng, thời gian máu lắng tăng.
  • Xét nghiệm huyết thanh: Phản ứng ELISA có giá trị trong chẩn đoán áp xe gan do Amip với độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Trong trường hợp phản ứng huyết thanh âm tính nên thực hiện lại trong 1 tuần.
  • Siêu âm: Hình ảnh sang thương giảm âm, tròn hoặc bầu dục, ranh giới rõ, đơn hoặc đa ổ. Nếu mủ càng loãng thì hình ảnh sẽ càng giảm âm hoặc trống âm.
  • X - Quang ngực thẳng: Cơ hoành bên phải bị đẩy lên cao, di động kém, 80% bệnh nhân có thể có kèm tràn dịch màng phổi bên phải.
  • Chụp cắt lớp vi tính bụng (CT - scan): Giúp chẩn đoán vị trí ổ áp xe và chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác như ung thư gan.
  • Chọc hút ổ áp xe: Khi các chẩn đoán chưa chắc chắn hoặc trong trường hợp áp xe gan sắp vỡ. Có hình ảnh mủ nâu sậm màu socola, không mùi, cấy mủ có thể thấy Amip và không có vi khuẩn.

Áp xe gan do vi khuẩn

  • Huyết học: Bạch cầu tăng, tăng chủ yếu bạch cầu đa nhân trung tính, thời gian máu lắng tăng, CRP và Procalcitonin tăng.
  • Chọc hút ổ áp xe cấy mủ hoặc cấy máu: Đa số các trường hợp tìm thấy vi khuẩn (dương tính).
  • Các chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm sẽ có hình ảnh khối giảm âm hoặc hồi âm hỗn hợp trong các trường hợp ổ áp xe chưa hoá mủ hoàn toàn. CT – scan hay MRI bụng giúp chẩn đoán vị trí ổ áp xe, đồng thời chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác tại gan và đường mật.

3. Bệnh áp xe gan có chữa khỏi được không ?

Ngày nay, với sự tiến bộ nhanh chóng của y học, bệnh áp xe gan kể cả nguyên nhân do Amip hay vi khuẩn gây mủ đều có thể được chữa khỏi bằng nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng kháng sinh, chọc hút ổ mủ và dẫn lưu ổ mủ ra ngoài.

3.1 Điều trị nội khoa

Áp xe gan do Amip

Lựa chọn đầu tay

Hoặc: Metronidazole uống 750 mg x 3 lần/ngày (hoặc truyền tĩnh mạch 500 mg mỗi 6 giờ), trong 10 – 14 ngày.

  • Cộng: Diloxanide furoate 500 mg uống 3 lần/ngày, trong 10 ngày.

Hoặc: Paromomycin 10 mg/kg uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày.

Hoặc: Iodoquinol 650 mg uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày.

Thuốc thay thế

  • Dehydroemetin hoặc Emetine 1 mg/kg tiêm dưới da hoặc tiêm dưới da hoặc tiêm bắp/ngày x 8 – 10 ngày.
  • Sau đó: Chloroquine 500 mg uống 2 lần/ngày, trong 2 ngày, sau đó 500 mg/ngày, trong 21 ngày.
  • Cộng: Diloxanide furoate 500 mg uống 3 lần/ngày, trong 10 ngày.

Hoặc: Paromomycin 10 mg/kg uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày.

Hoặc: Iodoquinol 650 mg uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày.

  • Thuốc diệt Amip ở dạng kén tại ruột: Uống Intetrix dạng viêm, trong 7 – 10 ngày.
  • Thêm kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn.

Áp xe gan do vi khuẩn

Lựa chọn kháng sinh đầu tay

  • Ampicillin - sulbactam truyền tĩnh mạch 1,5 - 3 g mỗi 6 giờ.
  • Hoặc: Piperacillin-tazobactam truyền tĩnh mạch 4,5 g mỗi 6 giờ.
  • Hoặc: Cefoperazon-sulbactam truyền tĩnh mạch 2 g/lần mỗi 12 giờ.
  • Hoặc: Ceftriaxon truyền tĩnh mạch 2 – 4 g/lần/ngày.
  • Hoặc: Ceftazidim truyền tĩnh mạch 1 – 2 g/lần mỗi 12 giờ.
  • Hoặc: Cefepim truyền tĩnh mạch 1 – 2 g/lần mỗi 12 giờ.
  • Hoặc: Gentamycin tiêm bắp hoặc pha loãng tiêm tĩnh mạch chậm 80 mg mỗi 8 giờ.
  • Hoặc: Amikacin tiêm bắp hoặc pha loãng tiêm tĩnh mạch chậm 5 mg/kg mỗi 8 giờ.
  • Hoặc: Tobramycin tiêm bắp hoặc pha loãng tiêm tĩnh mạch 1 mg/kg mỗi 8 giờ.
  • Hoặc: Aztreonam 1 – 2 g mỗi 12 giờ.

Kết hợp với Metronidazol truyền tĩnh mạch 500 mg mỗi 8 giờ nếu kháng sinh đồ có nhiễm vi khuẩn kỵ khí.

Lựa chọn kháng sinh thay thế:

Ciprofloxacin 500 mg uống hoặc truyền tĩnh mạch mỗi 12 giờ.

  • Hoặc: Levofloxacin 500 mg uống hoặc truyền tĩnh mạch mỗi 12 giờ.
  • Hoặc: Moxifloxacin 400 mg uống hoặc truyền tĩnh mạch mỗi 24 giờ.

Kết hợp với Metronidazol truyền tĩnh mạch 500 mg mỗi 8 giờ nếu kháng sinh đồ có nhiễm vi khuẩn kỵ khí.

Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với khác loại kháng sinh trên, hoặc bệnh nhân có biểu hiện nặng:

  • Meropenem truyền tĩnh mạch 1 g mỗi 8 giờ.

Hoặc: Imipenem – Cilastatin truyền tĩnh mạch 1 – 2 g mỗi 12 giờ.

Hoặc: Doripenem truyền tĩnh mạch 0,5 g mỗi 8 giờ.

Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần tuỳ vào đáp ứng của bệnh nhân.

Chọc hút và dẫn lưu ổ áp xe

Chỉ định chọc hút ổ áp xe trong các trường hợp sau:

  • Chưa chẩn đoán chính xác bệnh hoặc nguyên nhân của bệnh áp xe gan.
  • Ổ áp xe lớn (đường kính ≥ 5 cm): Có thể dẫn lưu tại chỗ và bơm rửa mỗi ngày.
  • Bệnh nhân không đáp ứng với điều trị trong 3 – 5 ngày.
  • Nguy cơ vỡ ổ áp xe.
  • Bệnh nhân phát hiện bệnh muộn trên 3 tháng.
  • Ngăn vỡ ổ áp xe gan thuỳ trái vào màng tim.

Lưu ý: Việc chọc hút và dẫn lưu ổ áp xe cần phối hợp với dùng các thuốc điều trị.

Áp xe gan là một bệnh lý khá phổ biến ở nước ta và nhờ có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc chẩn đoán và chữa khỏi áp xe gan không còn là một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trong điều trị và phòng ngừa các biến chứng của bệnh áp xe gan, bệnh nhân và người nhà cần tự phát hiện sớm các triệu chứng và đến kiểm tra tại các cơ sở y tế, để được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của khách hàng bởi chất lượng điều trị, trang thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân.

  • Trang thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam: Máy nội soi tiêu hóa ống mềm độ phân giải cao giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và các bệnh lý tiêu hóa chính xác. Robot phẫu thuật của Mỹ có độ chính xác cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục của bệnh nhân nhanh.
  • Đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao: Các bác sĩ được đào tạo bài bản tại các Trung tâm ngoại khoa hàng đầu của Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, có trình độ chuyên môn cao. Được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, cập nhật các kỹ thuật, phác đồ điều trị mới nhất trên thế giới.
  • Chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa với kỹ thuật mới nhất: Phẫu thuật nội soi bằng robot với tỉ lệ thành công lên đến 95%. Nội soi tiêu hóa gây mê không đau, không khó chịu.
  • Chăm sóc người bệnh toàn diện: Là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chương trình phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS), giúp rút ngắn thời gian nằm viện chỉ còn sau 3 - 5. Tỷ lệ biến chứng, chi phí của người bệnh giảm, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe