Mùa hè nắng nóng là thời điểm rất dễ làm bùng phát những cơn đau đầu cấp tính. Nhiệt độ tăng cao và tình trạng tiết mồ hôi nhiều là yếu tố chính gây ra tình trạng đau đầu. Đồng thời, chúng cũng khiến cho cơ thể bị mất nước, đuối sức.
1. Say nắng có triệu chứng gì?
Say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt) là loại phản ứng của cơ thể khi làm việc, học tập trong điều kiện nóng bức, nhiệt độ cao. Say nắng là tổn thương do nhiệt thường gặp ở trẻ em, người già và những người hoạt động ngoài trời.
Say nắng có thể diễn biến đột ngột hoặc từ từ. Triệu chứng đặc trưng của say nắng là:
- Sốt cao trên 40,5 độ C;
- Đau đầu;
- Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu ;
- Không ra mồ hôi;
- Da đỏ, nóng và khô;
- Yếu cơ, chuột rút;
- Buồn nôn, nôn;
- Nhịp tim/mạch nhanh, mạnh hoặc yếu;
- Thở nhanh và thở nông;
- Thay đổi hành vi như lơ mơ;
- Co giật, động kinh;
- Hôn mê.
2. Tại sao nắng nóng lại đau đầu
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đau đầu vào mùa hè là do cơ thể bạn bị mất nước và không bổ sung nước kịp thời dẫn đến mất nước gây ra cảm giác đau đầu.
Thứ hai, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, các mao mạch ở trên đầu bị giãn nở quá mức để chống lại thời tiết. Điều này dẫn đến bạn có cảm giác đau và đau đầu tăng lên khi bạn thường xuyên di chuyển giữa phòng có máy lạnh với không gian bên ngoài.
Thứ ba, khi nắng nóng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ làm não bộ bị thiếu dưỡng khí dễ gây đau đầu thậm chí đau mỏi toàn thân. Trong mùa hè, nhiều người có thói quen uống nước đá để làm mát cơ thể nhưng nó cũng làm kích thích niêm mạc họng gây đau đớn.
3. Cách phòng tránh đau đầu do say nắng
3.1. Bổ sung đủ nước cho cơ thể
Nhiệt độ tăng cao khiến cho mồ hôi ra nhiều dẫn đến cơ thể bị mất nước và điện giải. Mất nước làm cho cơ thể có cảm giác mệt mỏi và nhức đầu. Bạn nên chú ý bổ sung nước kịp thời để bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra và cân bằng nhiệt độ cơ thể.
Khi bạn làm việc trong môi trường nóng, bạn cần bổ sung nước khoảng 1/2 - 1 cốc nước mỗi giờ (cốc khoảng 230-250ml). Bạn không nên uống nước lạnh. Uống nước ép các loại trái cây tự nhiên là phương pháp bù đắp muối và chất khoáng hiệu quả.
Khi bạn có các vấn đề về gan, thận, tim, động kinh những bệnh lý liên quan đến tích nước) bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị về vấn đề bổ sung nước vào mùa hè.
3.2. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Bạn nên hạn chế tiếp xúc ngoài trời khi thời tiết nắng nóng. Nguyên nhân là do ánh nắng không chỉ khiến làn da sạm màu, dễ kích ứng mà còn khiến tình trạng đau đầu dễ khởi phát hơn.
Khi bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên đội mũ nón và sử dụng các thiết bị chống nắng nhất là trong thời điểm từ 11h – 15h. Ngoài ra bạn nên đeo kính mát để làm giảm sự tác động của ánh nắng mắt trời lên dây thần kinh thị giác. Điều này giúp hạn chế cơn đau đầu và làm giảm tình trạng chóng mặt hay say nắng.
3.3. Vận động điều độ
Thể dục thường xuyên cũng phương pháp giúp bạn giải tỏa được stress và giảm cơn đau đầu. Tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, bạn không nên vận động quá nhiều đặc biệt là khi mặt trời đang ở đỉnh điểm. Tránh làm việc quá gắng sức cả trong lao động lẫn rèn luyện. Khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, đuối sức hãy dừng tất cả hoạt động lại và nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, nếu có thể, thay đổi thời gian hoạt động ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày như buổi sáng sớm, sau khi mặt trời lặn.
3.4. Sinh hoạt điều độ
Thói quen sinh hoạt thường ngày thường ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng. Bạn sẽ có cảm giác mệt mỏi, chán ăn khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Thêm vào đó, hiện tượng thiếu ngủ, mất ngủ cũng thường xuyên diễn ra.
Bạn nên cân đối ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo sức khỏe và hạn chế hiện tượng đau đầu hay mệt mỏi khi trời nóng.
Đồng thời, bạn cần bổ sung thêm rau có chứa vitamin C như chuối, cam, quýt,.. khẩu phần ăn hàng ngày. Vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng, thanh nhiệt tạo điều kiện để cơ thể chống lại cái nóng của mùa hè.
Thông thường, tình trạng đau đầu do nắng nóng có thể tự biến mất sau 3 – 4 giờ đồng hồ. Trong trường hợp cơn đau tăng lên hoặc xảy ra quá thường xuyên, khoảng hơn 2 lần/tuần, liên tục trong 2 – 3 tháng thì bạn nên đến khám bác sĩ để sớm can thiệp kịp thời
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.