Mặc áo chống nắng có tránh được tia UV không?

Sau những đợt mưa gần đây, tình trạng nắng nóng gay gắt đang tiếp tục trở lại, bức xạ tia UV đang ở mức rất cao. Khi ra đường mà không có biện pháp bảo vệ, tia UV sẽ gây hại cho da và sức khỏe. Vậy mặc áo khoác có chống được tia UV không?

1. Tia UV có tác hại gì?

Tia UV có bản chất là một bức xạ nhiệt có hại đối với cơ thể người. Tác hại của tia UV sẽ ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp xúc trực tiếp vào bề mặt da và mắt, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về lâu về dài.

Đối với mắt, tiếp xúc thường xuyên với tia UV có khả năng dẫn đến bệnh viêm giác mạc, đau mắt đỏ, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc và thoái hóa hoàng điểm.

Làn da nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mà không được bảo vệ, tia UV sẽ tấn công lớp hạ bì, làm cho da trở nên sạm đen (hiện tượng rám nắng da). Ngoài ra, ánh nắng cường độ cao sẽ khiến cho da mau chóng lão hóa, tạo ra nhiều nếp nhăn, gây tổn thương và thậm chí dẫn đến ung thư da.

2. Nên trang bị gì khi ra ngoài để chống tia UV?

2.1. Kính chống tia uv

Khi đi ngoài đường, bạn có thể sử dụng kính chống tia UV để bảo vệ đôi mắt, tránh các tác hại của tia UV đến các bộ phận quan trọng của mắt như giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc.

Theo thông tin từ Viện Nhãn khoa Mỹ, màu sắc và độ đậm nhạt của mắt kính không thể dùng để đánh giá khả năng chống tia UV, cũng không nói lên tác động nguy hại hay an toàn của kính đối với đôi mắt. Thậm chí, nhiều trường hợp màu sắc của kính quá sẫm còn có thể gây hại cho mắt.

Kính chống tia UV nên chọn loại có gọng mắt lớn, khả năng ôm vừa vặn với khuôn mặt, và bao phủ vùng quanh mắt mới có khả năng ngăn cản ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nên chọn kính phù hợp với khuôn mặt bạn, thường là chọn kính có hình dáng đối nghịch với khuôn mặt. Ví dụ như khi bạn có khuôn mặt dài, thì nên chọn kính tròn, và ngược lại. Đối với người chưa từng đeo kính bao giờ thì việc này có thể gây chút khó chịu. Tuy nhiên, hãy tập thói quen đeo kính bất cứ khi nào ra ngoài trời nắng để tự bảo vệ cho đôi mắt của mình.


Tia UV gây hại cho mắt khi tiếp xúc trực tiếp
Tia UV gây hại cho mắt khi tiếp xúc trực tiếp

2.2. Khẩu trang chống tia uv

Khi phải ra ngoài khi trời nắng gắt, hãy sử dụng khẩu trang chống tia UV để che chắn da mặt. Đặc biệt, khẩu trang muốn phát huy hiệu quả tốt nhất nên phủ kín mặt, chừa hai mắt đeo kính, vừa giúp phòng tránh tia UV, vừa hạn chế khói bụi.

Sử dụng loại khẩu trang có màu đen, sậm màu sẽ có tác dụng chống nắng lên đến 90%. Trong khi đó, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng khoảng 60%. Về chất liệu, nên dùng khẩu trang được may với vải dày, dệt chéo. Ngoài ra, loại khẩu trang y tế màu xanh thường sử dụng có chất liệu vải mỏng, chỉ có tác dụng cản bụi, không có hiệu quả cao trong việc chống nắng, chống tia UV.

2.3. Áo khoác chống tia uv

Vào những tháng nắng gay gắt, một trong những mặt hàng được người tiêu dùng tiêu thụ rất mạnh đó là áo khoác chống tia uv. Một chiếc áo khoác chống nắng thường được thiết kế với chất liệu có thể ngăn ngừa cả tia UV và làm giảm hấp thụ nhiệt, rất thích hợp để bảo vệ sức khỏe khỏi ánh nắng gay gắt, nhất là vào những ngày hè.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thời gian gần đây các loại sản phẩm áo chống nắng đang được các nhà sản xuất tung ra thị trường ngày càng nhiều với đầy đủ các loại kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu. Song song đó, giá cả của những loại sản phẩm này cũng chênh lệch nhau, thậm chí cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm thông thường. Vậy làm sao để lựa chọn được một loại áo khoác chống tia UV thật sự chất lượng?

3. Cách lựa chọn áo khoác chống tia UV chất lượng

3.1. Chất liệu vải

Để lựa chọn được áo khoác chống tia UV chất lượng tốt, điều đầu tiên phải lưu ý là chất liệu vải.

Trên thực tế, tất cả các loại vải đều có khả năng cản được bức xạ tia UV nhưng chỉ ở các mức độ khác nhau chứ không thể chống tia UV hoàn toàn được. Để chọn trang phục áo khoác chống tia UV hiệu quả, bạn cần phải chú ý đến chỉ số UPF (Ultraviolet Protection Factor) hay chỉ số bảo vệ chống tia tử ngoại. Đối với các trang phục chống nắng, chỉ số UPF càng cao thì khả năng ngăn cản bức xạ tia UV sẽ càng cao.

Một số chất liệu vải có chỉ số UPF rất cao lên tới 1700, ví dụ như jeans. Trong khi đó, các loại áo với chất liệu cotton thường có chỉ số UPF khá thấp, chỉ khoảng từ 5 - 8. Một chiếc áo chống nắng hiệu quả cần sản xuất từ loại vải có chỉ số UPF từ 15 đến 50+, đó là khoảng UPF có tác dụng bảo vệ da một cách tốt nhất. Thông thường, chất liệu sợi tổng hợp như polyester hay nylon sẽ có khả năng chống tia UV cao hơn so với sợi vải cotton.


Chất liệu nilon thường có khả năng chống nắng tốt hơn cotton
Chất liệu nilon thường có khả năng chống nắng tốt hơn cotton

3.2. Màu sắc

Điều thứ hai cần chú ý khi chọn mua áo khoác chống tia UV là màu sắc.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu tính theo nguyên lý hấp thụ nhiệt của màu sắc thì những gam màu tối, sẫm sẽ có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn. Do đó, khi mặc áo chống nắng có màu tối, bạn thường cảm thấy nóng hơn. Tuy nhiên, trang phục có màu tối lại có khả năng ngăn cản tia cực tím tốt hơn so với các màu sáng. Chính vì vậy, các loại áo khoác chống tia UV trên thị trường thường có màu tối và sẫm hơn các loại áo khoác bình thường.

Cường độ ánh nắng càng cao thì tác hại của tia UV trong ánh sáng mặt trời cũng sẽ cao tương ứng. Khi ra ngoài, đừng quên trang bị kính, khẩu trang và áo khoác chống tia UV để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe