Rối loạn lo âu không biệt định là gì? Đây là thuật ngữ chỉ chứng lo âu hoặc ám ảnh không đáp ứng tiêu chí chính xác cho bất kỳ rối loạn lo âu nào khác nhưng đủ đáng kể để gây đau buồn và phiền muộn cho người bệnh.
1. Rối loạn lo âu không biệt định là gì?
Người bệnh có thể không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán cho một chứng rối loạn lo âu cụ thể. Ví dụ, các cơn hoảng sợ (bất ngờ) không được dự đoán trước là một tiêu chí chẩn đoán rối loạn hoảng sợ. Thay vì các cơn hoảng sợ (bất ngờ) không được dự đoán trước, họ trải qua các cơn hoảng sợ có triệu chứng hạn chế. Mặc dù chúng không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, những triệu chứng lo lắng này vẫn được xem xét nếu chúng gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể. Trong trường hợp này, người bệnh có thể được chẩn đoán về rối loạn lo âu không biệt định.
Vì vậy, rối loạn lo âu không biệt định là các triệu chứng giống như lo lắng gây ra tình trạng đau khổ nghiêm trọng hoặc suy giảm chức năng, nhưng không có đủ thông tin để xác định loại rối loạn lo âu cụ thể nào.
Tình huống này có thể xảy ra trong các phòng cấp cứu, nơi không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được khai thác bệnh sử và đánh giá tâm thần đầy đủ.
2. Triệu chứng rối loạn lo âu không biệt định
Triệu chứng chính của rối loạn lo âu là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Rối loạn lo âu cũng có thể gây khó thở, khó ngủ, khó nằm yên và khó tập trung. Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu mà người bệnh mắc phải.
Các triệu chứng rối loạn lo âu không biệt định thường gặp là:
- Hoảng sợ, sợ hãi và lo lắng.
- Cảm giác hoảng sợ, tuyệt vọng hoặc nguy hiểm.
- Các vấn đề về giấc ngủ.
- Không thể giữ bình tĩnh và tĩnh lặng.
- Tay hoặc chân lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran.
- Khó thở.
- Thở nhanh và gấp hơn bình thường (tăng thông khí).
- Tim đập nhanh.
- Khô miệng.
- Buồn nôn.
- Căng cơ.
- Chóng mặt.
- Suy nghĩ về một vấn đề lặp đi lặp lại và không thể dừng lại (suy ngẫm lại).
- Không có khả năng tập trung.
- Tránh xa các đồ vật hoặc địa điểm gây sợ hãi một cách cố ý hoặc ám ảnh.
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Các nhà nghiên cứu không biết chính xác điều gì gây ra chứng rối loạn lo âu không biệt định. Sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố cũng đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Di truyền: Rối loạn lo âu có thể xảy ra trong gia đình.
- Hóa chất não: Một số nghiên cứu cho thấy rối loạn lo âu có thể liên quan đến các mạch bị lỗi trong não kiểm soát nỗi sợ hãi và cảm xúc.
- Môi trường căng thẳng: Điều này đề cập đến những sự kiện căng thẳng mà bạn đã từng chứng kiến hoặc đã trải qua.
- Hội chứng cai hoặc lạm dụng ma túy: Một số loại thuốc có thể được sử dụng để che giấu hoặc giảm các triệu chứng lo lắng nhất định. Rối loạn lo âu thường đi đôi với việc sử dụng rượu và chất gây nghiện.
- Bệnh lý: Một số tình trạng về tim, phổi và tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng tương tự như rối loạn lo âu hoặc làm cho các triệu chứng lo âu tồi tệ hơn.
- Tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần: Có một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm, làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu.
- Lạm dụng tình dục thời thơ ấu: Lạm dụng hoặc bỏ bê tình cảm, thể chất và tình dục trong thời thơ ấu có liên quan đến chứng rối loạn lo âu sau này trong cuộc sống.
- Chấn thương: Sống qua một sự kiện đau buồn làm tăng nguy cơ rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), có thể gây ra các cơn hoảng sợ.
- Các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống: Các sự kiện cuộc sống căng thẳng hoặc tiêu cực, chẳng hạn như mất cha mẹ trong thời thơ ấu, làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu.
- Bệnh nặng hoặc tình trạng sức khỏe mãn tính: Thường xuyên lo âu về sức khỏe của bạn hoặc người thân, chăm sóc người bị bệnh có thể khiến bạn cảm thấy quá tải và lo âu.
- Lạm dụng chất gây nghiện: Việc sử dụng rượu và ma túy bất hợp pháp khiến bạn có nhiều khả năng bị rối loạn lo âu. Một số người cũng sử dụng các chất này để che giấu hoặc giảm bớt các triệu chứng lo âu.
- Nhút nhát thời thơ ấu: Sự nhút nhát và tránh xa khỏi những người, địa điểm xa lạ trong thời thơ ấu có liên quan đến rối loạn lo âu xã hội ở thanh thiếu niên và người trưởng thành.
- Lòng tự trọng thấp: Nhận thức tiêu cực về bản thân có thể dẫn đến chứng rối loạn lo âu xã hội.
4. Chẩn đoán rối loạn lo âu
Bên cạnh thắc mắc “rối loạn lo âu không biệt định là gì” thì các phương pháp chẩn đoán bệnh cũng được nhiều người quan tâm. Nếu có các triệu chứng, bác sĩ sẽ khám và khai thác tiền sử bệnh của bạn. Họ có thể tiến hành các xét nghiệm để loại trừ tình trạng sức khỏe khác có thể gây ra triệu chứng. Không có xét nghiệm nào trong phòng thí nghiệm có thể chẩn đoán cụ thể chứng rối loạn lo âu.
Nếu bác sĩ không tìm thấy bất kỳ nguyên nhân thực thể nào gây ra triệu chứng của bạn, họ có thể chuyển bạn đến bác sĩ tâm thần, tâm lý. Các bác sĩ sẽ hỏi bạn câu hỏi và sử dụng công cụ cũng như xét nghiệm để tìm ra liệu bạn có thể mắc chứng rối loạn lo âu hay không.
Các bác sĩ sẽ xem xét thời gian bạn có các triệu chứng và mức độ nặng hay nhẹ khi chẩn đoán. Điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ biết nếu sự lo âu khiến bạn khó thích thú hoặc hoàn thành các công việc hàng ngày ở nhà, cơ quan, trường học.
5. Điều trị rối loạn lo âu không biệt định
Có nhiều phương pháp điều trị để giảm và quản lý các triệu chứng của rối loạn lo âu. Thông thường, những người bị rối loạn lo âu cần điều trị thuốc và tư vấn.
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu. Nói chuyện với bác sĩ hoặc bác sĩ tâm thần về ưu và nhược điểm của từng loại thuốc để quyết định loại nào tốt nhất cho bạn. Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm hiện đại (SSRI và SNRI) thường là những loại thuốc đầu tiên được kê cho người bị rối loạn lo âu. Ví dụ về SSRI là escitalopram (Lexapro) và fluoxetine (Prozac). SNRIs bao gồm duloxetine (Cymbalta) và venlafaxine (Effexor).
- Bupropion: Đây là một loại thuốc chống trầm cảm khác thường được sử dụng để điều trị chứng lo âu mãn tính. Nó hoạt động khác với SSRI và SNRI.
- Thuốc chống trầm cảm khác: Chúng bao gồm ba vòng và chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs). Chúng ít được sử dụng hơn vì các tác dụng phụ, như giảm huyết áp, khô miệng, mờ mắt và bí tiểu, có thể gây khó chịu hoặc không an toàn cho một số người.
- Benzodiazepin: Bác sĩ có thể kê một trong những loại thuốc này nếu bạn đang có cảm giác hoang mang hoặc lo âu dai dẳng. Chúng giúp giảm lo âu. Ví dụ như alprazolam (Xanax) và clonazepam (Klonopin). Chúng hoạt động nhanh chóng, nhưng bạn có thể trở nên phụ thuộc vào chúng. Thông thường, chúng được dùng để bổ sung cho việc điều trị chứng rối loạn lo âu của bạn và bạn không nên dùng chúng trong thời gian dài.
- Thuốc chẹn beta: Loại thuốc cao huyết áp này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn nếu đang có các triệu chứng lo âu về thể chất, chẳng hạn như tim đập nhanh, run rẩy. Thuốc chẹn beta có thể giúp bạn thư giãn trong cơn lo âu cấp tính.
- Thuốc chống co giật: Được sử dụng để ngăn ngừa co giật ở những người bị động kinh, những loại thuốc này cũng có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn lo âu nhất định.
- Thuốc chống loạn thần: Liều lượng thấp của những loại thuốc này có thể được thêm vào để giúp các phương pháp điều trị khác hoạt động tốt hơn.
Ngoài điều trị bằng thuốc thì tâm lý trị liệu cũng giúp tìm hiểu cách cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Các liệu pháp này bao gồm:
- Liệu pháp trò chuyện: Một chuyên gia tâm thần được đào tạo sẽ lắng nghe và nói chuyện với bạn về những suy nghĩ và cảm xúc. Đồng thời, bác sĩ sẽ đề xuất cách hiểu và quản lý chúng cũng như chứng rối loạn lo âu của bạn.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Loại liệu pháp tâm lý phổ biến này dạy bạn cách biến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực hoặc gây hoảng sợ thành tích cực. Bạn sẽ học cách tiếp cận và quản lý các tình huống đáng sợ hoặc lo ngại một cách cẩn thận mà không lo âu. Một số nơi cung cấp các buổi học CBT dành cho gia đình.
6. Kiểm soát các triệu chứng rối loạn lo âu
Những mẹo này có thể giúp bạn kiểm soát hoặc giảm bớt các triệu chứng rối loạn lo âu không biệt định:
- Tìm hiểu và bám sát kế hoạch điều trị của bạn: Việc dừng thuốc đột ngột có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu và thậm chí có thể gây ra các triệu chứng lo âu.
- Cắt giảm thực phẩm và đồ uống có caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà, cola, nước tăng lực và sô cô la.
- Không sử dụng rượu và ma túy đường phố để tiêu khiển
- Ăn uống đúng cách và tập thể dục
- Ngủ ngon hơn
- Học cách thư giãn, quản lý căng thẳng.
- Viết ra những suy nghĩ của bạn trước khi ngày mới kết thúc.
- Quản lý những suy nghĩ tiêu cực của bạn.
- Cùng gặp gỡ bạn bè và trò chuyện với họ..
- Hỏi bác sĩ của bạn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn hoặc thảo dược nào.
Tóm lại, rối loạn lo âu không biệt định là các triệu chứng giống như lo lắng gây ra tình trạng đau khổ nghiêm trọng hoặc suy giảm chức năng, nhưng không có đủ thông tin để xác định loại rối loạn lo âu cụ thể nào. Nếu có nghi ngờ bản thân hoặc người thân có dấu hiệu mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu thì người bệnh cần đến sự giúp đỡ và tư vấn từ bác sĩ để được điều trị, tránh hậu quả xấu mà bệnh gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, ncbi.nlm.nih.gov, webmd.com