Phòng ngừa và điều trị bệnh lý về xương ở người tiểu đường

Bệnh xương khớp là một trong các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Vì thế, việc phòng ngừa và điều trị bệnh lý xương khớp ở người bệnh tiểu đường rất quan trọng. Việc tuân thủ theo đúng chỉ dẫn, thăm khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ cần được chú trọng.

1. Bệnh lý về xương ở người tiểu đường

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới tới hệ cơ xương theo nhiều cơ chế chưa được hiểu rõ hết. Tuy nhiên, các dữ liệu khoa học đều công nhận nguy cơ gãy xương tăng lên ở người mắc tiểu đường. Đường máu cao có thể làm tăng thải calci qua đường niệu và ức chế tạo xương. Giảm chu trình xương với đặc tính giảm chất nền xương không khoáng hóa và tăng đường hóa cấu trúc collagen cũng dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Mật độ xương không phản ánh được hết nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2. Mật độ xương thường thấp ở bệnh nhân tiểu đường type 1, nhưng bình thường ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Xốp lớp vỏ xương và thay đổi vi cấu trúc xương cũng ảnh hưởng tới độ chắc khỏe của xương ở người tiểu đường. Đồng thời, các bệnh lý thần kinh, bệnh võng mạc và bệnh mạch não ở người tiểu đường cũng góp phần tăng nguy cơ ngã dẫn tới tình trạng gãy xương.

Các yếu tố tăng nguy cơ gãy xương bao gồm: tuổi cao, tiền sử gãy xương, dùng phác đồ corticoid, tiền sử gia đình có bố mẹ bị gãy xương hông, cân nặng thấp, hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức, viêm khớp dạng thấp, loãng xương thứ phát (ví dụ như ở người mãn kinh sớm, viêm gan mạn, suy dinh dưỡng, viêm đại tràng...)


Bệnh lý cơ xương khớp là một trong các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường
Bệnh lý cơ xương khớp là một trong các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường

2. Phòng ngừa và điều trị bệnh lý về xương ở người tiểu đường

2.1.Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống nhiều chất xơ, chất béo có lợi, bổ sung đầy đủ calci và vitamin D theo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ đối với từng người bệnh không chỉ giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết mà còn giảm thiểu nguy cơ các biến chứng của tiểu đường bao gồm bệnh cơ xương, bệnh thần kinh, bệnh võng mạc, các tai biến tim mạch như nhồi máu cơ timđột quỵ. Hạn chế đồ ăn uống ngọt, bao gồm các thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn, tăng sử dụng ngũ cốc nguyên hạt là một thói quen tốt ở bệnh nhân tiểu đường.

Đối với phụ nữ loãng xương sau mãn kinh, các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung 1200mg calci và 800 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Đối với phụ nữ tiền mãn kinh hoặc nam giới loãng xương, nên bổ sung 1000mg calci và 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Ưu tiên ít nhất một nửa lượng calci được cung cấp từ chế độ ăn uống do các chế phẩm bổ sung có thể gây tác dụng phụ nhiều hơn, đặc biệt là sỏi thận.

Tập thể dục thường xuyên, bao gồm các bài thể dục chịu lực và kéo giãn cơ thể phù hợp cũng sẽ hỗ trợ hệ cơ xương của bạn chắc khỏe hơn. Duy trì cân nặng hoặc giảm cân khi cần thiết luôn được khuyến cáo để giảm gánh nặng trên hệ xương. Bạn nên bỏ thuốc lá, tránh uống nhiều rượu và thực hiện các biện pháp để phòng ngã. Người cao tuổi nên được đánh giá nguy cơ ngã bởi nhân viên y tế và được gia đình hỗ trợ tối ưu trong việc phòng tránh ngã.

2.2. Kiểm soát đường huyết

Kiểm soát đường huyết tối ưu phù hợp với từng người bệnh sẽ được bác sĩ trao đổi và tư vấn cho bạn để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tụt đường huyết. Hạn chế việc đường huyết cao thường xuyên để giảm tiến triển đường hóa collagen và giảm biến chứng mạch máu nhỏ rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe hệ xương của bạn. Tuân thủ điều trị thuốc và tái khám định kỳ chính là chìa khóa giúp bạn kiểm soát đường huyết tối ưu.


Kiểm soát đường huyết để phòng ngừa và điều trị bệnh lý về xương ở người tiểu đường
Kiểm soát đường huyết để phòng ngừa và điều trị bệnh lý về xương ở người tiểu đường

2.3. Đánh giá và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa

Bạn nên đi khám định kỳ để được kiểm soát đường huyết tối ưu và đánh giá nguy cơ các biến chứng do tiểu đường, bao gồm bệnh lý về xương. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường, dù nhẹ nhất, bạn nên trao đổi ngay với bác sĩ điều trị trong những lần thăm khám để được rà soát và đánh giá, cũng như theo dõi cẩn trọng trong tương lai.

Trong trường hợp bạn đang dùng các thuốc có thể ảnh hưởng tới hệ xương, bác sĩ sẽ tư vấn và giữ liều dùng ở mức liều thấp nhất có hiệu quả và thời gian dùng thuốc ít nhất có thể.

2.4. Thuốc điều trị

Hiện các thuốc điều trị loãng xương trên bệnh nhân tiểu đường cũng tương tự như ở người không tiểu đường. Trên từng đối tượng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ đánh giá, cân nhắc và lựa chọn các loại thuốc khác nhau. Trước khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ trao đổi và tư vấn cho bạn.

Theo đó, bạn có thể được kê đơn một trong các thuốc thuộc nhóm thuốc chống hủy xương biphosphonate hoặc kháng thể đơn dòng hoặc hormon và các chất điều chỉnh hormon.

Bạn không nên tự ý dùng các thuốc này khi chưa được thăm khám, đánh giá và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa vì các thuốc đều có thể gây tác dụng không mong muốn đối với cơ thể của bạn. Tuân thủ điều trị khi được kê đơn và làm theo các hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ để tránh gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Trong khi dùng thuốc, nếu bạn cảm thấy bất kỳ khó chịu hoặc gặp phải bất kỳ biểu hiện bất thường nào hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe