Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Chấn thương sọ não là trạng người bệnh bị tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong hộp sọ do các nguyên nhân chấn thương đủ mạnh gây ra, có thể là ngã cao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, do xô xát, và có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Tại Hoa Kỳ: mỗi năm có khoảng 30 triệu người bị chấn thương phải vào các khoa cấp cứu điều trị.
Tại Việt Nam: chưa có số liệu thống kê chính thức trên toàn quốc được công bố. Theo thống kê của bộ Y Tế các năm từ 2010 đến 2020. Chấn thương sọ não là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
I. Chấn thương sọ não được phân chia như thế nào?
1.Sơ lược về giải phẫu liên quan đến tổn thương do chấn thương sọ não
- Hộp sọ gồm 2 phần chính là nền sọ và vòm sọ, nền sọ có 3 tầng là tầng sọ trước - giữa - sau. Tầng sọ trước được tạo bởi xương trán ở trước, xương sàng ở giữa, xương hốc mắt ở 2 bên. Tầng sọ giữa gồm hố yên ở chính giữa, 2 bên là hố thái dương và xoang hàm. Tầng sọ sau là hố tiểu não ở sau bên và xương chẩm, hố chẩm. còn vòm sọ là một hộp xương lớn, bên trong tiếp xúc với màng cứng và chứa 2 bán cầu đại não.
- Mặt ngoài của bán cầu đại não có 3 lớp màng, thứ tự từ ngoài vào là màng cứng, màng nhện và màng nuôi. Tạo nên các khoang là: khoang ngoài màng cứng, khoang dưới màng cứng, và khoang dưới nhện.
- Màng cứng phủ mặt trong hộp sọ, dính liền với xương ở liềm đại não, chỉ trừ một vùng mà dễ bóc tách là vùng thái dương đỉnh. Khi tổn thương xương sọ thường gây rách động mạch màng não giữa gây chảy máu làm bóc tách màng cứng ở chỗ thái dương đỉnh này. Màng cứng tách ra các vách: lều tiểu não, liềm đại não, lều tuyến yên.
- Màng nhện gồm 2 lá dính vào nhau, giữa màng cứng và màng nhện có khoang dưới màng cứng.
- Màng nuôi phủ lên mặt ngoài nhu mô não, có nhiều mạch máu, giữa màng nhện và màng nuôi là khoang dưới nhện chứa dịch não tủy.
2. Chấn thương sọ não được phân chia theo nhiều cách khác nhau
Phân chia theo độ xuyên thấu của chấn thương thì có chấn thương sọ não kín và chấn thương sọ não hở.
Phân chia theo mức độ nặng của chấn thương trên lâm sàng thì có 3 mức theo thang điểm Glasgow:
- Chấn thương sọ não nhẹ khi điểm Glasgow 12- 13 điểm
- Chấn thương sọ não vừa khi Glasgow 8-12 điểm
- Chấn thương sọ não nặng và rất nặng khi glasgow dưới 8 điểm
Hoặc có thể phân chia theo các tổn thương cụ thể của từng trường hợp như: chấn động não, máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, dập não...
Khi người bệnh bị chấn thương sọ não thì các triệu chứng và mức độ biểu hiện ban đầu của chấn thương sọ não ở mỗi bệnh nhân cụ thể là khác nhau nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ tổn thương sọ não do cơ chế chấn thương gây ra, cần phải được phát hiện ngay, phát hiện sớm, phát hiện đầy đủ để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh trong quá trình cấp cứu và điều trị tiếp theo tại bệnh viện.
II. Các triệu chứng lâm sàng sớm của chấn thương sọ não
Triệu chứng và biểu hiện của chấn thương sọ não thường biểu hiện qua hai giai đoạn là các tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát. Trong đó tổn thương nguyên phát là tổn thương có ngay sau tai nạn, ngay khi chấn thương sọ não xảy ra, là các tổn thương sớm nhất, bao gồm tổn thương ngay ở vị trí vật cứng đập vào đầu (khi đầu cố định) và tổn thương liên quan đến quán tính do hộp sọ bị lắc hoặc xoắn vặn (đầu di động).
Cơ chế sinh chấn thương sọ não nặng gồm đụng hay đập trực tiếp vào đầu. Tùy theo nơi bị đụng, tùy vận tốc của chấn thương và tùy theo tác nhân chấn thương sẽ đưa đến biến dạng hộp sọ hay đường nứt sọ và tổn thương bên trong sọ.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.