Hỏi
Chào bác sĩ,
Tôi bị tai nạn giao thông vùng đầu vào ngày 30/3/2021. Tôi có biểu hiện chóng mặt, choáng, và nôn đến nay. Tôi có đi chụp CT tại bệnh viện vào ngày 3/4/2021, được bác sĩ cho về điều trị tại nhà với 6 viên thuốc Paracetamol. Tuy nhiên, đến nay các triệu chứng trên vẫn còn, tôi có đi trạm xá đo huyết áp thì có kết quả là 144 mmHg. Bác sĩ cho tôi hỏi, chóng mặt kéo dài sau chấn thương vùng đầu thì phải làm sao?
Đoàn Thanh Bình (1990)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thanh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Chóng mặt kéo dài sau chấn thương vùng đầu thì phải làm sao?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân, có thể chia thành chóng mặt trung ương (chóng mặt gây ra do những tổn thương bên trong sọ não: như chảy máu trong não, màng não; tai biến mạch máu não; u não...) và chóng mặt ngoại biên (rối loạn tiền đình, sau chấn thương đầu mặt, viêm thần kinh tiền đình, các bệnh lý tai trong...). Dựa vào thông tin mô tả, bác sĩ cho rằng có khả năng bạn bị chóng mặt ngoại biên do chấn động não sau chấn thương đầu mặt (vì bạn đã chụp CT và loại trừ tình trạng chảy máu trong não).
Tuy nhiên, chấn thương đầu đôi khi vẫn xảy ra biến chứng chảy máu trong não nhiều tháng sau chấn thương (thường xảy ra ở người lớn tuổi). Do đó, nếu tình trạng chóng mặt của bạn vẫn kéo dài hoặc có khuynh hướng nặng hơn thì bạn nên đến khám chuyên khoa Thần kinh để được kiểm tra lại và có những tư vấn điều trị phù hợp hơn.
Nếu bạn còn thắc mắc về chóng mặt kéo dài, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.