Những điều cần biết về khai khí quản

Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương Nam - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hiện nay, ngày càng có nhiều bệnh nhân cả trong bệnh viện lẫn ngoài cộng đồng được đặt ống mở khí quản. Bài viết này giới thiệu sơ lược về thủ thuật mở khí quản, lợi ích, biến chứng, một số phương pháp thực hiện và phân biệt các loại ống mở khí quản.

1. Mở khí quản là gì?

Mở khí quản là thủ thuật mở da, cơ cổ để đưa dụng cụ (Canuyn) vào khí quản, tạo đường thông cho khí đi vào phổi mà không qua đường mũi họng để duy trì hô hấp. Mở khí quản được dùng trong 2 tình huống sau:

  • Cấp tính: là trường hợp cấp cứu để duy trì đường thở mà không thể đặt nội khí quản bằng đường miệng được như: Chấn thương vùng đầu mặt cổ, hen phế quản ác tính....
  • Mạn tính: thường sử dụng ở bệnh nhân thở máy trong thời gian dài.

Mở khí quản giúp đưa Canuyn vào khí quản
Mở khí quản giúp đưa Canuyn vào khí quản

2. Một số lợi ích của việc mở khí quản

Một vài những lợi ích tốt cho sức khỏe trong việc mở khí quản có thể kể đến như:

  • Giảm công thở: ống mở khí quản làm giảm đáng kể chiều dài đường thở so với ống nội khí quản dẫn đến công hô hấp được giảm đáng kể.
  • Bệnh nhân dễ chịu hơn: do có thể cử động vùng cổ, có thể ăn uống, phát âm ( Với Canuyn có cửa sổ)
  • Chăm sóc đường thở dễ dàng hơn: Mở khí quản giúp hút đàm nhớt ở vùng miệng, khí quản dễ hơn. Việc hút sạch đàm nhớt là yếu tố rất quan trọng để giảm nguy cơ viêm phổi cho người bệnh
  • Bệnh nhân được đặt ống mở khí quản sẽ dễ cai máy thở hơn, khi bệnh nhân ổn định có thể được điều trị ngoại trú tại nhà. Người bệnh vẫn có thể tự chăm sóc dược mở khí quản tại nhà.

3. Các biến chứng có thể có khi mở khí quản:

3.1 Biến chứng sớm : Trong vòng 1 tuần đầu

  • Chảy máu
  • Chấn thương dây thần kinh (thường là dây thần kinh quặt ngược thanh quản)
  • Chấn thương thực quản
  • Tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi
  • Ứ đọng các chất tiết, dẫn đến hít sặc và nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

3.2 Biến chứng muộn

  • Hẹp khí quản
  • Nhuyễn sụn khí quản
  • Viêm phổi tái diễn nhiều lần
  • Dò khí quản – thực quản, khí quản – da

4. Tiến trình mở khí quản

Có 2 phương pháp mở khí quản

  • Phẫu thuật mở khí quản
  • Mở khí quản xuyên da bằng phương pháp nong

4.1 Mở khí quản phẫu thuật

  • Bệnh nhân nằm ngửa, mê toàn thân
  • Vết mổ 2-3 cm từ vòng sụn thứ 2 của khí quản xuống
  • Tạo một lỗ giữa vòng sụn khí quản thứ 3 và 4
  • Đặt ống mở khí quản
  • Cố định ống mở khí quản

Mô phỏng kỹ thuật mở khí quản phẫu thuật
Mô phỏng kỹ thuật mở khí quản phẫu thuật

4.2 Mở khí quản xuyên da bằng phương pháp nong

Mở khí quản xuyên da bằng bộ nong là bộ dụng cụ với các ống nong tăng dần về kích thước (Từ nhỏ đến lớn) để tạo ra đường hầm (lỗ) vùng khí quản để đặt Canuyn mở khí quản. Chọc kim và có dây dẫn đường (guide wide) giữa vòng sụn khí quản thứ 1 và 2.

Lỗ mở khí quản được nong rộng dần dần bằng các cây nong với các kích thước khác nhau. Thủ thuật này có thể được làm ‘mù’ hoặc được làm dưới hướng dẫn của dụng cụ nội soi.


Bộ mở khí quản qua da bằng phương pháp nong
Bộ mở khí quản qua da bằng phương pháp nong

5. Các loại nòng mở khí quản

Bằng nhựa loại 1 nòng: ống bằng nhựa không có nòng trong và cần phải thay mỗi 5-7 ngày. Loại này có thể có bóng hoặc không có bóng chèn.

Loại 2 nòng: Nòng ngoài và nòng trong, nòng trong có thể lấy ra vệ sinh mỗi ngày, nòng trong còn có loại có cửa sổ để tập thở đường mũi cho người bệnh và người bệnh có thể nói được khi sử dụng mở khí quản loại này.


Một số loại nòng mở khí quản
Một số loại nòng mở khí quản

6. Vệ sinh mở khí quản

Các bước vệ sinh mở khí quản được thực hiện như sau:

  • Bệnh nhân được hút đờm thường xuyên khi xuất hiện đờm nhiều trong phổi, hoặc người bệnh có thể khạc đờm ra ngoài thông qua lỗ khai khí quản.
  • Thay băng, rửa vết mổ mở khí quản 1 lần mỗi ngày.
  • Quan sát tình trạng vùng da xung quanh mở khí quản khi thay băng, xem xét dấu hiệu vùng da xung quanh mở khí quản sưng, đỏ, chảy máu, chảy mủ...
  • Kiểm tra vị trí ống mở khí quản, kiểm tra dây cột mở khí quản được cột vừa vặn (nhét vừa 2 ngón tay), tái khám ngay khi thấy ống mở khí quản tụt hoặc rơi ra ngoài.
  • Kiểm tra màu sắc, tính chất đàm nhớt trong ống mở khí quản mỗi khi thay băng.
  • Nên dùng phổi giả “Bộ lọc không khí” để tạo độ ẩm cho không khí, tránh gây khô dẫn đến đờm đặc quánh khó khạc và vệ sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe