Làm gì khi bị viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản?

Viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng nguy hiểm và khó điều trị nếu không được chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, triệu chứng đau họng do trào ngược dạ dày thường dễ nhầm lẫn với đau họng thông thường, dẫn đến không được điều trị kịp thời và gây ra biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tình trạng này. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi các chất có trong dạ dày trào ngược lên thực quản và họng, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ợ hơi và cảm giác đau rát dọc theo xương ức.

Theo thời gian, tình trạng trào ngược liên tục có thể gây viêm niêm mạc thực quản, dẫn đến các vấn đề sức khỏe ở đường hô hấp trên như đau, sưng, viêm họng, viêm thanh quản. Các biến chứng lâu dài có thể bao gồm hơi thở có mùi, hẹp thực quản, loét thực quản và thậm chí là tiền ung thư thực quản.

Do đó, các loại thuốc điều trị dạ dày được bác sĩ tai mũi họng kê đơn chính là giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng viêm họng và viêm thanh quản, bắt nguồn từ căn nguyên trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân gây viêm họng.
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân gây viêm họng.

2. Phân biệt viêm họng thông thường và viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản

Viêm họng thông thường và viêm họng do trào ngược có thể gây nhầm lẫn do các triệu chứng tương tự nhau như khô họng, đau mắt, ngứa và cảm giác vướng ở họng. Tuy nhiên, viêm họng do trào ngược dạ dày thường kèm theo các dấu hiệu khác như:

  • Cồn cào ruột gan.
  • Nóng rát ở ngực sau xương ức.
  • Ăn không tiêu, đầy hơi, nấc liên tục, ợ chua, buồn nôn,...

Tuy nhiên, không phải ai cũng có dấu hiệu trào ngược như trên. Một số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác vướng và nghẹn ở cổ họng, ngực bị đau tức hoặc dễ khàn giọng khi phải nói to và nói nhiều.

Nếu nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, mọi người nên sớm đi khám để được chẩn đoán chính xác có phải đau họng do trào ngược dạ dày hay không và tránh tự điều trị tại nhà. 

Nóng rát ở ngực thường là triệu chứng đi kèm với viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản.
Nóng rát ở ngực thường là triệu chứng đi kèm với viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản.

3. Cách chữa trị và biện pháp phòng tránh bệnh đau họng do trào ngược dạ dày

3.1. Điều trị triệu chứng

  • Thuốc làm lỏng chất nhầy: Bromhexin, acetylcystein,...
  • Thuốc kháng viêm: Alphachymotrypsin, lysozyme,...
  • Thuốc chống dị ứng: Các thuốc kháng histamin như cetirizine, chlorpheniramine,...
  • Thuốc giảm ho: Thảo dược.

3.2. Điều trị nguyên nhân do trào ngược dạ dày

Tuy nhiên, viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày thực quản cần được điều trị tận gốc từ nguyên nhân trào ngược. Các yếu tố như ăn đồ có nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt có ga, sử dụng cà phê, trà, hoặc hút thuốc lá đều có thể làm tăng tình trạng trào ngược. Các loại thuốc điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:

  • Thuốc trung hòa acid: Giúp trung hòa acid dịch vị. Các thuốc thường dùng bao gồm: nhôm hydroxyd, magie hydroxyd
  • Thuốc kháng thụ thể H2: Kháng histamin H2 giảm tiết acid như cetirizin, clorpheniramin,...
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Ngăn chặn tiết acid tốt nhất: omeprazole, Lansoprazol, esomeprazole,... thường phù hợp cho trào ngược họng - thanh quản. 
Sử dụng thuốc để điều trị viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả.
Sử dụng thuốc để điều trị viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể khiến lượng axit trong dạ dày giảm, dẫn đến tình trạng thức ăn tiêu hóa kém và gây đầy chướng dạ dày. Điều này có thể làm tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, làm trào ngược vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, việc sử dụng thuốc chỉ là giải pháp tạm thời và không phải là biện pháp điều trị lâu dài.  

3.3. Điều trị tại viện

Ngoài những phương pháp điều trị nội khoa kể trên, bệnh nhân nên đến phòng khám để tìm ra chính xác nguyên nhân gây viêm họng và điều trị phù hợp. Quy trình điều trị đau họng do trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Khai thác bệnh sử và tiền sử gia đình để phát hiện triệu chứng khác với viêm họng thông thường.
  • Xem xét tình trạng tổn thương ở vùng hầu họng và xác định chính xác nguyên nhân viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản thông qua phương pháp nội soi họng và nội soi dạ dày.
  • Điều trị bằng thuốc theo theo dõi và chỉ định của bác sĩ.
  • Khi bệnh tiến triển nặng hoặc điều trị đau họng do trào ngược dạ dày bằng thuốc không mang lại hiệu quả sau một thời gian dài, phẫu thuật sẽ là lựa chọn cần thiết. Phẫu thuật nhằm tạo ra một van mới ở vùng cơ tâm vị để ngăn chặn dịch vị và thức ăn trào ngược lên thực quản và họng.

4. Biện pháp phòng tránh  

  • Tránh sử dụng những thực phẩm có khả năng kích ứng niêm mạc, như đồ uống chứa cồn và đồ uống có ga.
  • Hạn chế ăn quá no một lúc, đặc biệt là trước khi đi ngủ 3 giờ, cũng nên hạn chế ăn uống và nâng cao đầu khi ngủ để tránh tình trạng thức ăn trào ngược lên thực quản.
  • Cần từ bỏ hoặc giảm thiểu tối đa việc hút thuốc lá, kiểm soát trọng lượng cơ thể. Bên cạnh đó, tránh mặc quần áo quá chật để không gây áp lực lên vùng bụng, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn
Tránh những thực phẩm như đồ uống có cồn, ga để phòng viêm họng
Tránh những thực phẩm như đồ uống có cồn, ga để phòng viêm họng

Trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gây viêm họng mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như: khàn giọng do acid trào ngược lên thực quản, viêm thanh quản, chảy máu thực quản, loét thực quản, hẹp thực quản và thậm chí là ung thư thực quản.

Do đó, khi đau họng do trào ngược dạ dày hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh không nên tự ý điều trị mà cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe