Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khối u tuyến thượng thận lành tính là một khối u hiếm, thường không phải ung thư. Hầu hết các khối u tuyến thượng thận lành tính không gây ra triệu chứng và cũng không cần điều trị. Nhưng nếu khối u này tiết ra quá nhiều hormone sẽ gây ra một số tổn thương nghiêm trọng các cơ quan khác, đặc biệt là hệ thống tim mạch.
1. Triệu chứng của u tuyến thượng thận lành tính
Phần lớn người bệnh sẽ không cảm nhận hay có bất kỳ triệu chứng nào để phát hiện có khối u lành tính trong tuyến thượng thận. Người bệnh chỉ được chẩn đoán khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám vì bệnh khác.
Mặc dù u tuyến thượng là một khối u hiếm, thường không phải ung thư; tuy nhiên nó vẫn có khả năng chuyển thành ung thư, việc chẩn đoán giữa u tuyến thượng thận lành tính và khối u ung thư khá khó. Do đó, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm nước tiểu, máu để đánh giá mức độ hormone của người bệnh và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
1.1 Khối u ở vỏ thượng thận
Người bệnh sẽ có các triệu chứng dựa vào loại hormone mà khối u tạo ra, như:
- Nếu có quá nhiều aldosterone, người bệnh sẽ mắc hội chứng Conn gây ra huyết áp cao, nồng độ kali thấp, yếu và chuột rút và các vấn đề khác.
- Quá nhiều cortisol dẫn đến hội chứng Cushing gây ra các triệu chứng như to vùng bụng, mặt tròn và các vết rạn màu hồng hoặc tím, dễ thay đổi tâm trạng và nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
- Quá nhiều hormone giới tính, người bệnh sẽ gặp các vấn đề khác nhau phụ thuộc vào giới tính của người bệnh. Ở phụ nữ, quá nhiều testosterone có thể gây ra vấn đề như không có kinh nguyệt và hói đầu. Ở nam giới, quá nhiều estrogen làm giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương cứng.
1.2 Khối u ở tủy thượng thận
Loại khối u này được gọi là u tủy thượng thận, đây là bệnh hiếm và thường không phải ung thư. Trong trường hợp này, khối u sản xuất quá epinephrine hoặc norepinephrine tiết vào trong máu gây ra tăng huyết áp, mặt đỏ bừng hoặc ra mồ hôi, đau đầu và tim đập nhanh.
2. Chẩn đoán u tuyến thượng thận lành tính
Ngoài khám thể chất và hỏi về các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh tật, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau đây để chẩn đoán u tuyến thượng thận:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) và/hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
Các xét nghiệm đánh giá nồng độ của một số hormone trong máu hoặc nước tiểu được sử dụng để xác định xem u tuyến thượng thận có hoạt động hay không. Ngoài ra, một số người bệnh có thể cần sinh thiết khối u để xác định chẩn đoán.
Xét nghiệm di truyền thường không được chỉ định cho người bị khối u tuyến thượng thận, vì hầu hết các khối u này xảy ra tình cờ và không phải do đột biến gen. Tuy nhiên, xét nghiệm di truyền có thể được chỉ định cho những người mắc bệnh di truyền làm tăng nguy cơ mắc u tuyến thượng thận, như bệnh lý di truyền đa u tuyến nội tiết type 1 (Multiple Endocrine Neoplasia Type 1, MEN1) và hội chứng polyp gia đình (Familial adenomatous Polyposis).
3. Điều trị u tuyến thận lành tính
Các phương pháp điều trị tốt nhất cho u tuyến thượng thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả liệu khối u có hoạt động hay không. Những người có u tuyến thượng thận nhưng không giải phóng hormone (không hoạt động) thường không cần điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, họ vẫn cần theo dõi thường xuyên bằng khám sức khỏe định kỳ để xác định xem khối u có phát triển hay không và để đảm bảo rằng nó không bắt đầu sản xuất hormone.
Mổ u tuyến thượng thận là phương pháp điều trị bằng phẫu thuật phổ biến trong trường hợp khối u có hoạt động. Loại bỏ khối u thường giải quyết được các tình trạng do hậu quả của tăng tiết hormon tuyến thượng thận, như cường aldosteron tiên phát, hội chứng Cushing). Trong một số trường hợp, u tuyến thượng thận có hoạt động có thể được điều trị bằng các loại thuốc nhằm ngăn chặn hoạt động tăng tiết hormon hoặc làm giảm mức độ hormone được sản xuất thừa.
Mổ nội soi u tuyến thượng thận là một kỹ thuật khó, do u nằm sau trong phúc mạc, vị trí nằm giữa gan, thận và các mạch máu lớn, các cách mạch máu của tuyến thượng thận đổ trực tiếp vào tĩnh mạch chủ. Do đó, đòi hỏi cơ sở y tế cần trang bị kỹ thuật tiên tiến, bác sĩ thực hiện phải cần chuyên môn, kinh nghiệm và tay nghề cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com và Mayoclinic.org