Điều trị ống tủy răng (nội nha) là một tiến trình y khoa nhằm điều trị tình trạng viêm nhiễm tại phần trung tâm của răng. Hình thức chữa trị này sẽ không gây ra quá nhiều đau đớn và có thể giúp bệnh nhân giữ lại răng mà không cần phải thay thế chúng bằng răng giả.
1.Tại sao điều trị tủy răng rất cần thiết?
Sự viêm nhiễm ở phần tủy răng (nằm bên trong ngà răng) thường bị gây ra bởi sự tấn công của các loại vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng.
Tình trạng này thường xảy ra khi:
- Răng của bệnh nhân bị sâu
- Lớp trám răng bị nứt và rò rỉ
- Răng bị thương tổn do té ngã và các nguyên nhân khác
Để tìm hiểu sự cần thiết của điều trị tủy, đầu tiên, chúng ta cần hiểu về cấu tạo răng và tại sao phải điều trị tuỷ
a. Cấu trúc của răng
Răng được cấu tạo từ hai phần chính: thân răng (biểu hiện ra ngoài khoang miệng), là nơi chịu tác động chính cho việc nhai, cắn; chân răng (nằm bên trong nướu), giúp cố định răng vào xương hàm.
Răng còn bao gồm các thành phần khác như:
- Men răng - lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài răng
- Ngà răng - lớp chất mềm hơn men răng và có trách nhiệm củng cố men răng và tạo hình cho răng
- Xương răng - một lớp tế bào cứng giúp bao phủ chân răng
- Lớp tủy răng - lớp mô thần kinh và mạch máu có vị trí tại trung tâm của răng
Hệ thống ống tủy của răng là khoảng không gian chứa tủy răng chạy dọc từ phần trong của thân răng đến chân răng. Một răng riêng biệt có thể chứa nhiều hệ thống ống tủy răng.
b. Khi nào thì hình thức điều trị ống tủy răng được áp dụng?
Hình thức điều trị này sẽ được bác sĩ áp dụng cho bệnh nhân khi việc chụp tia X cho thấy phần tủy của răng đã và đang bị tổn thương bởi sự xâm nhập của vi khuẩn.
Tủy răng (ở thân răng) sẽ bắt đầu hoại tử nếu cường độ tấn công của vi khuẩn không suy giảm và ngày một lan rộng.
Các triệu chứng xuất hiện khi tủy răng bị viêm nhiễm gồm có:
- Cảm giác đau đớn khi sử dụng thực phẩm và đồ uống nóng, lạnh
- Cảm giác đau nhức khi cắn và nhai ở vùng răng bị ảnh hưởng bởi viêm nhiễm
- Răng lung lay
Khi thực trạng viêm nhiễm ở răng (sâu răng) diễn tiến nặng, các triệu chứng trên sẽ ngừng xuất hiện báo hiệu cho việc vùng tủy răng này đã hoàn toàn chết.
Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy như răng đã tự lành nhưng thực chất thì tiến trình viêm nhiễm đã lan đến hết hệ thống tủy ở chân răng.
Tiếp đó sẽ là sự xuất hiện của các triệu chứng như:
- Các cơn đau nhức răng khi cắn hoặc nhai quay trở lại
- Vùng nướu gần răng sâu trở nên sưng tấy
- Răng sâu rò rỉ ra dịch mủ
- Mặt sưng vù
- Răng trở nên tối màu
Việc gặp bác sĩ sẽ trở nên rất cấp thiết nếu răng của bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu đau. Nếu răng bị nhiễm trùng, tủy sẽ không thể tự hồi phục.
Nếu răng sâu không được chữa trị hoặc nhổ bỏ thì tình trạng sẽ ngày một nặng thêm. Điều này sẽ khiến cho tỉ lệ thành công của hình thức điều trị tủy răng giảm đi khi tình trạng viêm nhiễm lan sang răng khác.
Các loại thuốc kháng sinh sẽ không hiệu quả trong việc điều trị tủy răng.
2.Cách tiến hành điều trị tủy răng
Để hình thức điều trị này đạt hiệu quả, vi khuẩn trong răng cần được loại bỏ bằng một trong hai cách sau:
- Loại bỏ vi khuẩn ở hệ thống tủy răng (điều trị tủy răng)
- Nhổ bỏ hẳn răng sâu
Cách thức nhổ bỏ răng sâu thường ít được khuyến nghị bởi bác sĩ bởi vì việc giữ được răng tự nhiên là rất tốt cho bệnh nhân.
Sau khi vi khuẩn trong răng được tẩy sạch, răng sẽ được lấp lại và bác sĩ sẽ tiến hành trám răng hoặc bọc mão răng.
Ở đại đa số các trường hợp, phần nướu sưng ở quanh răng sâu sẽ tự lành.
Trước khi tiến hành hình thức điều trị tủy răng, bác sĩ thường gây tê cục bộ cho bệnh nhân. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình điều trị sẽ không quá gây đau đớn hoặc khó chịu.
Đây là một hình thức điều trị thương tổn tủy răng có tỉ lệ thành công cao đến hơn 90 phần trăm. Răng có thể duy trì khả năng hoạt động ổn định đến hơn 10 năm sau khi được điều trị bằng hình thức này.
3.Quá trình điều trị này thường sẽ được chia thành hai hoặc nhiều hơn đợt điều trị
Bệnh nhân sẽ phải tự mình chi trả cho hình thức điều trị này nếu chưa đăng ký bảo hiểm nha khoa.
a. Chuẩn bị
Trước khi bắt đầu tiến trình điều trị tủy răng, bác sĩ có thể chụp tia X răng bị viêm nhiễm để có một cái nhìn thấu đáo về hệ thống tủy của răng và từ đó đánh giá mức độ thương tổn.
Hình thức điều trị này thường đi kèm với việc gây tê cục bộ cho bệnh nhân nhằm giảm thiểu đau đớn trong suốt quá trình thực hiện, đặc biệt là tại vùng răng sâu (bị viêm nhiễm) và phần nướu xung quanh.
Trong một số trường hợp khi mà bệnh nhân đã mất cảm giác ở răng sâu thì việc gây tê cục bộ là không cần thiết.
b. Loại bỏ vùng tủy răng bị hoại tử
Bác sĩ sẽ đặt một gạc thấm xung quanh răng sâu để đảm bảo sự khô ráo xuyên suốt quá trình điều trị.
Bông gạc còn giúp ngăn ngừa trường hợp bệnh nhân nuốt phải các hóa chất mà Bác sĩ sử dụng trong lúc tiến hành việc điều trị.
Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc khoan mở đường vào tủy răng ở trung tâm của răng và sau đó sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ hết phần tủy răng bị hoại tử.
Bác sĩ đồng thời có thể hút phần dịch mủ trong áp-xe nếu xuất hiện tình trạng sưng mủ này.
c. Việc làm sạch và trám ống tủy răng
Sau khi phần tủy chết đã được loại bỏ, bác sĩ sẽ làm sạch và trám lại ống tủy răng
Ống tủy răng thường sẽ rất hẹp và rất khó để trám. Chính vì thế, bác sĩ sẽ sử dụng các giũa có kích thước nhỏ để mở rộng các đường tủy và đưa chúng về hình dáng bình thường để có thể tiến hành trám bít.
Quá trình này thường tiêu tốn hàng giờ liền và cần được chia thành nhiều đợt.
Răng cửa và răng nanh thường chỉ chứa một ống tủy trong một chân răng. Trong khi đó, răng cối nhỏ và răng cối lớn thường có từ 2 đến 3 chân răng và mỗi chân răng chứa 1 hoặc 2 ống tủy.
Răng càng có nhiều chân càng tốn thời gian thực hiện
Nếu quá trình điều trị tủy răng cần phải được thực hiện trong nhiều đợt, bác sĩ có thể đưa một lượng thuốc nhỏ vào trong phần ống tủy đã được làm sạch để loại bỏ hẳn lượng vi khuẩn.
Sau đó răng sẽ được bọc một lớp trám tạm thời.
Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng do tình trạng viêm nhiễm như sốt hoặc sưng nướu, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc kháng sinh.
d. Việc trám và sửa chữa răng
Vào đợt khám tiếp theo của bệnh nhân, bác sĩ sẽ loại bỏ lớp trám tạm thời và thuốc để tiến hành sử dụng lớp trám lâu dài để lấp ống tủy răng. Việc làm này sẽ giúp bao bọc ống tủy răng và ngăn ngừa tình trạng tái viêm nhiễm.
Các răng có chân răng được trám thường sẽ dễ bị hư hại hơn so với răng tự nhiên chưa bị tác động. Vì vậy, bác sĩ có thể khuyến nghị cho bệnh nhân việc đặt mão răng để bảo vệ chúng.
Trong một số trường hợp, răng có chân răng được trám sẽ trở nên tối màu do tủy răng đã chết hoặc do bị tác động với lực mạnh.
Có một số cách để giúp loại bỏ tình trạng mất màu nguyên bản của răng, chẳng hạn như tẩy trắng răng bằng các chất hóa học.
e. Việc đặt mão cho răng
Mão là một lớp bao bọc phần thân răng, giúp bảo vệ răng đã qua điều trị tủy khỏi tình trạng nứt vỡ.
Thành phần của các loại mão cho răng thường là:
- Kim loại hoặc sứ (đôi khi là cả hai)
- Vật liệu gốm ceramic
- Bột kính
Bác sĩ sẽ mài nhỏ kích thước răng để tiến hành bọc mão. Mão sẽ được ước lượng bằng việc đúc khuôn để đảm bảo kích thước chính xác khi được bọc vào răng. Chất kết dính sẽ được sử dụng để củng cố độ bền chắc của răng và mão. Nếu răng đã bị gọt đẽo quá nhiều sau khi điều trị tủy răng, một đinh ốc sẽ được cố định vào chân răng bằng chất kết dính để giữ cho mão nằm đúng vị trí.
4.Khả năng thành công của biện pháp điều trị ống tủy răng
Biện pháp điều trị ống tủy răng thường có tỉ lệ thành công cao trong việc giữ lại răng tự nhiên và làm sạch toàn bộ phần viêm nhiễm. Có khoảng 9 trên 10 răng trải qua biện pháp điều trị trên có khả năng duy trì ổn định từ 8 đến 10 năm. Đối với những răng được bọc mão sau khi trải qua biện pháp điều trị ống tủy răng thì khả năng duy trì ổn định của chúng sẽ được gia tăng.
Răng sẽ trở nên chắc khỏe hơn nữa nếu bệnh nhân thực hiện hình thức vệ sinh răng miệng đúng cách. Bên cạnh đó, tuổi thọ của răng sau khi trải qua biện pháp điều trị ống tủy cũng phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Phần răng tự nhiên còn lại sau trị liệu (răng thường sẽ bị đục đẽo để thực hiện quá trình trị liệu)
- Việc vệ sinh răng miệng của bệnh nhân
- Cường độ sử dụng răng của bệnh nhân
Phương pháp điều trị ống tủy răng vẫn có thể được lặp lại nếu tình trạng viêm nhiễm tiếp tục tái diễn. Trong trường hợp răng vẫn bị viêm nhiễm sau khi trải qua trị liệu, bác sĩ có thể đề xuất một hình thức chữa trị nhỏ có tên phẫu thuật cắt bỏ cuống chân răng để đặt dấu chấm hết cho tình trạng này.
5.Bình phục sau khi điều trị ống tủy răng
Việc chăm sóc răng sau khi trải qua trị liệu là rất quan trọng. Bệnh nhân nên tránh việc sử dụng thực phẩm cứng cho đến khi quá trình trị liệu được hoàn tất. Răng, sau khi được điều trị ống tủy, sẽ không còn gây đau nhức mặc dù có thể gây cảm giác cộm trong một vài ngày.
Thuốc giảm đau hoặc chống viêm như paracetamol và ibuprofen có thể được sử dụng để làm giảm các cảm giác khó chịu hậu trị liệu.
Bệnh nhân có thể quay trở lại phòng khám nha khoa để kiểm tra nếu vẫn cảm thấy đau và sưng nhức sau khi đã sử dụng thuốc giảm đau.
Phòng tránh việc viêm nhiễm răng miệng tái diễn trong tương lai bằng cách:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách
- Không ăn quá nhiều thực phẩm có đường
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: nhs.uk