Bị bệnh gút có ăn được thịt lợn, gà, bò không?

Theo những số liệu ghi nhận được tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh gout ngày càng tăng cao và trẻ hóa, do những thói quen ăn uống không hợp lý, chế độ ăn nhiều chất đạm và thói quen sinh hoạt không khoa học. Vậy người bị bệnh gút có ăn được thịt lợn không?

1. Bệnh gout là bệnh gì?

Gout là một bệnh viêm khớp nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa thường gặp, có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống. Khi thận không thể lọc acid uric trong máu để thải ra bên ngoài, bệnh gout có thể xảy ra. Khi acid uric tích tụ đến nồng độ cao sẽ có sự lắng đọng tạo thành các tinh thể acid uric hoặc tinh thể muối urat natri, nếu có sự tập trung ở các khớp sẽ khiến khớp bị viêm và sưng đau.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị bệnh gout

Trong quá trình điều trị bệnh hay trước nguy cơ bùng phát bệnh, chế độ ăn đóng một vai trò rất quan trọng. Người bệnh đa phần không thể tránh khỏi sự lo lắng khi phần lớn các loại thực phẩm phổ biến dùng hàng ngày đều có chứa nhiều hàm lượng purinefrustose. Tuy nhiên, vẫn có một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng các chất này rất thấp, vì vậy bệnh nhân có thể sử dụng mà không cần phải quá kiêng khem, như:

  • Các loại cá sông (cá diêu hồng, cá chép), cá đồng, các loại thịt trắng (ức gà), ... có chứa hàm lượng purine thấp, vẫn có thể được sử dụng để cung cấp lượng đạm cần thiết mỗi ngày cho cơ thể, hàm lượng đạm được khuyến cáo sử dụng là từ 50 đến 100 gam protein/ ngày.
  • Tinh bột (bún, gạo, phở, bánh mì, ngũ cốc, khoai, ...) được xem là những loại thực phẩm thiết yếu của mỗi người, kể cả người đang bị bệnh gout. Ngoài việc tinh bột chứa hàm lượng purine ở mức an toàn, nó còn giúp hòa tan được lượng acid uric có trong nước tiểu.
  • Bổ sung các loại trái cây, rau xanh để giúp đào thải lượng acid uric có trong máu như cherry, súp lơ, cải bẹ xanh, ...
  • Giảm bớt lượng chất béo tiêu thụ vào cơ thể bằng cách sử dụng các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật như dầu lạc, dầu ô liu, dầu mè, ...
  • Nên thực hiện chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp, hạn chế tối đã các món nướng, chiên, xào nhiều dầu mỡ.

Ngoài ra, người bị bệnh gout cần kiểm soát cân nặng của bản thân và đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc chế độ ăn trong quá trình điều trị bệnh:

  • Năng lượng: 30 – 35 Kcal/ kg cân nặng/ ngày
  • Protein (chất đạm): 0,8 gam/ kg cân nặng/ ngày
  • Lipid (chất béo): 18 – 25% nhu cầu năng lượng hàng ngày
  • Lượng nước: 430 ml/ kg cân nặng/ ngày
  • Lượng muối: không sử dụng vượt quá 5 gam/ ngày.

3. Bị bệnh gút có ăn được thịt lợn, gà, bò không?

3.1. Bệnh gout có ăn được thịt gà không?

Thịt gà là một loại thịt có nhiều nạc, có giá trị dinh dưỡng cao, tuy nhiên người bệnh bị bệnh gout cần phải biết cách bổ sung hợp lý.

Thịt gà có chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể như vitamin nhóm B, chất chống oxy hóa, phốt pho và selen. Không giống như thịt đỏ, người bệnh gout có thể sử dụng thịt gà tùy theo hàm lượng purine và giá trị dinh dưỡng giữa các bộ phận như cánh gà, đùi gà và ức gà. Để xác định là một loại thực phẩm giàu purine hay không, có thể dựa vào hàm lượng purine có trong 100 gam thực phẩm. Thực phẩm giàu purine có tổng hàm lượng purin từ 150 – 1000 mg/ 100 gam. Ở thịt gà, tùy vào mỗi bộ phận sẽ có hàm lượng purine khác nhau như: hàm lượng purin trong gan (300 mg) cao nhất, mông (68,8 mg) thấp nhất, ở chân (122,9 mg) và cánh (137,5 mg).

Vì vậy, người bệnh gout có thể sử dụng thịt gà, tuy nhiên cần chọn lựa thịt ở các bộ phận thích hợp, ăn với lượng vừa phải và khi chế biến nên loại bỏ phần da, vì nó có chứa nhiều purine và cả những chất béo không lành mạnh.

3.2. Bệnh gout có ăn được thịt lợn không?

Trong nguyên tắc chế độ ăn dành cho bệnh nhân gout, người bệnh cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa hàm lượng purine cao, trong đó có thịt đỏ. Thịt lợn và thịt bò đều thuộc trong nhóm thịt đỏ. Các thông tin dưới đây có thể trả lời được cho câu hỏi trên và tương tự cho câu hỏi: Bệnh gút có ăn được thịt bò không?

Nhu cầu protein là không quá 1 gam/ kg cân nặng/ ngày, đạm động vật và các loại đậu đỗ không nên ăn quá 100 gam/ ngày. Người bị bệnh gout vẫn cần phải bổ sung đủ lượng đạm theo nhu cầu năng lượng mỗi ngày, trong đó bao gồm cả đạm từ động vật và các loại đậu đỗ. Việc lựa chọn các loại thực phẩm thay thế trong các bữa ăn còn phụ thuộc vào lượng purin có trong 100 gam thực phẩm đó.

Các loại thực phẩm có lượng đạm tương đương như: 100 gam thịt = 180 gam đậu phụ = 100 gam tôm = 100 gam cá = 70 gam lạc hạt.

Đối với thịt lợn, trong 100 gam thịt lợn có chứa 150 – 200 mg purine, vì vậy ngưỡng an toàn sử dụng chỉ nên dùng với tần suất từ 2 đến 3 lần/ tuần và mỗi lần chỉ từ 30 – 50 gam/ ngày. Người bệnh nên sử dụng tương tự đối với thịt bò.

4. Thói quen tốt cho bệnh nhân gout

Khi người bệnh mắc phải bệnh gout, bên cạnh thực hiện nghiêm túc chế độ ăn là điều vô cùng quan trọng thì việc xây dựng thói quen tốt cũng góp phần giúp bệnh nhân có thể chung sống hòa bình hơn với căn bệnh này, có những điểm cần lưu ý như sau:

  • Giảm cân: Việc thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh gout, vì khi cân nặng dư thừa, có thể sẽ kháng với Insulin nhiều hơn, trong những trường hợp này, cơ thể của người bệnh không thể sử dụng Insulin đúng cách để loại bỏ đường ra khỏi máu. Nên việc kháng Insulin cao sẽ khiến cho việc thúc đẩy nồng độ acid uric cao. Người bệnh cần phải tiến hành giảm cân một cách khoa học, xây dựng chế độ ăn hợp lý, tránh tình trạng sụt cân quá nhanh khiến cho cơ thể có thể gặp các cơn gout nhanh hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp người bệnh duy trì được một cân nặng hợp lý, giữ cho nồng độ của acid uric trong máu ở mức thấp.
  • Uống đủ nước: Việc cung cấp đủ lượng nước hàng ngày có thể giúp người bệnh giảm được nguy cơ mắc bệnh gout. Uống nhiều nước giúp hàm lượng acid uric đang dư thừa trong máu được loại bỏ và thải ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu. Ngoài ra uống đủ nước có thể giúp cung cấp nước cho cơ thể khi có nguy cơ thiếu nước do mất qua mồ hôi trong quá trình tập luyện thể dục thể thao.
  • Bổ sung vitamin C: Việc bổ sung Vitamin C đã có các nghiên cứu cho thấy có thể hỗ trợ thận loại bỏ nhiều lượng acid uric có trong nước tiểu, giúp ngăn ngừa các cơn gout có thể xuất hiện.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích: Cần tránh hoặc hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có cồn khác để có thể tránh việc tích tụ acid uric trong cơ thể và hình thành các tinh thể rắn trong các khớp.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Bị bệnh gút có ăn được thịt lợn, gà, bò không?”. Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào, người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe