Bệnh thận và các nguyên nhân gây sưng phù ngón tay

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Có nhiều nguyên nhân gây sưng phù ngón tay, trong đó bệnh về thận là một trong những nguyên nhân được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, người bị sưng phù ngón tay cần dựa vào các đặc điểm khác như các triệu chứng kèm theo, tiền sử bệnh để có các lựa chọn thăm khám, điều trị phù hợp.

1. Ngón tay sưng phù do giữ nước

Giữ nước xảy ra khi chất lỏng tích tụ quá mức trong các mô hoặc khớp. Dấu hiệu để nhận biết là ngón út sưng phù, khó tháo nhẫn. Nó thường xảy ra sau các bữa ăn mặn. Tuy nhiên, nếu bàn tay và ngón tay bị phù kéo dài, bạn nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tật nào đó.

2. Tập thể dục và nhiệt độ cao

Tim, phổi và cơ bắp hoạt động mạnh trong quá trình tập thể dục. Do đó, máu được dồn về những cơ quan này thay vì các ngón tay. Các mạch máu nhỏ phản ứng với sự thay đổi này bằng cách mở rộng mạch máu khiến ngón tay bị sưng.

Hiện tượng này cũng tương tự với nhiệt độ cơ thể tăng lên trong thời tiết nắng nóng. Để hạ nhiệt, các mạch máu trên da phồng lên để nhiệt thoát ra khỏi bề mặt. Đây là phản ứng sinh lý hoàn toàn bình thường của cơ thể.

3. Thương tật

Sưng ngón tay có thể xảy ra trong trường hợp bị bong gân ngón tay, trật khớp ngón tay, gãy xương ngón tay.

Nếu vết thương không nặng thì bạn có thể thực hiện chườm đá, nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn để hỗ trợ hồi phục vết thương. Trong trường hợp nặng, ngón tay không thể duỗi ra, sốt hoặc rất đau, bạn cần đi khám ngay.


Thương tật bong gân ngón tay có thể khiến ngón tay người bệnh sưng phù
Thương tật bong gân ngón tay có thể khiến ngón tay người bệnh sưng phù

4. Nhiễm trùng

Ba loại nhiễm trùng có thể gây sưng ngón tay là:

  • Herpetic whitlow: Bệnh làm xuất hiện các mụn nước nhỏ, sưng ngón tay.
  • Paronychia: Bệnh gây nhiễm trùng ở móng do vi khuẩn hoặc nấm.
  • Felon: Bệnh gây nhiễm trùng ở đầu ngón tay, gây chảy mủ và đau đớn

Nhiễm trùng ngón tay có thể lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể nếu không được điều trị sớm.

5. Viêm khớp

Viêm khớp dạng thấp (RA) ảnh hưởng đến lớp niêm mạc của khớp gây sưng, đau và cứng khớp. Các triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên ở các khớp bàn tay và thường ảnh hưởng đến cả hai tay.

Viêm khớp vẩy nến có thể ảnh hưởng đến những người bị bệnh vẩy nến. Bệnh có thể gây sưng tấy ở ngón tay và ngón chân.

Cả hai loại viêm khớp đều nghiêm trọng, có thể gây tổn thương khớp và các vấn đề cơ thể khác nếu không được điều trị.

6. Bệnh Gout

Bệnh gout thường xảy ra ở người có chế độ ăn giàu thịt, hải sản và rượu. Bệnh thường gây sưng đau ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể gây sưng khớp ngón tay.

Sưng đau khớp xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong máu, tạo thành các tinh thể lắng đọng trong khớp. Sử dụng thuốc điều trị có thể giúp làm dịu cơn đau và ngăn ngừa sưng đau nhiều hơn.

7. Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây sưng đau ngón tay bao gồm:

Ngón tay sưng do dùng thuốc thường không phải là một tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu cảm thấy lo lắng.

8. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay làm các dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép gây đau, ngứa ran, tê tay và sưng phù ngón tay. Bệnh thường xảy ra ở những người làm công việc phải cử động tay nhiều lặp đi lặp lại. Hội chứng có thể điều trị mà không gây tổn thương lâu dài.


Hội chứng ống cổ tay có thể gây đau, ngứa ran hoặc sưng phù ngón tay
Hội chứng ống cổ tay có thể gây đau, ngứa ran hoặc sưng phù ngón tay

9. Ngón tay lò xo

Ngón tay lò xo có thể khiến ngón tay sưng lên. Bệnh thường xảy ra khi bị viêm gân và sau phẫu thuật hội chứng ống cổ tay, phổ biến hơn ở người bị RA hoặc tiểu đường. Ngón tay lò xo có thể tự hồi phục. Nếu bệnh nặng hơn, bạn cần đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị.

10. Bệnh thận

Thận có chức năng loại bỏ các chất độc hại và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bất ổn về chức năng thận là sưng ngón tay, bàn chân và xung quanh mắt. Những người có tiền sử tiểu đường, cao huyết áp dễ mắc bệnh thận hơn. Kiểm soát các triệu chứng sưng nề để bảo vệ thận và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Nếu thận hoạt động kém, cấy ghép và lọc máu sẽ được chỉ định để điều trị.

11. Thai kỳ

Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối có thể bị sưng ngón tay, mắt cá chân và bàn chân. Bạn nên chú ý triệu chứng sưng đột ngột ở tay và mặt, vì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Người bị tiền sản giật cần được theo dõi sát đến ngày sinh với triệu chứng là huyết áp cao, sưng phù, đôi khi có đau đầu, đau bụng và khó nhìn.

12. Bệnh hồng cầu hình liềm

Hồng cầu hình liềm là hiện tượng tế bào hồng cầu cứng, có hình lưỡi liềm thay vì mềm và giống hình chiếc bánh rán. Các tế bào hồng cầu với cấu trúc bất thường này dễ bị mắc kẹt ở các mạch máu nhỏ gây tắc mạch. Nếu tắc mạch ở bàn tay và bàn chân, nó có thể gây sưng đau.

Bệnh hồng cầu hình liềm còn có thể gây nhiễm trùng, thiếu máu, đột quỵ và mù lòa. Đây là bệnh không điều trị dứt điểm được, do đó, người bệnh phải chung sống suốt đời với căn bệnh này.

13. Phù bạch huyết

Phù bạch huyết có thể là tác dụng phụ của điều trị ung thư. Trong đó, phù ngón tay thường do điều trị ung thư vú vì người bị ung thư vú thường phải cắt bỏ các hạch bạch huyết ở nách. Điều này gây rối loạn dòng bạch huyết, dẫn đến sưng cánh tay và bàn tay.

14. Bệnh Raynaud

Raynaud là bệnh hiếm gặp gây ảnh hưởng đến các mạch máu ở ngón tay và ngón chân. Bệnh khiến mạch máu thu hẹp lại khi bị lạnh hoặc căng thẳng, gây đau và thiếu máu đến các ngón tay.

Khi các mạch máu mở ra và lưu thông trở lại, ngón tay có thể đau nhói và sưng lên. Trong những trường hợp nghiêm trọng, thiếu máu lưu thông có thể gây lở loét hoặc thậm chí làm chết các mô tế bào.


Hình ảnh tay người mắc bệnh Raynaud
Hình ảnh tay người mắc bệnh Raynaud

15. Bệnh xơ cứng bì

Bệnh xơ cứng bì làm dày và cứng lớp da do tăng tiết collagen. Đối với làn da ở tay, bệnh có thể gây xơ cứng bàn tay và sưng phồng các ngón tay. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh xơ cứng bì có thể điều trị được.

Sưng phù ngón tay có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý, vì thế khi có các triệu chứng bất thường, đồng thời có tiền sử bệnh thận, người bệnh nên sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám sức khỏe tổng quát để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và can thiệp khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe