Dứa là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày với nhiều phương pháp chế biến khác nhau. Vậy thật sự ăn dứa có tốt cho sức khỏe không và tác dụng mà nó mang lại là gì? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây.
1. Quả dứa có tác dụng gì?
Mặc dù có vỏ bề ngoài thô ráp, nhưng bên trong quả dứa chứa đựng một lượng lớn vitamin C. Đây là loại vitamin không những giúp cơ thể nâng cao đề kháng, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng mà còn có khả năng điều trị một số bệnh đường hô hấp.
Mặc khác, tác dụng chống oxy hóa của dứa còn nhờ vào thành phần flavonoid, axit phenolic và vitamin C giúp giảm nguy cơ phát triển một số bệnh mạn tính và ung thư.
Ngoài việc cung cấp cho cơ thể hàm lượng lớn vitamin C, dứa còn đem lại các công dụng khác như sau:
- Giúp cho xương phát triển bền vững: Trong dứa có chứa khoáng chất mangan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa thức ăn, đông máu và giúp cho xương khớp chắc khỏe. Một cốc nước dứa có thể bao gồm nửa lượng mangan mà cơ thể cần thiết mỗi ngày. Ngoài ra, khoáng chất này cũng có trong ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng và hạt tiêu đen.
- Giữ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh: Dứa là nguồn thực phẩm duy nhất được biết đến của bromelain- hợp chất kết hợp của các enzyme tiêu hóa protein. Điều này giải thích cho lý do tại sao dứa hoạt động như một chất giúp làm mềm thịt vì nó chứa bromelain có tác dụng phá vỡ các cấu trúc protein. Do đó, bromelain giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ thức ăn dễ dàng hơn.
- Giảm ho: Trong dứa có chứa chất bromelain có tác dụng giảm ho. Tuy đây không phải là phương pháp chữa ho phổ biến và được nhiều người dùng đến nhưng nó có thể giúp bạn giảm đau họng và ngăn chặn quá trình viêm. Ngoài ra, quá trình hydrat hóa trong dứa có thể làm dịu những cơn đau họng đang khiến bạn khó chịu.
- Ngăn chặn quá trình oxy hóa: Khi thức ăn đi vào dạ dày dưới tác dụng của các enzyme tiêu hóa sẽ giúp phân hủy thức ăn và tạo ra các gốc tự do. Chúng là một trong số những tác nhân thúc đẩy quá trình oxy hóa của cơ thể. Trong dứa giàu flavonoid và axit phenolic có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do có thể gây ra bệnh mãn tính. Hiện nay đang có nhiều giả thuyết được đặt ra rằng bromelain cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư và đang được nghiên cứu để làm sáng tỏ.
- Giảm đau và ngăn chặn quá trình viêm: Bromelain là enzyme tiêu hóa chứa trong dứa có đặc tính chống viêm và giảm đau. Do đó, đây là phương pháp điều trị hữu ích khi bạn mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm xoang, chấn thương, bong gân hoặc bỏng. Ngoài ra, dứa cũng làm giảm các cơn đau khớp ở bệnh nhân mắc viêm xương khớp.
- Dứa là một kho tàng chứa vitamin và khoáng chất: Ngoài một lượng lớn vitamin C và mangan, dứa còn bổ sung thêm cho bạn lượng vitamin B6, đồng, thiamin, folate, kali, magie, niacin, riboflavin và sắt hàng ngày.
- Ngăn chặn quá trình lão hóa da: Lão hóa là quá trình diễn tiến tự nhiên của cơ thể mà chúng ta không thể nào đi ngược lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế không để ảnh hưởng đến làn da của mình. Ngoài tác dụng đến sức khỏe miễn dịch, vitamin C cũng có thể giúp bảo vệ da tránh khỏi tác hại của tia cực tím bằng cách kích thích quá trình tổng hợp collagen và tăng cường khả năng chống lại tia UV. Từ đó giúp bạn có được một làn da săn chắc khỏe mạnh và không bị lão hóa dần theo năm tháng.
- Tăng cường sức khỏe não bộ: Bromelain chứa trong dứa có khả năng tiêu diệt các phân tử có liên quan đến sự hình thành và phát triển của bệnh Alzheimer. Đây được coi là một bước tiến bố trong việc dự phòng và điều trị Alzheimer.
2. Sử dụng và bảo quản dứa thế nào cho đúng cách?
2.1. Sử dụng dứa sao cho hiệu quả?
Sử dụng dứa mang lại lợi ích nhiều hơn so với tác hại. Tuy nhiên, trước khi ăn dứa cần lưu ý một số điều sau:
- Dứa là thực phẩm có tính acid khá cao, do đó đối với những bệnh nhân mắc phải bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì không nên sử dụng quá nhiều để tránh tình trạng ợ nóng sau khi ăn.
- Dứa giàu chất xơ nên những người có vấn đề ở hệ tiêu hóa không nên ăn quá nhiều vì có thể gây khó khăn trong tiêu hóa.
- Nếu đang phải dùng thuốc điều trị bệnh, cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc tương tác thuốc gây ra những phản ứng không mong muốn. Ví dụ như bromelain trong dứa có khả năng tương tác làm thay đổi tác dụng của thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật.
2.2. Cắt dứa sao cho dễ dàng?
Dứa là loại trái cây phổ biến nhưng cắt gọt chúng luôn là nỗi lo của nhiều người vì không biết phải làm như thế nào để vừa dễ và đẹp. Dưới đây là cách để loại bỏ chiếc vỏ sần sùi thành trái ngon ngọt: Cắt bỏ phần đầu và phần dưới cùng. Sau đó, cắt ra bất kỳ "mắt" nào bị bỏ lại rồi dựng nó lên và cắt bỏ lớp vỏ bên ngoài từ trên xuống dưới. Cắt đôi từ trên xuống dưới, sau đó cắt những nửa đó thành các phần tư. Cuối cùng là cắt đi phần lõi từ 4 miếng rồi cắt thành các miếng nhỏ hơn.
2.3. Bảo quản dứa như thế nào?
Một quả dứa chín còn nguyên quả có thể giữ được ở môi trường mát trong vòng 2-3 ngày. Sau khi bạn cắt ra, nó sẽ giữ được tốt trong tủ lạnh từ 5-7 ngày hoặc trong tủ đông trong vòng 6 tháng trở lên. Chúng ta có thể bảo quản nguyên trái hoặc ép ra nước rồi cho vào tủ lạnh.
Tóm lại, dứa rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Vì vậy, hãy ăn dứa thường xuyên để nhận được những lợi ích sức khỏe nhé!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com