Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Mang thai và sinh con là mong ước của tất cả các cặp vợ chồng. Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng đạt được hạnh phúc trọn vẹn khi còn ám ảnh “căn bệnh” vô sinh. Đây là vấn đề do không chỉ riêng người vợ mà còn có thể do người chồng hoặc kết hợp cả hai. Nhận biết sớm và chẩn đoán sớm, định hướng can thiệp kịp thời là giải pháp hiệu quả giúp mau chóng nhận được tin vui
1. Vô sinh là gì?
Vô sinh là tình trạng hai vợ chồng sau một năm chung sống và có quan hệ tình dục trung bình 2 đến 3 lần mỗi tuần, hoàn toàn không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn không có thai. Trong trường hợp người vợ từ trên 35 tuổi, thời gian này chỉ tính rút gọn còn 6 tháng.
Phân loại vô sinh gồm hai nhóm chính, bao gồm vô sinh nguyên phát là khi người vợ chưa từng có thai lần nào và vô sinh thứ phát là khi người vợ có ít nhất một lần mang thai trước đây, sau đó tối thiểu một năm tích cực muốn có con nhưng chưa thụ thai lần nữa.
Nguyên nhân vô sinh rất đa dạng. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện nghiên cứu y học, không chỉ các bệnh lý tại cơ quan sinh sản, các bệnh lý toàn thân, lối sống, thói quen không lành mạnh, đời sống tâm lý, tinh thần... cho thấy cũng có mối liên quan đến vô sinh. Theo đó, nguyên nhân vô sinh do hai giới là tương đương nhau, các trường hợp còn lại không rõ nguyên nhân chiếm đến 20%. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào cũng cần phải thăm khám, thực hiện các khảo sát cần thiết để xác định và lập phác đồ can thiệp.
2. Chẩn đoán vô sinh như thế nào?
2.1. Thăm hỏi về tiền sử, bệnh sử
- Nghề nghiệp, thói quen, sở thích, cách sinh hoạt, lối sống của mỗi người. Cần lưu ý đến việc sử dụng bia rượu, thuốc lá, tiếp xúc với các hóa chất, tia phóng xạ.
- Các bệnh lý từng mắc phải, kết quả xét nghiệm tổng quát, chuyên biệt trước đó, các thuốc đang điều trị. Chú ý các bệnh lý di truyền, bệnh lý nội tiết, bệnh phụ khoa ở nữ, bệnh nam khoa ở nam, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như các phẫu thuật, thủ thuật từng thực hiện gần với cơ quan sinh sản.
- Tần suất, chất lượng các lần giao hợp tự nhiên của hai vợ chồng.
- Đối với nữ: thăm hỏi về các đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt, các biện pháp tránh thai từng áp dụng, các lần mang thai, sẩy thai, cách thức chuyển dạ.
2.2. Khám lâm sàng người vợ
- Thăm khám tổng quát bằng cách quan sát các đặc điểm bên ngoài như rậm lông, hói đầu, mụn trứng cá hay các biểu hiện thừa androgen nói chung.
- Khám lượng giá chức năng tuyến giáp.
- Khám vú xem có tiết sữa, sưng đau, u cục.
- Khám âm đạo để tìm các bất thường sinh dục như tử cung đôi, bất sản âm đạo, vách ngăn âm đạo, viêm nhiễm đường sinh dục và điều trị thích hợp.
2.3. Khám lâm sàng người chồng
- Quan sát từ dáng đi, mắt mũi, chiều dài các chi giúp phát hiện trường hợp bất thường nhiễm sắc thể như Hội chứng Klinefelter.
- Bất thường của lỗ tiểu.
- Khám vùng bẹn đùi, túi bìu, dương vật, tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh.
- Phát hiện xem có giãn tĩnh mạch thừng tinh, thoát vị bẹn khi ở tư thế đứng.
3. Các cận lâm sàng cần làm trong chẩn đoán vô sinh
3.1. Xét nghiệm thường quy
Đây là các xét nghiệm khảo sát tình trạng sức khỏe nói chung dựa trên chức năng các hệ thống cơ quan. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến nguy cơ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, các rối loạn nội tiết, chuyển hóa.
3.2. Xét nghiệm chọn lọc ở người nữ
- Xét nghiệm nội tiết tố sinh dục nữ: FSH, LH, Estradiol, PRL, Progesterone
- Hormone tuyến giáp: T3, T4, TSH
- Sàng lọc ung thư cổ tử cung
- Xét nghiệm nước tiểu, khí hư giúp tìm sự viêm nhiễm
- Siêu âm tử cung và phần phụ khảo sát dị tật, bất thường cấu trúc
- Chụp cản quang tử cung-vòi trứng
- Nội soi buồng tử cung, ổ bụng nếu có nghi ngờ sai lệch về giải phẫu, cấu trúc, tắc nghẽn
- Xét nghiệm chất nhầy cổ tử cung sau khi giao hợp
- Xét nghiệm rụng trứng, dự trữ buồng trứng đánh giá chất lượng trứng
- Xét nghiệm di truyền giúp xác định liệu có một khiếm khuyết di truyền gây vô sinh
3.3. Xét nghiệm chọn lọc ở người nam
- Xét nghiệm nội tiết tố sinh dục nam: androgen, testosterone
- Xét nghiệm tinh dịch đồ nhằm khảo sát số lượng, khả năng và hình dạng tinh trùng
- Soi nuôi cấy nước tiểu, dịch tiết từ dương vật giúp tìm sự viêm nhiễm
- Soi nước tiểu sau xuất tinh tìm tinh trùng để chẩn đoán xuất tinh ngược dòng
- Siêu âm bìu tìm dãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc các vấn đề khác trong tinh hoàn và các cấu trúc liên quan
- Siêu âm tuyến tiền liệt tìm dấu hiệu phì đại gây chèn ép niệu đạo
- Xét nghiệm di truyền: Khi nồng độ tinh trùng cực kỳ thấp, có thể có nguyên nhân di truyền hay chẩn đoán các hội chứng bẩm sinh
- Sinh thiết tinh hoàn nhằm phân biệt bất thường sinh tinh hay do tắc nghẽn trong vận chuyển tinh trùng
- Xét nghiệm chức năng tinh trùng chuyên biệt để kiểm tra khả năng tinh trùng xâm nhập vào trứng
Tóm lại, một cặp vợ chồng có thể có một hay nhiều hơn một nguyên nhân gây vô sinh. Vì vậy, việc thăm khám sớm nhằm chẩn đoán vô sinh ở vợ và chồng, xác định nguyên nhân để việc can thiệp hỗ trợ sinh sản đạt hiệu quả cao. Khi làm được những điều này, sự mang thai và sinh con sẽ đem đến niềm vui tổ ấm thêm trọn vẹn, khắng khít tình phu thê.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bộ Y tế