Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Vô sinh thứ phát là tình trạng vợ chồng đã từng mang thai nhưng sau một khoảng thời gian, muốn tiếp tục sinh con lại không thể thụ thai được nữa. Vô sinh thứ phát chiếm 30% các trường hợp vô sinh và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
1. Vô sinh thứ phát là gì? Nguyên nhân vô sinh thứ phát
Nếu như vô sinh nguyên phát là tình trạng các cặp vợ chồng thường xuyên quan hệ tình dục, không áp dụng phương pháp tránh thai nhưng sau ít nhất một năm vẫn không thể mang thai; thì vô sinh thứ phát là trường hợp vợ chồng đã từng mang thai, sinh con, nhưng không thể tiếp tục thụ thai sau một thời gian “kế hoạch”.
Nguyên nhân vô sinh thứ phát ở nam giới:
- Viêm nhiễm đường sinh dục: Viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục tạo điều kiện cho vi khuẩn đến tinh hoàn theo hệ thống dẫn tinh, gây viêm tinh hoàn, một số trường hợp hoại tử buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.
- Tắc ống dẫn tinh: Tắc ống dẫn tinh có thể do viêm sinh dục, viêm niệu đạo...gây nên. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh thứ phát ở nam giới.
- Giãn tĩnh mạch tinh: Mức độ giãn tĩnh mạch mạch tinh ngày càng tăng làm tổn thương hiện tượng sinh tinh.
- Các lý do khác: Nam giới làm việc trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất, tia bức xạ...làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, rối loạn hoạt động của bộ phận sinh dục.
Nguyên nhân vô sinh thứ phát ở nữ giới:
- Nạo phá thai và lạm dụng thuốc tránh thai: Nạo phá thai, sảy thai hoặc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể làm thay đổi cấu trúc tử cung và ống dẫn trứng của phụ nữ.
- Viêm ống dẫn trứng: Viêm nhiễm ống dẫn trứng làm tắc một phần hoặc tắc hoàn toàn ống dẫn trứng, ngăn cản quá trình thụ thai.
- Viêm nhiễm tử cung: Lớp niêm mạc bên trong tử cung bị tổn thương cản trở quá trình di chuyển của phôi khi làm tổ.
- Viêm buồng trứng: Buồng trứng có thể bị nhiễm khuẩn gây u nang buồng trứng, tắc ống dẫn trứng... cản trở quá trình rụng trứng và thụ tinh.
2. Làm thế nào để chẩn đoán vô sinh thứ phát
Để chẩn đoán vô sinh thứ phát, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm bao gồm:
- Ở nữ giới: Chụp buồng tử cung; Kiểm tra khả năng dự trữ của buồng trứng; Xét nghiệm hormone; Siêu âm vùng chậu; Kiểm tra sự rụng trứng...
- Ở nam giới: Xét nghiệm tinh dịch đồ; Xét nghiệm hormone; Siêu âm bìu; Xét nghiệm di truyền; Sinh thiết tinh hoàn...
3. Các điều trị vô sinh thứ phát
Tùy thuộc vào nguyên nhân vô sinh thứ phát, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp cho các cặp vợ chồng mong muốn có con. Ví dụ vô sinh thứ phát do bệnh lý sẽ được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa để can thiệp; Vô sinh do lối sống sẽ được tư vấn thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng; Khi áp dụng các phương pháp điều trị không có kết quả, các cặp vợ chồng sẽ được tư vấn áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Một số phương pháp điều trị vô sinh thứ phát bao gồm:
Điều trị nội khoa: Tùy vào bệnh lý của vợ/chồng sẽ được bác sĩ sử dụng các loại thuốc phù hợp. Trường hợp vô sinh thứ phát do các bệnh nhiễm khuẩn sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc Tây y để loại bỏ tác nhân gây bệnh. Ngoài ra người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc hỗ trợ tiêu viêm, tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng để cải thiện sức khỏe sinh sản.
Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật áp dụng cho các trường hợp viêm nhiễm nặng như: xoắn tinh hoàn, tắc vòi trứng, tắc ống dẫn tinh; buồng trứng đa nang; u xơ tử cung...
Các phương pháp hỗ trợ sinh sản: Một số phương pháp hỗ trợ sinh sản thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng vô sinh thứ phát bao gồm: Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI); Thụ tinh trong ống nghiệm IVF; Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI); Hỗ trợ phôi thoát màng (AH);...
Thay đổi lối sống và dinh dưỡng: Để tăng khả năng thụ thai, bạn nên cải thiện sức khỏe sinh sản bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh và áp dụng chế độ dinh dưỡng đa dạng như: Tập thể dục đều đặn; Giữ chỉ số cơ thể BMI từ 19 - 25; Hạn chế rượu bia và chất kích thích; Bỏ thuốc lá...
4. Phòng ngừa vô sinh thứ phát
Vô sinh thứ phát ngày càng phổ biến, để phòng ngừa bệnh, các cặp vợ chồng cần áp dụng một số phương pháp phòng ngừa vô sinh thứ phát sau:
- Mang thai trước độ tuổi 35 tuổi.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai và sinh con từ 3 - 5 năm.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
- Hạn chế nạo hút thai, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Trường hợp bắt buộc phải nạo hút thai cần chọn cơ sở y tế uy tín.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách.
- Khi có những dấu hiệu viêm nhiễm vùng kín, cần đi khám và điều trị dứt điểm.
- Quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng các biện pháp tránh thai khi chưa có ý định mang thai.
- Nâng cao sức khỏe bằng cách tập luyện thể dục thể thao; ăn uống lành mạnh; không hút thuốc lá; hạn chế rượu bia, chất kích thích; hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm độc hại....
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.