Dextrostix là gì? Thực tế test Dextrostix là một xét nghiệm nhanh cho phép đo nồng độ đường trong máu, thường được dùng trong điều trị và theo dõi hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh.
1. Dextrostix là gì?
Dextrostix là que thử sử dụng phương pháp enzyme để xác định nồng độ glucose trong máu bằng cách đo qua tông màu xanh. Đây là phát minh của Ernie Adams vào năm 1963. Phát minh này có thể cho giá trị lượng đường trong máu ở mức gần đúng.
2. Test Dextrostix để làm gì?
Test Dextrostix được chỉ định ở những bệnh nhi có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh.
Triệu chứng hạ đường huyết sơ sinh:
- Co giật, run giật các chi, trương lực cơ giảm
- Li bì, trẻ mất phản xạ bú hoặc bú yếu
- Thóp không phồng, hạ thân nhiệt, ngừng thở từng cơn
Các yếu tố nguy cơ của hạ đường huyết sơ sinh:
- Trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ sinh muộn, lớn cân
- Da ửng đỏ
- Trẻ mắc các bệnh lý khác
3. Đọc kết quả test Dextrostix
Khi Dextrostix < 2,2 mmol/L (40mg%), cần tiến hành thêm những xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm đường huyết bằng cách lấy máu tĩnh mạch để xác định chẩn đoán hạ đường huyết.
- Xét nghiệm phết máu ngoại biên để tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng và đa hồng cầu.
Trong trường hợp hạ đường huyết sơ sinh kéo dài không đáp ứng với điều trị, một số xét nghiệm có thể giúp phân biệt nguyên nhân hạ đường huyết là nội tiết hay rối loạn chuyển hóa được thực hiện, bao gồm: Insulin, Glucagon, T4 và TSH, GH, Cortisol, axit uric, axit béo tự do, alanine, ketones, lactate.
Kết hợp với xét nghiệm nhanh Dextrostix, nếu kết quả xét nghiệm đường huyết < 2,2 mmol/L (40mg%) thì đưa ra chẩn đoán xác định hạ đường huyết sơ sinh.
Nếu Dextrostix < 2,2 mmol/L (40mg%) và trẻ có các triệu chứng thần kinh thì đưa ra chẩn đoán có thể bị hạ đường huyết sơ sinh.
4. Điều trị hạ đường huyết sơ sinh dựa vào test Dextrostix
Nguyên tắc điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là truyền glucose để làm tăng chỉ số đường huyết về mức bình thường và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng đường miệng được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh cần dựa vào hai yếu tố, đó là lượng đường trong máu đo được và triệu chứng lâm sàng (nếu có).
Sau khi test nhanh bằng Dextrostix, cần điều trị cho trẻ ngay trong khi chờ kết quả xét nghiệm đường huyết từ phòng thí nghiệm. Và trong quá trình điều trị hạ đường huyết, sử dụng test Dextrostix để theo dõi là rất cần thiết.
Phác đồ điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh dựa vào test Dextrostix cụ thể như sau:
- Nếu Dextrostix < 1,39 mmol/L: Chỉ định lấy máu để đo lượng đường huyết, kiểm tra kỹ thuật test Dextrostix có sai sót gì không và test lại lần II nếu nghi ngờ. Nếu vẫn dưới 25mg% thì truyền tĩnh mạch glucose cho trẻ với liều 6 - 8 mg/kg cân nặng/phút, cho trẻ ăn sớm và test Dextrostix sau 1 giờ. Nếu Dextrostix < 2,2 mmol/L, cần tăng liều Glucose lên 10 - 15 mg/kg cân nặng/phút. Nếu Dextrostix ≥ 2,2 mmol/L, truyền Glucose với liều duy trì. Cho ăn trẻ sớm.
- Nếu Dextrostix nằm trong khoảng từ 1,39 - 2,49 mmol/L: Chỉ định lấy máu để đo lượng đường huyết. Cho trẻ ăn sớm sau khi sinh 2 - 4 giờ. Theo dõi Dextrostix 4 - 6 giờ/lần đến khi lượng đường huyết của trẻ ổn định. Nếu vẫn còn thấp, truyền Glucose cho trẻ với liều 6 mg/kg cân nặng/phút.
- Nếu Dextrostix > 2,49 mmol/L: Cho trẻ ăn sớm sau khi sinh 2 - 4 giờ. Theo dõi Dextrostix 8 - 12/lần trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh ở nhóm trẻ có các yếu tố nguy cơ.
Ngừng theo dõi đường huyết khi trẻ dung nạp đủ lượng sữa và kết quả Dextrostix đo 3 lần liên tục trên 45mg%
Test Dextrostix được chỉ định ở trẻ có triệu chứng hoặc các yếu tố nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh để điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.