Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Khương - Bác sĩ truyền nhiễm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều các địa dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Hiện nay một số căn bệnh đã có phương thuốc điều trị cũng như vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên việc nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh từ động vật sang người vẫn cần được tuyên truyền, giáo dục vì có nhiều căn bệnh mới xuất hiện, điển hình là đại dịch Covi-19, bệnh có nguồn gốc từ loài dơi xuất hiện ở Vũ Hán - Trung Quốc.
1. Dịch bệnh từ động vật lây sang người đều rất nguy hiểm
Dịch bệnh từ động vật lây sang người hết sức nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta cần phải có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và thường gặp lây từ động vật gây ra mối đe dọa không chỉ đối với sức khỏe của động vật và con người mà còn đối với an ninh y tế toàn cầu. Ước tính có khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm đã biết và tới 75% các bệnh truyền nhiễm mới hoặc đang phát sinh có nguồn gốc từ động vật. Trên toàn cầu, các bệnh truyền nhiễm chiếm 15,8% tổng số ca tử vong và 43,7% số ca tử vong ở các nước có nguồn tài nguyên thấp. Người ta ước tính rằng bệnh truyền nhiễm từ động vật gây ra 2,5 tỷ ca bệnh ở người và 2,7 triệu ca tử vong ở người trên toàn thế giới mỗi năm. Bệnh truyền nhiễm từ động vật mới nổi là nguyên nhân gây ra một số dịch bệnh nguy hiểm và có sức tàn phá lớn nhất. Tuy nhiên, bệnh cúm động vật thực sự có thể gây ra một mối đe dọa âm ỉ và lâu dài hơn đối với sức khỏe con người và động vật.
Gần đây do sự thay đổi về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự giao lưu giữa các quốc gia và khu vực ngày càng tăng làm cho một số bệnh truyền nhiễm bùng phát trở lại và có xu hướng gia tăng; sự biến chủng của vi sinh vật làm cho một số bệnh truyền nhiễm gây dịch mới nổi như Ebola, SARS, cúm A (H1N1, H5N1) , vào tháng 12 năm 2019, một chủng coronavirus gây bệnh Covid-19 và một số bệnh do tác nhân ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người.
2. Phương thức lây truyền bệnh từ động vật sang người
Trên động vật: Các vật nuôi có thể mang ký sinh trùng và lây truyền ký sinh trùng sang người. Việc rửa tay sạch và hợp lý có thể làm giảm nguy cơ đáng kể. Bệnh lây truyền từ động vật lây sang người và ngược lại (zoonotic disease_ZDs) là một bệnh có thể lây truyền qua lại giữa động vật và con người. Các bệnh ZDs có thể gây ra bởi virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Một số bệnh ất phổ biến. Đối với bệnh ZDs gây ra bởi ký sinh trùng, các triệu chứng và dấu chứng có thể phân biệt được dựa vào loại ký sinh trùng và con người. Đôi khi người nhiễm các bệnh ZDs có thể mắc bệnh nhưng một số khác không biểu hiện triệu chứng và không thấy biểu hiện bệnh. Các người khác có thể có triệu chứng như tiêu chảy, đau cơ và sốt.
Các thực phẩm có thể là nguồn nhiễm các bệnh ZDs khi động vật như bò, heo nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium spp. hoặc Trichinella spp. Người có thể nhiễm phải bệnh cryptosporidiosis nếu họ tình cờ nuốt thức ăn hoặc nước uống nhiễm phân của động vật đang nhiễm bệnh. Chẳng hạn, điều này có thể xảy ra khi các vườn cây ăn quả hoặc nguồn nước gần các đồng chăn thả bò và con người tiêu thụ trái cây không được rửa trong các nguồn nước sạch hoặc chưa được xử lý dùng để uống và rửa tay hợp lý. Con người có thể mắc bệnh giun xoắn do ăn phải thịt còn sống hoặc chưa xử lý chín của gấu, lợn nhiễm ký sinh trùng giun xoắn Trichinella spp.
Tài liệu tham khảo
- Huỳnh Hồng Quang.Y học thường thức về phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn,( 17/07/2018)
- Salyer SJ, Silver R, Simone K, Barton Behravesh C. Prioritizing zoonoses for global health capacity building—themes from One Health zoonotic disease workshops in 7 countries, 2014–2016. Emerg Infect Dis. 2017 Suppl.
- Mark E.J. Woolhouse* and Sonya Gowtage-Sequeria. Host Range and Emerging and Reemerging Pathogens. Emerg Infect Dis. 2005 Dec; 11(12): 1842–1847.