Bệnh sốt mò dễ nhầm với các bệnh khác

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý nội.

Bệnh sốt mò là một bệnh truyền nhiễm với đặc điểm nổi bật là sốt kéo dài, phát ban kèm nổi hạch. Bệnh do vi khuẩn gây ra và cần phải điều trị kháng sinh dài ngày. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, nhầm với bệnh khác và điều trị không đúng, độc tố vi khuẩn sẽ lan tràn gây suy yếu các cơ quan, cực kỳ nguy hiểm.

1. Bệnh sốt ve mò là gì?

Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula).

Bệnh có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong.

Hiện nay, sốt mò Rickettsia vẫn còn xuất hiện ở nước ta nhưng chẩn đoán rất dễ bị bỏ sót do không để ý đến yếu tố dịch tễ, không quan sát kỹ nốt loét, theo dõi biểu hiện lâm sàng nên rất dễ nhầm với các bệnh khác.


Sốt mò Rickettsia vẫn còn xuất hiện ở nước ta nhưng chẩn đoán rất dễ bị bỏ sót
Sốt mò Rickettsia vẫn còn xuất hiện ở nước ta nhưng chẩn đoán rất dễ bị bỏ sót

2. Ai có nguy cơ bị sốt mò?

Trên thế giới, bệnh này hay gặp ở các nước châu Á nhiệt đới, nhất là những khu vực rừng núi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, hang hốc trong núi đá hay những nơi như hai bên bờ suối, dọc bờ biển. Nơi đây vừa có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho con mò - trung gian truyền bệnh- phát triển, vừa có những con thú mang mầm bệnh là các loài gặm nhấm. Thời điểm trong năm thích hợp cho bệnh bộc phát là khoảng tháng 6 đến tháng 9.

Trong điều kiện như vậy, những người vào rừng lấy gỗ, làm rẫy, làm đường sá, khai hoang, săn bắn, các đơn vị bộ đội đi hành quân bị mò đốt và nhiễm vi khuẩn. Thậm chí, ấu trùng mò cũng có cơ hội tấn công khách tham quan, du lịch, khám phá nơi rừng núi, sông suối.

Mò sống bằng cách hút máu trên cơ thể động vật máu nóng, đặc biệt là các loài gặm nhấm, đại diện là chuột - ký chủ chính của bệnh. Nếu mò hút máu con vật có mầm bệnh Rickettsia thì cũng sẽ sinh ra một thế hệ ấu trùng bị lây nhiễm tiếp tục. Sau đó, nếu gặp cơ thể người, mò sẽ bám lên, chèn ống hút ở miệng vào nang lông hay lỗ chân lông ở vùng da mềm, có nếp nhăn như nách, khuỷu, đầu gối... và lây nhiễm vi trùng cho người.

Bệnh sốt ve mò hoàn toàn không lây truyền từ người sang người.

3. Triệu chứng của sốt mò như thế nào?

3.1. Lâm sàng

  • Thời gian ủ bệnh của sốt mò kéo dài từ 6 ngày đến 21 ngày (trung bình từ 9 đến 12 ngày).
  • Sốt: thường khởi phát đột ngột; người bệnh sốt cao liên tục, có thể kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người.
  • Biểu hiện da và niêm mạc:

+ Da xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân; xung huyết kết mạc mắt

+ Vết loét ngoài da: là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò; vết loét có hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch; các vết loét thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng, v.v...

+ Ban ngoài da: ban thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, có dạng dát sẩn, phân bổ chủ yếu ở thân, có thể ở cả chân tay; có thể gặp ban xuất huyết.

  • Sưng hạch lympho: người bệnh thường có hạch sưng tại chỗ vết loét và hạch toàn thân; hạch có kích thước 1,5-2 cm, mềm, không đau, di dộng bình thường.
  • Gan to, lách to: có thể gặp ở khoảng 40% số người bệnh sốt mò. Một số trường hợp có thể có vàng da.
  • Tổn thương phổi: người bệnh thường có triệu chứng ho; nghe phổi có thể có rales; một số người bệnh có biểu hiện tràn dịch màng phổi; những trường hợp sốt mò nặng có thể có khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.
  • Tổn thương tim mạch: người bệnh sốt mò thường có tình trạng huyết áp hạ; viêm cơ tim gặp ở một số trường hợp.
  • Viêm màng não, viêm não gặp ở một số ít các trường hợp. Người bệnh có đau đầu, có thể có rối loạn ý thức.
  • Nếu không được điều trị kháng sinh thích hợp, người bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng hô hấp và tim mạch gây tử vong. Các trường hợp nhẹ và vừa có thể bị sốt kéo dài 3 - 4 tuần, sau đó người bệnh hết sốt nhưng những triệu chứng mệt mỏi có thể còn kéo dài trong thời gian một vài tuần.

3.2. Cận lâm sàng

  • Công thức máu: bạch cầu bình thường hoặc tăng; tỷ lệ bạch cầu lympho và mônô thường tăng; tiểu cầu có thể hạ.
  • X-quang phổi: có thể gặp tổn thương kiểu viêm phế quản; một số người bệnh có tổn thương viêm phổi.
  • Chức năng gan: thường thấy tăng men gan; có thể tăng bilirubin; nhiều người bệnh có rối loạn protid máu (giảm albumin).
  • Chức năng thận: xét nghiệm nước tiểu có thể có protein và hồng cầu. Suy thận (tăng ure huyết và creatinin) gặp ở một số ít trường hợp, thường hồi phục nhanh chóng khi người bệnh được điều trị phù hợp.
  • Siêu âm: có thể phát hiện gan lách to, tràn dịch màng phổi, màng bụng.
  • Trong trường hợp viêm màng não, dịch não tủy có thể biến loạn kiểu viêm màng não nước trong, tăng nhẹ tế bào và protein.

Sốt là triệu chứng sốt mò nổi bật nhất của sốt mò
Sốt là triệu chứng sốt mò nổi bật nhất của sốt mò

4. Chẩn đoán sốt mò

4.1 Chẩn đoán xác định sốt mò dựa vào các yếu tố:

Cần nghĩ đến sốt mò khi người bệnh có tiền sử sống hoặc đi đến các vùng có sốt mò lưu hành; người bệnh có bệnh cảnh sốt cấp tính với tổn thương ở nhiều cơ quan và phủ tạng. Chẩn đoán sốt mò trên lâm sàng rất dễ dàng nếu người bệnh có vết loét đặc hiệu ngoài da.

Các xét nghiệm chẩn đoán sốt mò thường được sử dụng: Xét nghiệm huyết thanh học: xét nghiệm kháng thể hấp phụ miễn dịch gắn men (ELISA), kháng thể miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA), kháng thể miễn dịch gián tiếp peroxidase (IIP) phát hiện IgM.

4.2 Phân biệt sốt mò với các bệnh

Trong trường hợp không có vết loét, chẩn đoán gặp nhiều khó khăn do những biểu hiện của bệnh rất đa dạng, và giống với nhiều bệnh sốt cấp tính khác như thương hàn, leptospirosis, nhiễm một số loại virus, và nhiễm các rickettsia khác.

  • Thương hàn cũng có các biểu hiện sốt, gan lách to, và tổn thương nhiều hệ cơ quan và phủ tạng. Khác với sốt mò, thương hàn thường khởi phát bán cấp và đi kèm với triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Hồng ban trong thương hàn thường có số lượng ít, phân bổ chủ yếu ở bụng và ngực. Xét nghiệm máu thường thấy bạch cầu hạ; nuôi cấy máu, phân và một số bệnh phẩm khác mọc vi khuẩn thương hàn (S.typhi, S.paratyphi các loại).
  • Leptospirosis có biểu hiện chính là sốt, đau cơ, có thể có phát ban, vàng da, tổn thương phổi, suy thận; xét nghiệm máu cũng có thể có hạ tiểu cầu, tăng men gan. Dấu hiệu gợi ý chẩn đoán leptospirosis là đau cơ và suy thận. Nếu có điều kiện, có thể làm xét nghiệm huyết thanh học để chẩn đoán leptospirosis (ví dụ như Martin - Petit).
  • Các bệnh nhiễm arbovirus: thường có diễn biến cấp tính với các triệu chứng sốt, đau đầu, mỏi người, có thể có phát ban..., tương tự như sốt mò. Dấu hiệu xuất huyết đi kèm với hạ tiểu cầu và tăng hematocrit thường gặp hơn trong sốt xuất huyết dengue. Các bệnh nhiễm arbovirus thường không đi kèm với gan lách to, ít khi có biểu hiện đồng thời ở nhiều cơ quan và phủ tạng, và bệnh thường tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày.
  • Các bệnh nhiễm rickettsia khác: các biểu hiện chính của các bệnh nhiễm rickettsia cũng tương tự như sốt mò, bao gồm sốt, đau đầu, mỏi người, phát ban, tổn thương một số cơ quan và phủ tạng. Vết loét đặc hiệu ngoài da không gặp trong bệnh sốt rickettsia do bọ chét truyền (murine typhus), có thể gặp trong sốt do rickettsia nhóm phát ban nhưng hiếm hơn trong sốt mò. Các bệnh này thường tiến triển lành tính hơn sốt mò, có đáp ứng kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên tương ứng, và cũng đáp ứng với các thuốc điều trị rickettsia như doxycyclin, chloramphenicol.
  • Các bệnh nhiễm trùng huyết: có sốt, tổn thương nhiều cơ quan và phủ tạng như trong sốt mò. Nhiễm trùng huyết thường ít khi đi kèm với xung huyết và phát ban trên da, tràn dịch các màng. Cần thăm khám kỹ ngoài da và phát hiện vết loét đặc hiệu để không bỏ sót bệnh sốt mò; làm xét nghiệm cấy máu để xác định vi khuẩn gây nhiễm

5. Cách điều trị và phòng ngừa

Điều trị sốt mò là dựa vào kháng sinh. Doxycycline và Chloramphenicol là hai loại kháng sinh thường được ưu tiên sử dụng. Thuốc có thể dùng bằng đường tiêm hoặc uống, trong 7 đến 15 ngày.

Bên cạnh đó, việc điều trị cần chú ý nâng đỡ tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh khi ăn ít, kém hấp thu; điều chỉnh rối loạn nước - điện giải do sốt cao kéo dài, rối loạn tiêu hóa.

6. Tiến triển và biến chứng

Người bệnh sốt mò được điều trị kháng sinh đặc hiệu thường hết sốt trong vòng từ 1 đến 3 ngày; các triệu chứng phát ban, hạch to, gan lách to... cũng lui dần cùng với nhiệt độ giảm và sau khi cắt sốt. Tràn dịch màng phổi và biến loạn dịch não tủy có thể

Để phòng tránh sốt mò, cần tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm. Khi đi vào rừng tham quan hay làm việc, chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn; không nằm dưới đất mà nên nằm trên võng cao. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giầy cao cổ. Thuốc xua đuổi côn trùng cần dùng bôi vào các khoảng da trống.

Tóm lại, sốt mò không phải là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng dân cư đông đúc. Tuy nhiên, vào mùa hè, mưa và nóng, các gia đình, thanh thiếu niên thường chọn vui chơi, khám phá thiên nhiên, rừng rậm, khó tránh được nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Do đó, mỗi người cần trang bị kiến thức về bệnh lý này để có cách phòng chống và nhận biết bệnh hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe