Bài dịch và tổng hợp bởi Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thanh - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Virus Ebola thuộc chi Ebolavirus, có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người, linh trưởng gồm khỉ, khỉ đột và tinh tinh. Bệnh do virus Ebola có nguy cơ tử vong cao ở người với tỷ lệ tử vong lên đến 50% số ca nhiễm.
Virus Ebola có thể lây truyền từ người sang người và bùng phát thành dịch do tiếp xúc trực tiếp thông qua vết thương da hoặc niêm mạc với máu, chất tiết và dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm. Người cũng có thể mắc Ebola do tiếp xúc với các dụng cụ hoặc đồ vật của bệnh nhân bị nhiễm như quần áo, chăn, kim tiêm đã sử dụng...
Dưới đây là dấu hiệu chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
1. Chẩn đoán bệnh do virus Ebola
Chẩn đoán ca bệnh nghi ngờ:
Có yếu tố dịch tễ trong vòng 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng như:
- Tiếp xúc với máu hay dịch cơ thể của bệnh nhân được xác định hoặc nghi nhiễm virus Ebola.
- Sống hay đi tới vùng dịch Ebola đang lưu hành.
- Trực tiếp xử lý, tiếp xúc với dơi, chuột hoặc động vật linh trưởng từ các vùng dịch tễ.
- Có biểu hiện lâm sàng của bệnh
Chẩn đoán ca bệnh xác định:
Là ca bệnh nghi ngờ và được khẳng định bằng xét nghiệm phát hiện gene của virus Ebola bằng kỹ thuật PCR.
Chẩn đoán phân biệt:
Bệnh do virus Ebola cần phải phân biệt với các bệnh khác như:
- Sốt xuất huyết Dengue
- Bệnh do Streptococcus suis
- Nhiễm trùng huyết do não mô cầu
- Nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn
- Leptospira
- Sốt rét có biến chứng
2. Điều trị bệnh do virus Ebola
Nguyên tắc điều trị:
Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh. Đối với các ca bệnh xác định cần phải nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.
Các triệu chứng của bệnh do virus Ebola được điều trị khi chúng xuất hiện. Khi được sử dụng sớm, các can thiệp cơ bản có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống sót, bao gồm:
- Cung cấp chất lỏng và chất điện giải (muối cơ thể) thông qua truyền vào tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch)
- Cung cấp liệu pháp oxy để duy trì tình trạng oxy
- Sử dụng thuốc để hỗ trợ huyết áp, giảm nôn mửa và tiêu chảy và để kiểm soát sốt và đau
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng khác
Sử dụng thuốc kháng virus
Hiện tại không có thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép để điều trị EVD ở người. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2018, bốn loại thuốc đã được điều trị thử nghiệm cho các bệnh nhân mắc bệnh. Hai trong số 4 thuốc này là regeneron (REGN-EB3) và mAb114 cho tỷ lệ sống sót cao hơn cả so với hai loại thuốc còn lại. Hiện, hai loại thuốc chống virus Ebola này hiện vẫn được sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh Ebola đã được xác nhận.
3. Cách bảo vệ và phòng tránh
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng và dung dịch sát khuẩn;
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh;
- Hạn chế đi lại các quốc gia đang có dịch Ebola khi không cần thiết;
- Nếu phải đi, cần tìm hiểu thông tin dịch Ebola tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân;
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Ebola; khi cần thiết phải tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Những người trở về từ các quốc gia có dịch, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.
- Thực hiện khai báo, thông tin, báo cáo ca bệnh theo hướng dẫn của bộ Y tế, hoặc gọi tới số điện thoại đường dây nóng của bộ Y tế: 19009095 và 19003228.
Đối với người bệnh
- Cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân đúng để hạn chế lây truyền bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc, vận chuyển bệnh nhân, trong trường hợp cần vận chuyển phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân và xe chuyên dụng. Các vật dụng bị ô nhiễm, đồ thải bỏ và chất thải của bệnh nhân cần phải khử trùng và xử lý theo quy định.
- Virus Ebola tiếp tục được bài tiết qua tinh dịch và sữa mẹ vì vậy cần tư vấn cho bệnh nhân cách phòng tránh lây truyền sau khi xuất viện.
- Xử lý tử thi theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng.
Đối với người tiếp xúc gần:
- Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân (khẩu trang N95, kính đeo bảo hộ mắt, mũ, găng tay, giày, quần áo) rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.
- Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh Ebola. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị:
- Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và bệnh nhân khác tại các cơ sở điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Video đề xuất
Hướng dẫn quy trình rửa tay đúng cách phòng ngừa lây nhiễm virus gây bệnh
Khử trùng xử lý môi trường và chất thải bệnh viện:
Tuân thủ quy trình về xử lý môi trường, chất thải theo quy định như đối với khu vực cách ly các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch khác.
3. Vắc-xin cho phòng ngừa virus Ebola
Ngày 19 tháng 12 năm 2019, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã chính thức phê duyệt vắc-xin Evebo sử dụng để phòng ngừa Ebola gây bởi virus Zaire ebolavirus (một trong hai chủng đầu tiên gây dịch bệnh Ebola ở châu Phi từ năm 1976). Vắc-xin này được phê duyệt sử dụng cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên. Đây là một bước tiến quan trọng của nhóm các nhà khoa học Mỹ trong việc nghiên cứu phát triển vắc-xin chống lại Ebola. Tại Mỹ, số ca mắc Ebola là rất hiếm, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm là rất cao từ khách du lịch (nguồn FDA).
4. Diễn biến dịch bệnh
Kể từ thời điểm phát hiện lần đầu tiên virus Ebola vào năm 1976, các ca nhiễm và dịch bệnh bùng phát do virus Ebola chủ yếu xảy ra ở châu Phi. Đợt dịch Ebola bùng phát năm 2014-2016 tại các quốc gia Tây Phi bắt đầu từ một vùng nông thôn phía Đông nam quốc gia Guinea, lây lan đến các khu vực đô thị và xuyên biên giới trong vài tuần, và trở thành một dịch bệnh toàn cầu trong vòng vài tháng.
Tính từ năm 1976 tới thời điểm thống kê là vào tháng 9 năm 2019, đã có hơn 30.000 người mắc và hơn 11.000 người tử vong do Ebola. Dịch bệnh khởi phát từ nước Cộng hòa dân chủ Congo, rồi lây lan sang các nước châu Phi khác như Gabon, Ivory Coast, Nam Sudan, Uganda, Guinea, Liberia và Sierra Leone. Năm 2014, Ebola bắt đầu lây lan sang Mỹ.
Nguồn: WHO, CDC, FDA, Bộ Y tế
XEM THÊM: