Thế nào là suy giảm hệ miễn dịch?

Bệnh suy giảm miễn dịch là tình trạng mà cơ thể giảm đáng kể hoặc hoàn toàn mất khả năng chống lại sự xâm nhập của các tác nhân vi khuẩn từ bên ngoài. Kết quả là cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng hơn so với những người có hệ miễn dịch bình thường, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Thục Thanh Huyền, chuyên ngành Dị ứng- Miễn dịch, tại Bệnh viện Vinmec Times City.

1. Bệnh suy giảm miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch bao gồm các tế bào bạch cầu và lympho có trong máu, hạch, tủy xương và lá lách, cùng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi trùng. Vị trí phân bố của hệ miễn dịch nhiều nhất là ở các “ngõ vào” của cơ thể, nhất là đường hô hấp và tiêu hóa.

Bằng việc tạo ra kháng thể hoặc sử dụng các men tiêu hủy, cơ thể có khả năng tự tiêu diệt các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, ngăn chúng gây bệnh. Bất cứ nguyên nhân nào làm hệ miễn dịch bị tổn thương, không còn đảm bảo được chức năng này gọi là suy giảm miễn dịch.

Ở người trưởng thành, hệ miễn dịch được xây dựng và củng cố qua những lần mắc bệnh bằng nguyên tắc “ghi nhớ”. Sau khi tạo kháng thể phù hợp để tiêu diệt thành công một loại kháng nguyên, cơ thể sẽ ghi nhớ và sử dụng cho các lần sau - khi tác nhân đó xâm nhập trở lại. Cơ chế này gọi là “miễn dịch chủ động”.

Ở trẻ sơ sinh, hệ thống miễn dịch tạm thời trong những ngày tháng đầu đời được thừa hưởng bằng dòng kháng thể nhận từ sữa mẹ. Cơ chế này gọi là "miễn dịch thụ động". Sự suy giảm kháng thể diễn ra rất nhanh trong vài tháng sau khi bé bắt đầu dừng bú sữa. Chính vì thế, sau mốc thời gian này, bé thường hay mắc nhiễm trùng và đây là “cơ hội” để xây dựng hệ miễn dịch chủ động cho riêng mình. Tuy nhiên, đối với một số chủng vi khuẩn có độc tính cao, gây bệnh nặng nề, cha mẹ cần chủ động phòng chống cho con bằng cách tiêm vaccine.

Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, tức là cơ thể mất đi hệ thống bảo vệ và phòng ngự, không còn khả năng đối phó và chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ cao bị tấn công. Kết quả là, hiện tượng nhiễm trùng thường kéo dài hoặc tái phát. Theo thời gian, các cấu trúc và chức năng sinh lý của các hệ cơ quan cũng sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm hoạt động. 

Các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng sẽ bị hệ miễn dịch tiêu diệt, giảm khả năng gây bệnh
Các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng sẽ bị hệ miễn dịch tiêu diệt, giảm khả năng gây bệnh

2. Những nguyên nhân dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch

Bệnh suy giảm miễn dịch có thể phát sinh ở mọi lứa tuổi và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung, hội chứng này có thể được phân loại thành hai nhóm nguyên nhân chính: Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh và suy giảm hệ miễn dịch mắc phải do các yếu tố bên ngoài gây ra.

2.1. Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh

  • Các biến đổi bất thường trong các gen được kế thừa từ cha hoặc mẹ có thể gây ra suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ, làm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn so với trẻ sinh ra từ cha mẹ bình thường. Đây được gọi là rối loạn di truyền.
  • Các rối loạn trong sản xuất các tế bào miễn dịch bao gồm bệnh thiếu hụt tế bào B, thiếu hụt tế bào T, thiếu hụt cả hai loại tế bào B và T, khiếm khuyết thực bào, thiếu hụt bổ thể, giảm gamma globulin trong máu, giảm bạch cầu đa nhân trung tính... và một số rối loạn khác.

2.2. Suy giảm hệ miễn dịch mắc phải

  • Nhiễm HIV/AIDS: Khác với các loại virus khác, HIV kí sinh và gây tổn thương trực tiếp hệ miễn dịch . Số lượng tế bào miễn dịch giảm mạnh, khiến cơ thể không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng tưởng chừng nhẹ nhàng, dẫn đến tình trạng suy kiệt và tử vong.
  • Sử dụng corticoid, thuốc chống thải ghép, và thuốc hóa trị ung thư: Các loại thuốc này ức chế hoạt động của tế bào miễn dịch và khả năng kích hoạt phản ứng chống lại sự viêm nhiễm.
  • Mắc bệnh đái tháo đường: tăng đường huyết kéo dài hoặc bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát là một yếu tố thuận lợi cho nhiễm trùng kéo dài.
  • Hội chứng thận hư, sau phẫu thuật cắt lách, suy dinh dưỡng, suy kiệt: Những tình trạng này gây giảm nghiêm trọng số lượng tế bào miễn dịch trong máu, với cơ chế sản xuất tế bào không đủ hoặc không hiệu quả, làm mất đi khả năng bảo vệ cơ thể.

3. Biểu hiện của suy giảm miễn dịch như thế nào? 

Nhiễm trùng là biểu hiện nổi bật nhất của bệnh suy giảm miễn dịch
Nhiễm trùng là biểu hiện nổi bật nhất của bệnh suy giảm miễn dịch

4. Cần làm gì khi bị suy giảm hệ miễn dịch?

Nhiễm trùng là biểu hiện nổi bật nhất của hội chứng suy giảm hệ miễn dịch, bởi lẽ đây là chức năng cơ bản của hệ miễn dịch mà nay không còn giữ vững được. Đặc điểm của nhiễm trùng trên người bị suy giảm miễn dịch khác biệt so với người bình thường là tần suất bệnh cao hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thời gian toàn phát kéo dài hơn và mức độ  nặng nề hơn.

Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ hệ thống cơ quan nào và đôi khi xảy ra cùng lúc trên nhiều hệ cơ quan, dễ khiến cơ thể suy sụp nhanh chóng. Các dấu hiệu cảnh báo suy giảm miễn dịch:  

  • Có từ 4 lần nhiễm trùng tai trong một năm.  
  • Có từ 2 lần viêm xoang nặng trong một năm.  
  • Có từ 2 tháng dùng kháng sinh ít hiệu quả.
  • Có từ 2 lần viêm phổi trong một năm.
  • Trẻ em chậm tăng cân hoặc chậm phát triển.
  • Áp-xe dưới da, áp-xe các cơ quan nội tạng tái phát.
  • Nhiễm nấm miệng hoặc nấm da dai dẳng.  
  • Cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch để điều trị nhiễm trùng.
  • Có từ 2 đợt nhiễm trùng sâu bao gồm nhiểm khuẩn huyết.
  • Tiền sử gia đình có người mắc suy giảm miễn dịch.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh suy giảm miễn dịch có thể phát ban, nổi hạch, cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, không thể tự chăm sóc bản thân. Nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan và dẫn đến tử vong.

4. 12 dấu hiệu cảnh báo SGMDTP ở trẻ sơ sinh:

  • Nhiễm trùng nặng và/hoặc kéo dài do nấm, nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
  • Biến chứng bất thường khi tiêm vaccine phòng lao; biến chứng sau tiêm vaccin sống như vi-rút bại liệt và Rota.
  • Bệnh tiểu đường hoặc tự miễn dịch khác và/ hoặc các biểu hiện viêm  
  • Nhiễm khuẩn huyết không phân lập được vi khuẩn  
  • Tiêu chảy kéo dài.
  • Tổn thương da lan tỏa  
  • Khuyết tật tim bẩm sinh (bất thường chủ yếu quai động mạch)  
  • Chậm liền rốn (> 30 ngày)  
  • Tiền sử gia đình có người SGMD hoặc tử vong sớm do nhiễm trùng.
  • Giảm Lympho Bào dai dẳng (<2500 tế bào/mm3) hoặc giảm các tế bào máu khác khác, hoặc tăng bạch cầu (> 30.000 tế bào/mm3) mà không có nhiễm trùng.
  • Giảm calci máu không có co giật  
  • Không có bóng tuyến ức trên phim X-quang

5. Cần làm gì khi bị bệnh suy giảm miễn dịch?

5.1. Đến cơ sở y tế để điều trị

Khi có một trong các dấu hiệu cảnh báo trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được khám và điều trị kịp thời .

Ngoài ra, những người có các bệnh lý dẫn đến nguy cơ suy giảm miễn dịch cũng nên chủ động theo dõi và đi khám sớm khi nghi ngờ bị nhiễm trùng. 

Khi có các triệu chứng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng nên đi đến cơ sở y tế để điều trị
Khi có các triệu chứng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng nên đi đến cơ sở y tế để điều trị

5.2. Sử dụng thuốc kháng sinh

Bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh phù hợp, có thể cần sử dụng liều cao đường tiêm truyền để đạt nồng độ điều trị trong máu nhanh chóng. Đôi khi, cần phải kết hợp hai hoặc nhiều nhóm kháng sinh khác nhau với các cơ chế khác nhau để tiêu diệt nhiều chủng vi khuẩn.

Thời gian điều trị bằng kháng sinh đối với những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch cũng kéo dài hơn so với người bình thường. Cần chú ý theo dõi chặt chẽ và thay đổi kháng sinh sớm nếu cần thiết hoặc nếu có dấu hiệu của sự đề kháng. Quyết định ngừng sử dụng kháng sinh đôi khi cũng gặp khó khăn vì lo ngại về việc tái phát nhiễm trùng.

5.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người bệnh cần được điều trị hỗ trợ, bao gồm đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng, bù nước, điện giải, vệ sinh cơ thể cũng như nghỉ ngơi đúng cách. Tất cả các hoạt động hàng ngày và điều trị của họ cần diễn ra trong một môi trường sạch sẽ, ưu tiên môi trường không có vi khuẩn để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Chế độ ăn cũng cần phải đa dạng với các thành phần như sắt, kẽm, vitamin A, C, D để tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh. Uống đủ nước và uống các loại nước ép hoa quả cũng là cách để bổ sung sinh tố và khoáng chất. Vệ sinh cá nhân cần được thực hiện kỹ lưỡng, bao gồm rửa tay sạch sẽ và đeo khẩu trang khi hắt hơi hoặc ho.

5.4. Luyện tập thể dục

Thực hiện hoạt động vận động đều đặn và đúng cách có thể giúp kiểm soát các bệnh mãn tính, tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch cho cơ thể một cách tự nhiên. Các hoạt động thể thao nhẹ nhàng có thể thực hiện như: chạy bộ, yoga, đạp xe, bơi lội,...

5.5. Ngủ đủ giấc

Việc có đủ giấc ngủ và giấc ngủ chất lượng là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là trong việc cải thiện và phòng tránh sự suy giảm của hệ miễn dịch. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn có đủ giấc ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ hàng ngày.

5.6. Tiêm vắc xin

Cần chú ý tiêm chủng đủ các loại vacxin cần thiết theo khuyến cáo.  Thực hiện quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm cho bản thân và người khác.

5.7. Sử dụng các chế phẩm sinh học

Bên cạnh đó, đối với những bệnh nhân mắc bệnh suy giảm miễn dịch, nếu việc điều trị nhiễm trùng không đạt được với kháng sinh, có thể cần phải tăng cường hệ miễn dịch bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học như globulin miễn dịch, Interferon gamma, hoặc các loại yếu tố tăng trưởng bạch cầu.

Ghép tế bào gốc và gen trị liệu là những hướng đi mới có thể giúp điều trị khỏi bệnh. 

Việc làm cần thiết nhất là phòng ngừa xảy ra nhiễm trùng
Việc làm cần thiết nhất là phòng ngừa xảy ra nhiễm trùng

Bệnh suy giảm miễn dịch sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, các biện pháp phòng tránh rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh. Hãy thiết lập và tuân thủ theo một lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe