Bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính cho đáp ứng điều trị rất hiệu quả với phương pháp ghép tế bào gốc, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện ngay lập tức. Do đó, trước khi ghép tế bào, bệnh nhân cần được điều trị nội khoa và một trong các loại thuốc được sử dụng là thuốc Busulfex. Vậy Busulfex là thuốc gì và sử dụng như thế nào?
1. Busulfex là thuốc gì?
Thuốc Busulfex có hoạt chất chính là Busulfan. Đây là thuốc được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính trước khi cấy ghép tế bào gốc.
2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Busulfex
Thuốc Busulfex sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch chậm (trong ít nhất 2 giờ) bởi nhân viên y tế được đào tạo chuyên khoa tại các bệnh viện. Liều sử dụng giữa các liều thuốc Busulfex thường cách mỗi 6 giờ một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Trong quá trình sử dụng busulfex, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc khác để phòng ngừa co giật, buồn nôn, nôn ói do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Liều dùng của thuốc Busulfex tính theo cân nặng, tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân.
3. Phản ứng phụ của thuốc Busulfex
Các tác dụng phụ hay gặp của thuốc Busulfex, bao gồm:
- Buồn nôn, nôn ói;
- Tiêu lỏng hoặc táo bón;
- Chán ăn;
- Loét miệng;
- Đau dạ dày, đau bụng;
- Chóng mặt;
- Phù mắt cá chân, bàn chân, bàn tay;
- Đỏ bừng mặt;
- Đau đầu;
- Mất hoặc khó ngủ.
Nếu các dấu hiệu trên xuất hiện hoặc kéo dài nghiêm trọng trong quá trình điều trị, bệnh nhân hãy báo cho nhân viên y tế để được xử trí thích hợp.
Tình trạng buồn nôn, nôn ói có thể dữ dội và gây khó chịu cho người bệnh. Một số trường hợp cần phải được bác sĩ chỉ định thêm các thuốc phòng ngừa hoặc giảm thiểu buồn nôn và nôn ói. Đồng thời, để hạn chế tình trạng này, bệnh nhân nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không ăn trước thời điểm truyền thuốc Busulfex hoặc hạn chế các hoạt động quá mức gây buồn nôn.
Nhiều bệnh nhân khi sử dụng hoạt chất Busulfan có thể xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, bác sĩ đã chỉ định loại thuốc này nghĩa là bác sĩ đã đánh giá lợi ích điều trị phải cao hơn các tác dụng phụ đối với sức khỏe bệnh nhân. Sự theo dõi cẩn thận, chặt chẽ từ các bác sĩ và nhân viên y tế có thể giúp giảm tối đa nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Busulfex có thể xảy ra, bao gồm:
- Các dấu hiệu của bệnh gan (như buồn nôn, nôn ói kéo dài dai dẳng, đau bụng dữ dội, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu);
- Thay đổi tâm thần (như trầm cảm, ảo giác, lo lắng , lú lẫn);
- Co cứng cơ;
- Tăng cảm giác khát;
- Tăng số lần đi tiểu;
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
- Ho ra máu, tiểu ra máu;
- Co giật;
- Đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm truyền thuốc;
- Ngất xỉu.
Busulfan có thể gây ra các vấn đề liên quan đến phổi rất nghiêm trọng (có thể gây tử vong). Thông báo ngay cho bác sĩ khi bệnh nhân có các dấu hiệu bệnh phổi như đau ngực dữ dội, khó thở, ho dai dẳng.
Thuốc Busulfex có thể gây ra các bệnh ung thư khác (như bệnh bạch cầu cấp tính, các khối u). Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng của bệnh ung thư, bao gồm xuất hiện u cục bất thường, sụt cân đột ngột.
Ngoài những tác dụng phụ hay gặp nêu trên, bệnh nhân sử dụng thuốc Busulfex có thể xảy ra các dấu hiệu khác. Khi đó, người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ, nhân viên y tế về tính trạng của bản thân để có hướng xử trí kịp thời.
4. Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của Busulfex
Trước khi điều trị bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính bằng thuốc Busulfex, bệnh nhân cần khai báo với bác sĩ nếu trước đây đã từng dị ứng với busulfex hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Một số tiền sử bệnh lý cần được quan tâm khi sử dụng thuốc:
- Bệnh về máu hoặc tủy xương (như ức chế tủy xương, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, thiếu máu);
- Bệnh lý tâm thần kinh (như động kinh, chấn thương đầu).
Busulfan có thể khiến bệnh nhân bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, virus hoặc làm nặng thêm các bệnh lý viêm nhiễm hiện tại. Do đó, người bệnh và nhân viên y tế hãy rửa tay sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với những bệnh nhân mắc bệnh dễ lây lan (như bệnh thủy đậu, bệnh sởi, cúm).
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Busulfex, bệnh nhân không nên tiêm ngừa vắc xin khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Hạn chế tiếp xúc với người vừa được tiêm các loại vắc xin sống giảm độc lực.
Thuốc Busulfan có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân đang mang thai hoặc dự định có thai vì busulfan có thể gây hại cho thai nhi. Nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong khi sử dụng và ít nhất 3 tháng sau khi ngừng điều trị. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần sử dụng các biện pháp tránh thai đáng tin cậy trong quá trình điều trị và ít nhất 6 tháng sau khi ngừng thuốc Busulfex.
5. Tương tác thuốc của Busulfex
Thuốc Busulfex có thể tương tác với các loại thuốc khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động, giảm tác dụng điều trị và tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn. Do đó, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang dùng, không sử dụng, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ. Sản phẩm có thể tương tác với thuốc Busulfex là: Axit nalidixic.
Một số thăm khám hoặc xét nghiệm cận lâm sàng (như công thức máu toàn bộ, nồng độ busulfex trong máu, chức năng gan, thận) phải được thực hiện định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh hoặc phát hiện các tác dụng phụ.
Thuốc Busulfex cần được sử dụng theo đúng lịch trình cụ thể. Nếu vì lý do nào đó mà bệnh nhân bỏ lỡ một liều sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức để nhận được lịch tiêm thuốc mới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com