Phthalates trong mỹ phẩm có tác hại gì?

Phthalates trong mỹ phẩm là một nhóm hóa chất có thể làm thay đổi tính chất của sản phẩm. Việc sử dụng thường xuyên các loại mỹ phẩm có chứa chất này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng tới sức khỏe.

1. Phthalate trong mỹ phẩm là gì?

Phthalate là một nhóm các loại hóa chất nhân tạo, được sử dụng với mục đích làm thay đổi tính chất của sản phẩm. Hiện nay, phthalate được sử dụng trong hàng trăm các sản phẩm khác nhau như đồ chơi, chất tẩy rửa, bao bì thực phẩm, nhựa, tấm trải sàn... Đặc biệt, một số loại mỹ phẩm mà chị em sử dụng hàng ngày như son môi, keo xịt tóc, sơn móng tay hoặc xà phòng...cũng có chứa thành phần phthalate này.

Một số loại phthalate trong mỹ phẩm có thể kể đến như:

  • Dibutylphthalate (DBP): Được sử dụng như một loại chất hóa dẻo, có trong các sản phẩm như sơn móng tay để giúp giảm nứt bằng cách làm cho chúng ít giòn hơn.
  • Dimethylphthalate (DMP): Được sử dụng trong nhiều loại thuốc xịt tóc nhằm giúp tóc không bị khô cứng bằng cách cho phép chúng tạo thành một lớp màng linh hoạt trên tóc.
  • Diethylphthalate (DEP): Được sử dụng làm dung môi và chất cố định trong nước hoa. Đây là chất hiện nay còn được sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm hơn so với 2 loại trên.

Nhiều khảo sát cho thấy, sự hiện diện của phthalate trong mỹ phẩm hay các vật dụng thường dùng cuộc sống hàng ngày đều có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. Loại hóa chất này có thể ngấm vào thực phẩm thông qua nhựa có trong bao bì hoặc phát tán từ mọi thứ xung quanh rồi sau đó xâm nhập vào cơ thể khi hít thở.


Phthalate trong mỹ phẩm là một nhóm hóa chất có thể làm thay đổi tính chất của sản phẩm
Phthalate trong mỹ phẩm là một nhóm hóa chất có thể làm thay đổi tính chất của sản phẩm

2. Tác hại của phthalates trong mỹ phẩm

Tác hại của phthalates trong mỹ phẩm như thế nào hiện vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng. Tuy nhiên, chúng được cho là 1 loại hóa chất gây ra tình trạng mất cân bằng hoặc rối loạn nội tiết, hậu quả là ảnh hưởng tới các vấn đề sinh dục và khả năng sinh sản.

  • Đã có một nghiên cứu với khoảng 328 phụ nữ mang thai có tiếp xúc với phthalates trong mỹ phẩm cho kết quả là: Loại hóa chất này có tồn tại trong nước tiểu của họ ở 3 tháng cuối thai kỳ. Có khoảng 25% trẻ được sinh ra bởi những phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với phthalate trong mỹ phẩm sở hữu chỉ số IQ thấp. Ngoài ra, phụ nữ có thai tiếp xúc phthalate cũng có nguy cơ khiến thai nhi nam bị dị dạng bộ phận sinh dục, tăng nguy cơ sảy thai hoặc mắc tiểu đường thai kỳ.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao tiếp xúc với phthalate trong đồ chơi bằng nhựa, sàn nhà, các sản phẩm tắm, gội đầu, kem bôi hăm...Với hệ thần kinh chưa phát triển đầy đủ, cùng thói quen đưa tay hay đồ chơi vào miệng đã khiến cho trẻ có hàm lượng phthalates rất cao trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng, chàm, hen suyễn, giảm IQ...Trước tình trạng này, đã có rất nhiều khuyến cáo việc cấm sử dụng phthalates trong đồ chơi hay các loại sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Đối với cả nam giới và nữ giới trưởng thành: Việc tiếp xúc với phthalate trong mỹ phẩm hoặc vật dụng hàng ngày 1 cách thường xuyên sẽ gây ra hậu quả là giảm nhu cầu tình dục. Đặc biệt, phthalates còn liên quan tới việc giảm sản xuất tinh trùng và tổn thương ADN của tinh trùng, dẫn đến tình trạng vô sinh nam.

3. Làm sao để hạn chế tác hại phthalates trong mỹ phẩm?

Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế những tác hại của phthalate trong mỹ phẩm đối với cơ thể bao gồm:

  • Học thói quen đọc các thành phần trên bao bì sản phẩm. Phthalate được ghi trên bao bì có các ký hiệu như BZBP, DBP, DE...
  • Hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm có mùi thơm được tạo bởi phthalates.
  • Tránh tối đa việc sử dụng sản phẩm chăm sóc cho em bé và phụ nữ mang thai có chứa thành phần phthalate. Mặc dù các nhà sản xuất không bắt buộc phải liệt kê chất phthalate một cách riêng biệt nhưng chúng ta có thể chọn sản phẩm không có “Fragrance" (hương thơm) để đảm bảo an toàn.

Tóm lại, phthalate có thể gây ra nhiều tác hại trên cơ thể của người sử dụng, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Do vậy, cần hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa chất này và học thói quen nhìn thành phần mỗi khi lựa chọn sản phẩm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe