Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bên trong mà còn thay đổi vẻ bề ngoài. Hút thuốc làm tăng nhanh quá trình lão hóa, dẫn đến các nếp nhăn và những thay đổi không mong muốn trên da, dễ thấy nhất là trên môi người hút thuốc. Theo đó, môi thâm do hút thuốc được đặc trưng bởi các nếp nhăn dọc quanh miệng; đồng thời, môi và nướu cũng có thể trở nên sẫm màu hơn đáng kể do so với tự nhiên của chúng.
1. Môi người hút thuốc như thế nào?
Đặc điểm đôi môi của người hút thuốc được đặc trưng bởi các nếp nhăn dọc quanh miệng. Môi và nướu cũng có thể bị tăng sắc tố, đậm màu hơn đáng kể so với độ bóng, hồng hào tự nhiên của chúng.
Môi người hút thuốc có thể bắt đầu xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác. Nếu đã xuất hiện các dấu hiệu của đôi môi của người hút thuốc, điều tốt nhất một người có thể làm để giảm sự xuất hiện của chúng là ngừng hút thuốc. Đồng thời, cũng có những phương pháp điều trị hữu ích khác nên cần xem xét áp dụng.
2. Tại sao hút thuốc lại có hại cho đôi môi?
Hút thuốc có thể gây ra bệnh nha chu và một số loại ung thư miệng.
Ngoài các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng này, hút thuốc có thể ảnh hưởng đến ngoại hình của người dùng, khiến vùng da quanh miệng chảy xệ và nhăn nheo. Hơn nữa, thuốc lá cũng có thể làm thâm môi và nướu.
Hút thuốc làm tăng nhanh quá trình lão hóa da, gây ra các nếp nhăn. Một lý do cho điều này là nicotine. Nicotine làm cho các mạch máu co lại và thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu và da thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự khỏe mạnh và dẻo dai.
Lưu lượng máu giảm và tiếp xúc với hắc ín, nicotin cũng có thể làm cho hắc tố ở môi và nướu trở nên sậm màu, dẫn đến sắc tố không đồng đều. Cụ thể là trên môi xuất hiện những đốm màu, tím, nâu sẫm hoặc đen.
Mặt khác, các chất hóa học trong thuốc lá cũng có những tác động tiêu cực đến làn da. Trong một điếu thuốc lá, có hơn 4.000 chất hóa học trong khói thuốc. Những hóa chất này làm tổn thương cấu trúc của các sợi collagen và elastin, là hai loại protein giúp duy trì độ đàn hồi và cấu trúc của da. Nếu không có đủ collagen và elastin để giữ cho da chắc khỏe, các lớp da mau chóng yếu đi, gây chảy xệ và hình thành nếp nhăn.
Bên cạnh đó, việc chu môi lặp đi lặp lại khi hút thuốc và sức nóng tỏa ra khi đốt thuốc lá cũng có thể khiến người hút thuốc hình thành tổn thương môi cấp tính và lâu ngày trở thành mạn tính, thay đổi sức khỏe tại chỗ của môi.
3. Làm cách nào để khắc phục môi thâm do hút thuốc lá?
Bỏ hút thuốc lá luôn là cách đầu tiên giúp ngăn chặn các tổn thương mới cho môi và miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho những tổn thương cũ được tân sinh và hồi phục.
Song song đó, người bệnh cần nhớ uống nhiều nước để thải các chất độc từ thuốc lá ra khỏi cơ thể và đảm bảo giữ cho đôi môi luôn được bảo vệ khỏi tác động trực tiếp từ ánh nắng mặt trời.
Chi tiết những phương pháp giúp khắc phục từng đặc điểm môi thâm do hút thuốc như sau:
3.1. Sạm môi
Có một số phương pháp điều trị chứng tăng sắc tố da do nhiều nguyên nhân nói chung, do hút thuốc lá nói riêng giúp trả lại màu sắc tự nhiên cho đôi môi như ban đầu.
Tẩy da chết
Da môi luôn là lớp mỏng manh và cần được chăm sóc cẩn thận. Việc tẩy da chết có thể tự thực hiện tại nhà hoặc sử dụng các sản phẩm chuyên dụng mua ở cửa hàng. Thử trộn muối thô hoặc đường với dầu hạnh nhân hoặc dầu dừa và nhẹ nhàng xoa bóp hỗn hợp lên môi mỗi ngày một lần. Người dùng cũng có thể sử dụng bàn chải lông mềm hoặc khăn nhúng dầu để tẩy tế bào chết. Cần nhớ sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng môi sau mỗi lần điều trị.
Mặt nạ môi
Có nhiều bằng chứng cho thấy mặt nạ môi có chứa nghệ, chanh hoặc nước cốt chanh có thể giúp làm sáng môi. Hãy thử kết hợp một hoặc nhiều thành phần này với chất dầu từ vitamin A hoặc vitamin E, và phủ lên môi trong 15 phút, một lần mỗi ngày giúp cải thiện thâm môi.
Điều trị bằng laser
Luôn cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp bởi bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, phương pháp điều trị bằng laser hoạt động bằng cách tập trung các xung ánh sáng vào sâu bên trong các lớp da. Các phương pháp điều trị này có thể được sử dụng để phục hồi màu sắc tự nhiên của đôi môi, tiêu các đốm đen, loại bỏ các hắc tố dư thừa, kích thích sản xuất collagen và xóa các nếp nhăn dọc quanh miệng.
3.2. Nếp nhăn môi
Nếp nhăn môi do hút thuốc còn được gọi là nếp nhăn môi. Những nếp nhăn này có thể trở nên tồi tệ hơn khi kèm theo những nguyên nhân khác như do uống rượu, ngủ không đủ giấc, phơi nắng quá nhiều và ăn uống thiếu chất.
Có những phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm hoặc loại bỏ các đường dọc xung quanh miệng. Một số phương pháp điều trị này đặc biệt có lợi cho việc giảm nếp nhăn và tăng sắc tố hồng hào cho môi.
Dưỡng ẩm và cấp nước cho môi
Sử dụng kem dưỡng ẩm phong phú có chứa tretinoin, chẳng hạn như Retin-A, có thể giúp tạo collagen và giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn quanh miệng. Kem dưỡng ẩm hàng ngày có chứa SPF phổ rộng có thể giảm tiếp xúc với tia UVA và UVB.
Tẩy da
Axit Mandelic là một loại axit alpha hydroxy nhẹ nhàng có nguồn gốc từ quả hạnh đắng. Có các phiên bản lột da bằng axit Mandelic tại nhà và chuyên nghiệp với nhiều mức độ khác nhau. Nhiều loại có thể được sử dụng trên và xung quanh vùng môi để làm giảm các nếp nhăn và vết chân chim cũng như làm sáng các mảng tối.
Thuốc tiêm chống nhăn
Sử dụng thuốc tiêm, chẳng hạn như Botox, có thể thực hiện để làm phẳng các nếp nhăn và thư giãn cơ mặt. Phương pháp này cần phải thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tại phòng khám da liễu.
Dùng chất làm đầy
Các chất làm đầy thường chứa axit hyaluronic, được sử dụng để làm đầy đặn vẻ ngoài của đôi môi bằng cách làm đầy các nếp nhăn trên môi và nếp nhăn quanh miệng.
Tái tạo bề mặt bằng laser
Còn được gọi là laser hoặc lột da bằng laser, tái tạo bề mặt bằng laser được thực hiện bởi bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Phương pháp điều trị bằng laser loại bỏ lớp da bị tổn thương trên cùng, thường tiến hành sau khi tiêm chất làm đầy tạm thời hoặc ghép mỡ trực tiếp vào các nếp nhăn sâu.
3.3. Ung thư môi và miệng
Ung thư miệng có thể phát triển ở môi, lợi, lưỡi và bên trong miệng. Hút thuốc lá và sử dụng các loại thuốc lá khác là những yếu tố nguy cơ cao gây ung thư miệng. Lúc này, việc bỏ thuốc lá là biện pháp duy nhất có ý nghĩa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Điều trị ung thư miệng hoặc môi thường yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ các khối u và tế bào ung thư đã di căn đến các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như cổ. Đồng thời, người bệnh cũng có thể cần phẫu thuật tái tạo miệng, xạ trị hoặc hóa trị.
Tóm lại, hút thuốc lá không chỉ là yếu tố gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân mà còn gây ra các vấn đề về thẩm mỹ, chẳng hạn như đôi môi thâm do hút thuốc. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự nhăn nheo và đổi màu của môi và miệng. Ở mức độ nhẹ, tình trạng này có thể đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu đã hình thành các nếp nhăn dọc sâu xung quanh miệng hoặc chứng tăng sắc tố da nghiêm trọng, người bệnh cần phải dùng đến các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com