1. Thuốc lá điện tử gây hại sức khỏe răng miệng bằng cách nào?
Các nghiên cứu hiện tại điều cho rằng thuốc lá hại răng, đặc biệt là thuốc lá điện tử, gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng, trong đó chủ yếu qua những phương thức sau:
- Vi khuẩn dư thừa: Thuốc lá điện tử tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng. Các loại vi khuẩn dư thừa này làm tăng nguy cơ sâu răng và các bệnh về nướu.
- Khô miệng: Một số hợp chất có trong thuốc lá điện tử, đặc biệt là propylene glycol, có thể gây khô miệng. Khô miệng mãn tính có liên quan đến hơi thở hôi, lở loét miệng và sâu răng.
- Nướu bị viêm: Thuốc lá điện tử có thể gây ra phản ứng viêm trong các mô nướu, gây viêm nướu và các bệnh lý về răng khác.
- Kích ứng miệng và cổ họng: Thuốc lá điện tử có thể gây kích ứng miệng và cổ họng gây đau, sưng, đỏ các bộ phận ở khu vực này.
- Tế bào chết: Thuốc lá điện tử có thể làm tăng tình trạng viêm và tổn thương DNA, khiến các tế bào mất khả năng phân chia và phát triển, từ đó làm tăng tốc độ lão hóa tế bào và dẫn đến chết tế bào. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe răng miệng như bệnh nha chu, khô miệng, hơi thở hôi, sâu răng.
Cần có nhiều nghiên cứu dài hạn hơn để thực sự hiểu thuốc lá điện tử có liên quan đến sự chết của tế bào và các ảnh hưởng khác đến sức khỏe răng miệng của con người hay không.
2. Thành phần nào trong thuốc lá điện tử gây hại răng miệng?
Nhiều công ty sản xuất thuốc lá điện tử không liệt kê hết các thành phần có trong nó nên rất khó để đưa ra danh sách đầy đủ các chất gây hại đến sức khỏe răng miệng, chỉ có thể liệt kê một số chất đã được các nghiên cứu chứng minh gồm:
- Nicotin
- Propylene glycol
- Menthol
Ngoài ra, thuốc lá điện tử có hương vị có nhiều khả năng gây viêm nướu hơn so với thuốc lá điện tử không có hương vị.
3. Làm sao để hạn chế tác dụng phụ của thuốc lá điện tử đến sức khỏe răng miệng?
Nếu bạn đang hút thuốc lá điện tử, điều tốt có thể làm để hạn chế tác dụng phụ của nó là chăm sóc răng miệng thật tốt, trong đó gồm:
- Hạn chế nicotine: Chọn các loại thuốc lá điện tử có ít hoặc không có nicotine giúp hạn chế tác động tiêu cực của nicotin đối với răng và nướu.
- Uống nước sau hút thuốc lá điện tử: Tránh khô miệng và hôi miệng bằng cách bù nước sau khi hút thuốc lá điện tử.
- Đánh răng 2 lần/ngày: Đánh răng giúp loại bỏ mảng bám, ngăn ngừa sâu răng và tăng cường sức khỏe tổng thể của nướu.
- Dùng chỉ nha khoa trước khi đi ngủ: Giống như đánh răng, dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám và tăng cường sức khỏe của nướu.
- Khám nha khoa thường xuyên: Nếu có thể, bạn nên khám nha khoa 6 tháng/lần để được làm sạch và điều trị bệnh răng miệng nếu có.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hẹn gặp với nha sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng khác nếu bạn gặp bất kỳ trường hợp nào sau đây:
- Chảy máu hoặc sưng nướu răng
- Răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh
- Khô miệng thường xuyên
- Răng lung lay
- Loét miệng hoặc vết loét lâu không lành
- Đau răng hoặc đau miệng
- Tụt lợi
Nếu gặp một trong số các triệu chứng trên cùng với sốt hoặc sưng ở mặt hoặc cổ thì bạn nên đi khám ngay để được điều trị khẩn cấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd, healthline