Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ sức khỏe của con người, ngăn ngừa bệnh và nhiễm trùng. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể gặp các vấn đề bất thường, điều này dẫn đến một số bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch và sức đề kháng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Hệ miễn dịch của cơ thể là gì?
Thuật ngữ "Hệ miễn dịch" (Immune System) trong tiếng Anh có nghĩa là hệ thống được hình thành từ một mạng lưới các tế bào đặc biệt, mô, các cơ quan và protein. Các yếu tố này cùng nhau hoạt động để bảo vệ con người chống lại vi khuẩn và vi sinh vật tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Hệ thống miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một chuỗi các phản ứng miễn dịch.
Hệ miễn dịch của cơ thể phức tạp và nằm ở khắp các nơi trong người, bao gồm:
Amidan ở cổ họng
Hệ thống tiêu hóa
Tủy xương
Da
Hạch bạch huyết
Lá lách
Niêm mạc mỏng bên trong mũi, họng và bộ phận sinh dục
2. Vai trò
2.1. Bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh
Hệ miễn dịch là cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Các "kẻ xâm lược" gây bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và thậm chí là nấm tồn tại ở khắp mọi nơi như trong nhà, nơi làm việc và môi trường tự nhiên.
Quá trình phản ứng miễn dịch diễn ra như sau:
Bước 1: Hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ tạo ra một rào cản để ngăn chặn mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể.
- Bước 2: Nếu các tác nhân gây hại vượt qua rào cản, hệ thống miễn dịch tiếp tục sản xuất các tế bào bạch cầu, cũng như các hóa chất và protein khác để tấn công, phá hủy các yếu tố lạ có khả năng gây hại.
Hệ thống miễn dịch có khả năng nhận biết hàng triệu kháng nguyên khác nhau và sẽ hoạt động để loại bỏ hầu hết các yếu tố gây bệnh xâm nhập. Nếu hoạt động đúng cách, hệ thống phòng thủ phức tạp này sẽ ngăn chặn nhiều vấn đề sức khỏe, từ cảm lạnh đơn giản đến ung thư nguy hiểm.
2.2. Tạo kháng thể chống bệnh cũ tái phát
Con người được sinh ra với một hệ miễn dịch và đề kháng nhất định, nhưng hệ miễn dịch này sẽ trải qua quá trình cải thiện theo thời gian.
Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm cúm, hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất "ngân hàng" kháng thể sau khi tiếp xúc lần đầu tiên với căn bệnh đó, từ đó phát triển khả năng chống lại chúng trong tương lai.
Quá trình đưa các mầm bệnh đã bị làm yếu vào cơ thể tạo điều kiện để hệ thống miễn dịch chiến thắng, tạo ra kháng thể và ngăn chặn tái phát bệnh, đó cũng chính là cơ chế hoạt động của vắc xin.
Tuy nhiên, khi con người già đi, hệ thống miễn dịch sẽ kém hiệu quả hơn. Suy giảm miễn dịch khiến cơ thể yếu dần và dễ mắc bệnh hơn.
3. Tầm quan trọng của hệ miễn dịch
Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm, vi khuẩn, virus và độc tố có thể xâm nhập và gây ra một số căn bệnh.
Rối loạn miễn dịch cũng gây ra nhiều bệnh lý khác như:
Các bệnh tự miễn như tiểu đường ở trẻ vị thành niên, viêm khớp dạng thấp và thiếu máu.
Các bệnh suy giảm miễn dịch bao gồm HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch ở người mắc phải) và suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng SCID.
Trắc nghiệm: Bài kiểm tra chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) của bạn
Chỉ số trí tuệ cảm xúc Emotional Quotient (EQ) là một chỉ số dùng để nói lên trí tưởng tượng, đánh giá và cảm xúc của một con người. Hãy làm bài trắc nghiệm sau để biết chỉ số EQ của bạn là bao nhiêu?
Nguồn tham khảo: webmd.com
4. Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh
Thói quen sống lành mạnh có thể giúp cải thiện chức năng của hệ miễn dịch, cụ thể là:
4.1 Tập thể dục
Luyện tập đều đặn không chỉ giúp cơ thể cảm thấy sảng khoái mà còn tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng. Các hoạt động như đi bộ nhanh có thể kích thích tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, từ đó nâng cao khả năng miễn dịch.
4.2 Ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng cân đối giữ vai trò quan trọng trong quá trình giữ cho hệ miễn dịch và sức đề kháng hoạt động tốt. Rau củ, trái cây giàu vitamin C và chất chống oxy hóa cũng như tỏi và một số loại nấm có thể tăng cường sức đề kháng.
4.3 Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đầy đủ giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và suy yếu. Thiếu ngủ làm mất sức đề kháng và dễ mắc bệnh hơn. Có một giấc ngủ đù và sâu được xem như liều thuốc chữa bệnh cho cơ thể.
4.4 Kiểm soát căng thẳng
Cơ thể sẽ tiết ra hormone như cortisol và adrenaline khi căng thẳng sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu. Căng thẳng dài hạn tăng nguy cơ mắc bệnh, gồm cả các bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Các bài tập thiền và yoga giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
4.5 Tránh lạm dụng rượu và chất kích thích
Tuy uống rượu với lượng nhất định có thể đem lại lợi ích sức khoẻ nhưng lạm dụng rượu và chất kích thích sẽ làm hệ miễn dịch suy yếu, gây ức chế chức năng tế bào bạch cầu và giảm đề kháng.
4.6 Sống hạnh phúc
Một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ tình yêu thương thường đi đôi với sở hữu cơ thể khoẻ mạnh. Nghiên cứu cho thấy rằng, mức protein trong hệ thống miễn dịch - immunoglobulin A (IgA), có xu hướng tăng cao hơn ở người trưởng thành có quan hệ tình dục đều đặn và lành mạnh. Các mối quan hệ tốt giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh một cách tự nhiên.
4.7 Tránh hút thuốc
Sử dụng thuốc lá là một trong các nguyên nhân tăng nguy cơ bị bệnh như viêm phổi, cảm cúm, viêm khớp dạng thấp,….
4.8 Duy trì cân nặng hợp lý
Một yếu tố gây suy giảm chức năng của hệ miễn dịch là béo phì. Tình trạng béo phì làm thay đổi số lượng tế bào bạch cầu và các phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Vì vậy, duy trì cơ thể cân đối cũng là cách để cải thiện hệ miễn dịch.
4.9 Tiêm chủng đầy đủ
Tiêm vắc-xin là một cách hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. Để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm do bệnh tật gây ra, cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
Hệ thống miễn dịch thực hiện các phản ứng để bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh. Mặc dù các rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch thường khó ngăn chặn, nhưng một lối sống lành mạnh và sự hỗ trợ của bác sĩ có thể giúp xây dựng một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Kidshealth.org, Stanfordchildrens.org, Webmd .com